Chuyện chưa kể về gia đình có 3 người được đặt tên phố

Với người Hà Nội, hẳn không còn xa lại với những con đường mang tên Hoàng Đạo Thành, Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu. Nhưng chuyện về gia đình nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy có 3 người được đặt tên phố thì không phải ai cũng biết. Đằng sau những con người mang tên phố ấy là những cuộc đời đầy tài năng và là một nhân cách lớn...

Chuyện chưa kể về gia đình có 3 người được đặt tên phố

Từ cây cầu làng đến “cầu nối” của những tri thức

Khi chúng tôi đặt vấn đề viết về đại gia đình, GS.TSKH Hoàng Đạo Kính - con trai của nhà trí thức văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã lưỡng lự khá lâu. Ông lo ngại việc kể ra sẽ bị cho là “khoe”, bởi sinh thời, cha ông vốn là người sống giản dị, không phô trương và cũng không xin xỏ điều gì cho riêng mình.

Và sau vài ngày suy nghĩ, cũng như xin ý kiến về các thành viên trong dòng họ Hoàng Đạo, GS.TSKH Hoàng Đạo Kính đã đồng ý để chúng tôi viết về gia đình ông.

Để khai thác được những câu chuyện ở khía cạnh gia đình, GS.TSKH Hoàng Đạo Kính giới thiệu cho chúng tôi gặp chị gái của ông, tên Hoàng Kim Liên. Bà Liên năm nay đã 85 tuổi nhưng những biểu hiện của tuổi già nhà mắt mờ, tai kém, lưng còng… dường như không tác động đến bà.

Tiếp chúng tôi bằng tác phong nhanh nhẹn và trí nhờ minh mẫn, bà Hoàng Kim Liên nhớ cả những câu chuyện từ cách đây 70-80 năm.

GS.TSKH Hoàng Đạo Kính có lần cũng đã kể rằng, cha ông khi còn sống đã từng “than phiền” rằng: “Người ta già, lúc chết quên bớt đi. Còn cậu lại khổ về trí nhớ, cậu không quên ai, không quên cái gì bao giờ”. Có thể nói, trí nhớ là một gen đặc biệt của dòng họ Hoàng Đạo.

Bà Hoàng Kim Liên kể rằng, ông nội bà là người Kim Lũ (Lủ Trung), vốn giỏi văn chương, ham mê lịch sử từ khi còn nhỏ. Sau khi đỗ cử nhân năm 1884, ông làm giáo thụ ở các phủ Quốc Oai, Hoài Đức, Từ Sơn… rồi quyền tri phủ Thuận Thành.

Nhưng sau đó ông từ quan để về quê dạy học, rồi tham gia phong trào Duy Tân. Ông viết nhiều sách lịch sử và danh nhân: Đại Nam hành nghĩa liệt nữ truyện, Việt sử tứ tự, đặc biệt có bộ Việt sử tân ước được soạn theo tinh thần tiến bộ như ca ngợi triều Tây Sơn, khai thác nguồn văn hóa dân gian…

“Cha tôi làm nhiều việc nhưng cả đời ông chỉ thích nhất nghề dạy học”, bà Kim Liên nói.

 Bà Hoàng Thị Liên bên tác phẩm nghiên cứu về cuộc đời của GS Tạ Quang Bửu. Ảnh: TH

Bà Hoàng Thị Liên bên tác phẩm nghiên cứu về cuộc đời của GS Tạ Quang Bửu. Ảnh: TH.

Ông Hoàng Đạo Thành có hai đời vợ. Đời vợ thứ nhất là con gái của cụ Phạm Hội, một nhà giáo liêm khiết. Cụ Phạm Hội là con của cụ Phạm Quỳnh. Khi bà cả mất, ông Hoàng Đạo Thành cứ ở vậy nuôi con khôn lớn mấy chục năm trời.

Mãi đến khi ông đã 62 tuổi, được hào lý trong làng thương cảnh “gà trống nuôi con” nên đã gả con gái cho ông. Bà hai sinh được hai người con là Hoàng Đạo Thúy và một người con gái là Hoàng Thị Tĩnh. Như vậy, tính cả con bà cả thì Hoàng Đạo Thúy là con thứ 6 trong nhà.

Trước nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy có một người chị gái cũng rất nổi tiếng, tên Hoàng Thị Uyên, thường gọi là bà Cả Mọc. Bà là nhà từ thiện và là người thành lập nhà nuôi dưỡng trẻ miễn phí đầu tiên tại Hà Nội trước năm 1945. Anh trai của ông là Cử nhân Hoàng Đạo Phương, một thương gia giàu có ở Hà Nội ngày xưa.

Theo lời kể của bà Hoàng Kim Liên thì “ông nội tôi là người rất thẳng tính và thương người, giống cụ tôi. Ông cụ làm nghề gốm nhưng có cái nào méo là cụ đập đi chứ rẻ cũng không bán, bảo như thế là thất đức”.

Lúc bấy giờ ở làng Lủ có một cây đa lớn ở bên sông. Người làng Lủ mỗi khi đi chợ là túm vào cây đa vắt qua sông ấy để qua bở bên kia. Mùa nước to, không ít người vì trượt tay mà rơi xuống nước, chết đuối không ít.

 x.    kiVậy là cụ Hoàng Đạo Thành đã vận động người dân, những người có chức sắc, giàu có trong làng góp tiền xây cầu, người dân thì góp công sức. Nhờ thế mà câu cầy được thực hiện, chấm dứt cảnh nguy hiểm khi qua cầu.

Khi đặt tên đường, người ta lấy luôn tên cầu làm tên đường. Nhưng đặt lên, ai cũng chê xấu. Biết được nguồn gốc của cây cầu, chính quyền đã đề nghị lấy tên người đã có công với cây cầu, cũng như để ghi nhớ những công lao mà ông đã cống hiến lúc sinh thời.

Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy: Sống là để lại cái tên

 GS.TSKH Hoàng Đạo Kính bên tủ sách tư liệu về cha mình. Ảnh: TH

GS.TSKH Hoàng Đạo Kính bên tủ sách tư liệu về cha mình. Ảnh: TH

Với truyền thống của con nhà Nho học, từ trẻ, Hoàng Đạo Thúy đã được coi là một nhà sư phạm tài năng, một nhà nho am tường. Ông cũng được coi là anh cả trong phong trào Hướng đạo Sinh Việt Nam với hàng vạn thành viên trải rộng khắp các tỉnh thành lúc bấy giờ.

Hướng đạo sinh ban đầu chỉ là một phong trào thể dục thể thao, nhưng sau đó, ông gắn với tinh thần yêu nước, xây dựng lý tưởng sống cho thế hệ thanh niên. Tinh thần ấy được ông viết trong cuốn sách “Trai nước Nam làm gì?” và trở thành cuốn sách gối đầu giường của các hướng đạo sinh, mà trong đó không ít người là các trí thức văn hóa lớn.

Trong suốt quãng đời sống và hoạt động của mình, ông đảm nhận nhiều cương vị quan trọng: Giám đốc trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Công binh, Cục trưởng Cục Quân huấn, Tổng thư ký Ban Thi đua Trung ương…Ông có công đầu trong việc tạo dựng và phát triển ngành thông tin liên lạc quân sự và được coi là anh cả trong Bộ đội Thông tin. Trong một tài liệu,

Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh binh chủng Thông tin liên lạc, người nhiều năm làm việc trực tiếp với ông Hoàng Đạo Thúy khẳng định: “Đó là một người có tri thức rộng, tầm nhìn xa về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thông tin liên lạc quân sự. Ông sống giản dị, chân tình, được cán bộ, chiến sĩ rất yêu mến”.

Đóng góp lớn lao nữa của ông là để lại nhiều tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực giáo dục, quân sự, lịch sử, văn hóa… Đặc biệt là những tác phẩm về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội của ông được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam.

Trong đời sống riêng, theo chia sẻ của GS.TSKH Hoàng Đạo Kính thì “đời cha tôi bi kịch lắm”. Ông có 10 người con thì 3 người con bị chết vì tai nạn. Trong đó, người con gái đầu mà ông rất yêu quý mất, để lại 4 người con (chồng cũng mất vì bệnh lao) nên ông Hoàng Đạo Thúy đã nuôi cả 4 người cháu ấy. Nhà vốn đã đông con, nay lại thêm phần khó khăn nhưng ông luôn dạy các con của mình phải nhường nhịn và ưu tiên cho các con của con gái cả.

Bà Liên kể: “Năm 1951, cha tôi được một suất cho con đi học ở Trung Quốc. Lẽ ra Hoàng Đạo Kính được đi nhưng cha đã dành suất đi ấy cho con gái của chị cả. Sau này, người con ấy là giảng viên của Trường Đại học Bách khoa.

Đến năm 1952, một người bạn của cha tôi cũng có suất cho con đi học ở Trung Quốc nhưng hiềm nỗi có mỗi người con gái nên ông không muốn cho đi, vậy là nhường suất đó cho cha tôi. Lúc bấy giờ, Hoàng Đạo Kính mới có cơ hội được đi học”. Tại đây, cậu bé 13 tuổi Hoàng Đạo Kính tiếp tục được cụ Hồ Chí Minh chọn là 1 trong 100 “hạt giống đỏ của Cách mạng để đào tạo” ở nước Nga Xô Viết.

Với dòng dõi của con nhà khoa bảng truyền thống, cộng với việc được đào tạo bài bản ở nước ngoài trong nhiều năm mà sau này, ông Hoàng Đạo Kính trở thành giáo sư đầu ngành về Di sản và trùng tu của ngành kiến trúc Việt Nam.

Bà Hoàng Kim Liên là phận nữ nhi nên có phần thiệt thòi hơn so với người em trai nổi tiếng Hoàng Đạo Kính. Lúc nhỏ, bà không được đi học vì phải nhường suất đi học ấy cho các con của chị cả.

“Cha tôi bảo: “Con ở nhà cậu dạy học cho”. Tôi được cha tôi dạy học theo phương pháp hướng đạo và biết chữ rất nhanh. Phương pháp này nâng cao tính tự lập nên suốt 9 năm đi bộ đội, rồi sau này một mình nuôi con cho chồng yên tâm công tác, tôi đều xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1975 thống nhất đất nước, tôi lúc đó đã hơn 40 tuổi và mới được lần đầu đến trường, ở diện học Bổ túc văn hóa. Mặc dù tôi học giỏi nhất trường nhưng không được thi đại học vì đã quá tuổi quy định”, bà Liên nhớ lại.

Khi về hưu, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy trả lại ngôi biệt thự được nhà nước phân để về sống trong căn nhà nhỏ của tổ tiên để lại ở làng Đại Yên (thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội).

GS.TSKH Hoàng Đạo Kính kể: “Những năm tuổi già, cha tôi có nỗi buồn gì đó. Mọi nhà Nho đều thế, buồn nhân tình thế thái. Ông đã trải qua thăng trầm dâu bể của đất nước không bao giờ ông ca cẩm. Không bao giờ bất mãn. Bất mãn ông cho là hèn. Khi mất, ông được an táng ở nghĩa trang Mai Dịch, trên mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ: “Cụ Hoàng Đạo Thúy 1900-1994”. Không chức tước, không huân chương dù ông có rất nhiều. Có lẽ cái tên đã là tinh thần sự nghiệp. Khi còn đương thế, ông từng bảo: “Chết mà lên sân khấu làm gì?”.

GS Tạ Quang Bửu: Bộ óc tinh thông hiếm có

 GS Tạ Quang Bửu và bà Hoàng Thị Oanh - con gái Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Ảnh: Gia đình cung cấp

GS Tạ Quang Bửu và bà Hoàng Thị Oanh - con gái Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ấn tượng của bà Kim Liên về người anh rể Tạ Quang Bửu là một người tài giỏi nhưng sống rất chân tình, gần gũi với mọi người. Theo lời kể của bà Liên thì cha bà và ông Tạ Quang Bửu biết nhau khi cùng hoạt động trong phong trào Hướng đạo.

“Cha tôi là người sáng lập, còn ông Bửu là Ủy viên hướng đạo phụ trách Trung Bộ. Năm 1942 có tổ chức trại Bạch Mã của hướng đạo ở miền Trung, nhân cơ hội đó cha tôi mua vé cho cả gia đình đi chơi luôn.

Chị gái tôi rất đẹp, đang ở tuổi cập kê nên trong vùng có nhiều gia đình vai vế xin hỏi cưới nhưng cha tôi chưa “chấm” ai. Chỉ đến khi ông Bửu ngỏ lời, cha tôi lập tức tác thành. Vậy là từ chỗ quan hệ anh - em với cha tôi, ông Bửu trở thành con rể. Đến sát ngày cưới, hai người mới “chịu” gọi nhau là bố con. Nhưng ngày đó, ông Bửu bị chê xấu trai, người lại lùn, lớn hơn chị tôi tới 11 tuổi.

Ngày ông Bửu đến rước dâu ở làng Đại Yên, người trong làng ai cũng xì xào là “bao nhiêu đám tốt thế không lấy lại lấy người vừa nhiều tuổi vừa xấu”. Sau này thì khác, ai cũng quý và trân trọng anh rể tôi”, bà Liên kể lại.

Dù nhận được học bổng du học ở Pháp chuyên ngành Toán ở Pháp (năm 1929-1930) và chuyên ngành Vật lý lượng tử ở Anh (năm 1930 - 1934) với nhưng khi về nước năm 1934, ông chọn công việc rất khiêm tốn là dạy học Toán và tiếng Anh tại trường tư, ban đầu là trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế. Ngoài tiếng Anh và Toán, Lý, Hóa, ông còn dạy các môn khoa học tự nhiên. Ngay cả sau này khi đã tham gia các công việc của Chính phủ, ông vẫn giảng dạy Vật lý tại Trường Đại học Hà Nội.

Từ năm 1942 đến 1945, ông Tạ Quang Bửu làm Vụ trưởng Vụ nghiên cứu điện - nước Trung kỳ. Từ tháng 8/1945, ông ra Hà Nội tham gia cách mạng và từ năm 1946, với khả năng giỏi nhiều ngoại ngữ (ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp học trong thời gian du học, ông còn tự học tiếng Nga, sử dụng được tiếng Đức, tiếng Hán, tiếng Hi Lạp cổ, tiếng Latin) nên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời, phụ trách giao thiệp với Mỹ và Anh.

Từ 3/1946, ông được Quốc hội cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và từ 8/1947 đến 8/1948, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao. Ông cũng là người đã tham gia đoàn đàm phán của chính phủ ở Genève và thay mặt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Genève.

Học nhiều trường đại học, uyên thâm ở nhiều lĩnh vực khoa học nhưng ông lại là người không có bằng đại học. Tuy nhiên, với bộ óc siêu phàm hiếm có, GS Tạ Quang Bửu gần như giỏi ở mọi lĩnh vực. GS.TSKH Hoàng Đạo Kính kể rằng, khi ông học ở Liên Xô về, nói chuyện về kiến trúc với ông Bửu mà còn hơn những chuyên gia. Ông Bửu cũng giỏi cả hội họa, được danh họa Thái Thị Liên rất coi trọng… Rồi rất nhiều lĩnh vực khác nữa, mà tất cả là đều tự đọc và học. Vì ông đọc rất nhiều và rất nhanh, lại có phương pháp khoa học nên động đến cái gì là ông giỏi cái đó.

GS Tạ Quang Bửu là đại diện tiêu biểu cho tinh thần giáo dục toàn diện bằng việc tự học. Những năm về già, gia đình ông sống đạm bạc, vợ ông thậm chí còn phải “tăng gia” thêm đàn lợn để có thêm thu nhập cho cả nhà. Khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đến thăm, thấy ông sống khó khăn quá đã âm thầm cho người hỗ trợ, giúp đỡ gia đình. Sau sự việc “lộ” ra, GS Tạ Quang Bửu đã nói với người nhà mình rằng: “Tạ Quang Bửu mà cần hỗ trợ thì dân Việt Nam chắc phải nhận hết?”

Theo Giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ