Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Thơ phú thông tuệ, xử án như thần

Ngay từ thủa nhỏ, Nguyễn Bá Lân đã là một tài năng thơ phú. Sau này đỗ đạt làm quan đến chức Tể tướng, ông lại đem cái cốt cách cao quý, trí tuệ hơn người của mình để giúp đời, giúp người và được người xưa tôn sùng, ngưỡng mộ.

Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Thơ phú thông tuệ, xử án như thần

Tinh thông thơ phú bộc lộ từ nhỏ

Theo sách Đăng khoa lục sưu giảng (của Thượng thư Trần Tiến, triều Lê Hiển Tông ), Tang thương ngẫu Lục (của danh sĩ cụ Phạm Đình Hổ, triều Nguyễn) Lịch đại danh hiến phó đã ghi nhiều giai thoại thú vị xung quanh chuyện học hành của 2 cha con cụ Nguyễn Công Hoàn và ông Nguyễn Bá Lân được truyền tụng trong dân gian xứ Đoài.

Sách có ghi lại rằng, một buổi chiều ông Nguyễn Bá Lân đi tắm ở ven bờ sông Hồng ở quê nhà. Lúc bấy giờ, ông mắc quần áo vào cành cây ở ven sông xuống sông tắm. Một cụ đồ nho đi qua thấy vậy, biết ông Nguyễn Bá Lân có tài về ứng đối, liền đọc một vế đối xem ông đối lại ra sao?

Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Thơ phú thông tuệ, xử án như thần ảnh 1

Đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân tại xã Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội).

Cụ đồ nho ra vế đối rằng: “Thiên niên - Cổ thụ tàn y giá” (nghĩa là: Cành cây cổ thụ trăm năm trở thành mắc áo của ông Bá Lân?). Biết cụ đồ thử tài mình, ông Nguyễn Bá Lân đáp lại rằng: “Đại hải - Trường giang túc dục bồn” (nghĩa là: Bể lớn sông dài làm bồn tắm của cụ mà thôi). Vế đối của ông Nguyễn Bá Lân khớp từng câu chữ, lại phóng khoáng hơn nên cụ đồ nho lấy làm phục lắm.

Một hôm cha con cụ Nguyễn Công Hoàn và ông Nguyễn Bá Lân đi trên một chuyến đò, cụ Hoàn nhìn thấy một đàn dê ở bờ bên kia sông liền bảo con trai ra bài phú với đầu đề: “Dịch đình dương xa phú” (nghĩa là: Bài phú xe Dê trong cung cấm).

Cụ Hoàn đưa ra đầu đề với lời hẹn nếu thuyền đến bến mà ông Bá Lân chưa làm bài xong thì cụ sẽ ném ông Bá Lân xuống sông. Nếu ông Bá Lân làm bài xong trước thì sẽ được ném cha xuống sông. Khi thuyền chưa đến bến, ông Nguyễn Bá Lân đã làm xong bài phú trước cha. Dẫu vậy, đạo làm con nên ông không dám đẩy cha xuống sông. Bài phú sau này được lưu truyền và là một trong những bài phú nổi tiếng của ông Bá Lân. Người ta còn gọi bài phú đó là “Nhất độ giang thành chương phú” (nghĩa là: Bài phú làm xong trên một chuyến đò ngang).

Gia phả họ Nguyễn thủy tổ có ghi lại rằng, cụ Nguyễn Công Hoàn là bạn đồng niên và là bạn đồng môn với cụ Lê anh Tuấn. Cả 2 đều thông minh xuất chúng, được người đương thời tôn vinh “Tứ hổ tràng An”. Song, cụ Lê Anh Tuấn thi đỗ Tiến sĩ năm 24 tuổi vào trong triều làm quan.

Một hôm cụ Nguyễn Công Hoàn bảo con trai là ông Nguyễn Bá Lân vào làng Thanh Mai mời cụ Lê Anh Tuấn ra nhà chơi. Vì lâu ngày mới gặp nhau có dịp giao bang thơ – phú nên cụ Lê Anh Tuấn nhận lời.

Khi cụ Lê Anh Tuấn ra tới nhà, cụ Nguyễn Công Hoàn ra chào hỏi tiếp đón và mời cụ Lê Anh Tuấn uống rượu, giao bang thơ - phú với nhau. Ông Nguyễn Bá Lân khi ấy được cha cho vào hầu rượu. Khi hầu rượu, đôi khi ông Nguyễn Bá Lân xen vào một vài câu thơ – phú khiến cụ Lê Anh Tuấn bực tức, không hài lòng. Tiện đà, cụ Lê Anh Tuấn liền đọc một câu xem ông Nguyễn Bá Lân đối đáp ra sao. Cụ Lê Anh Tuấn ra vế đối: “Sỉ tính cương, thiết tính nhu - Cương tính bất nhu, nhu tính cửu” (nghĩa là: Lưỡi có trước mền bền lâu, răng mọc sau cứng hơn nhưng không bền lâu được).

Ông Nguyễn Bá Lân nghe xong vế đối của cụ Lê Anh Tuấn hiểu ý, liền ứng khẩu đọc: “My sinh tiền, tu sinh hậu - Tiền sinh mạc nhược, hậu sinh trường” ( nghĩa là: Lông mày mọc trước, không dài bằng râu mọc sau).

Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Thơ phú thông tuệ, xử án như thần ảnh 2
Bia ghi danh Tiến sĩ lưu tên ông Nguyễn Bá Lân được dòng tộc họ Nguyễn thủy tổ phục dựng theo nguyên bản tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Khi cụ Lê Anh Tuấn ra về, ông Nguyễn Bá Lân xin với cha được đi tiễn thêm cụ Lê Anh Tuấn một đoạn đường nữa với mục đích để có cơ hội giao bang thơ phú. Khi 2 người đi qua cống nước chảy, xếp bằng đá xanh (cống Đõ giữa ở làng An Đô - nay là thôn Cổ Đô), cụ Lê Anh Tuấn được dịp đáp trả vế đối của ông Nguyễn Bá Lân liền đọc: “Đá xanh xây Cống - Hòn dưới nống hòn trên”. Hiểu ý, cụ Lê Anh Tuấn chê mình ít tuổi, học không bằng cụ mà dám thi thố thơ, phú là phạm thượng nên khi đi đến quán lợp ngói (quán Ngói nơi để nhân dân trú nắng, mưa khi đi làm ngoài đồng ở An Đô), ông Nguyễn Bá Lân được dịp ứng đáp vế đối trước đó của cụ Lê Anh Tuấn rằng: “Ngói đỏ lợp Nghè - Lớp sau đè lớp trước” với ý sau này ông Nguyễn Bá Lân phấn đấu học thi đỗ làm quan còn cao hơn cụ Lê Anh Tuấn .

Cụ Lê Anh Tuấn thấy ông Nguyễn Bá Lân còn nhỏ tuổi nhưng đối lại thật ngang tàng song cũng đầy khí phách, từ đó cụ Lê Anh Tuấn ngầm ý phục tài đối đáp của ông Nguyễn Bá Lân mà không tỏ ra giận dữ nữa.

Quả nhiên sau này ông Nguyễn Bá Lân thi đỗ Tiến sĩ năm Tân Hợi (1731) làm quan Thượng thư ở 6 bộ, tước Quận Công (trong khi cụ Lê Anh Tuấn làm quan Thượng thư ở 2 bộ)

Tài xử án như thần

Ông Nguyễn Bá Lân làm quan đến chức Tể tướng, trải qua lục bộ Thượng thư triều đình vua Lê - Chúa Trịnh. Ở cương vị nào ông cũng tỏ ra là người có đức độ, tài năng, công minh. Năm Kỷ Hợi (1779), tuy đã 80 tuổi, ông nhận chức Giám trị thiên hạ từ tụng, ông xét xử hơn trăm vụ án, thiên hạ cho là công minh, công bằng.

Một lần biết tin ông về tuần phủ tại phủ Xuân Trường (nay là huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), nhiều người đến đánh trống kêu oan. Trong số đó, có một người phụ nữ khoảng 20 tuổi khuôn mặt khắc khổ. Người đàn bà chẳng những đánh trống mà còn phủ phục trước ngựa của quan Tể tướng để dâng đơn tố cáo kẻ ác, giãi bày nỗi oan trái.

Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Thơ phú thông tuệ, xử án như thần ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Đoàn bên câu đối đặt tại đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Toàn bộ sự tình người đàn bà đó kể lại rằng, cách đây hơn 3 năm, người này được viên Chánh tổng nọ lấy về làm vợ lẽ. Bởi vì bà vợ cả sinh được 6 người con gái nên ông Chánh tổng nọ rất yêu thương cô, ngày đêm mong cô mang thai sinh cho ông một cậu con trai để nối dõi tông đường. Một sự trùng hợp kỳ lạ là cả 2 người đều mang thai. Lúc cô đau đẻ thì cũng là lúc người vợ cả dở mình mẩy đi kêu bà đỡ. Khi bà đỡ đến, người vợ cả gọi bà ta vào trong buồng dặn dò và bảo bà đỡ đẻ, đỡ cho cả 2 người.

Vì mới sinh lần đầu nên cô đau đớn. Khi sinh được đứa con thì cô đã kiệt sức lịm đi. Thế là cuộc đánh tráo, đổ vạ cho người vợ bé. Quan Tể tướng Nguyễn Bá Lân hỏi Tri phủ Xuân Trường về việc có nhận được đơn của cô gái này không? Tri phủ Xuân Trường trả lời rằng bản thân có nhận được đơn của người phụ nữ này nhưng khó xử kiện quá, bởi không rõ thật giả thế nào?

Quan Tể tướng Nguyễn Bá Lân nghe xong đã yêu cầu đưa người vợ cả và bà đỡ lên phủ đường. Nhưng dù tra hỏi, đối chất thế nào, hai người đàn bà này vẫn một mực kêu oan. Quan bèn nghĩ ra một kế sau đó sai lính chuẩn bị pháp trường để chém đứa trẻ trước sự ngạc nhiên của mọi người.

Y lệnh ông Nguyễn Bá Lân, quan Tri phủ Xuân Trường sai lính đem đứa trẻ ra pháp trường và giải 3 người đàn bà kia ra chứng kiến cảnh xử chém. Lúc này, người vợ bé chân đất, đầu tóc rũ rượi khóc lóc gào thét ầm ỹ lên một mực xin được chết thay cho đứa trẻ còn người vợ cả và bà đỡ vẫn thản nhiên không tỏ ra thương tiếc.

Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Thơ phú thông tuệ, xử án như thần ảnh 4

Bên cạnh tài năng thơ phú, Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân còn được biết đến là người có tài xử án như thần. Ảnh minh họa quan thời phong kiến xử án.

Chỉ chờ đến cảnh ấy, quan Tể Tướng liền tuyên bố trả đứa bé trai cho người vợ bé và ra lệnh bắt hai người đàn bà kia đem vào ngục giam để xét xử tiếp. Chứng kiến cảnh ông Nguyễn Bá Lân xử án, nhiều người khâm phục và cho rằng thật là kỳ dị mà hiếm thấy. Quan giải thích rằng chỉ có người mẹ mang nặng đẻ đau mới biết thương con mình. Người vợ bé dám hy sinh thân mình để chết thay cho đứa trẻ hoàn toàn xứng đáng là mẹ của đứa trẻ đó.

Ở thời nào cũng vậy, việc xử có đúng người đúng tội, tâm phục khẩu phục hay không, phụ thuộc vào quá trình điều tra, thẩm tra có tường tận khách quan vô tư hay không? Điều đó đặt ra cho người được giao trách nhiệm vụ án này không những phải chỉ có trình độ nghiệp vụ, thông minh xét đoán, mà còn phải có phẩm chất đạo đức trong sáng. Cách giải quyết vụ án trên chỉ là một trong số vụ án mà ông Nguyễn Bá Lân đã làm. Tài năng, đức độ của quan Tể tướng Nguyễn Bá Lân còn được lưu truyền mãi mãi sau này.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ