Làng khoa bảng
Lịch sử Việt Nam có tổng kết lại, trong hơn 900 năm, từ khi bắt đầu mở khoa thi (1075) đến khoa thi cuối cùng tổ chức năm 1919, lịch sử khoa cử Việt Nam có 184 khoa thi với 2.785 vị đỗ đại khoa (đỗ Tiến sĩ và Phó bảng). Trong đó có 56 Trạng nguyên, gồm 7 trong số 9 thủ khoa Đại Việt và 49 Trạng nguyên.
Trạng nguyên là danh hiệu thuộc học vị Tiến sĩ của người đỗ cao nhất trong các khoa thi Đình thời phong kiến ở Việt Nam, kể từ khi có danh hiệu Tam khôi dành cho 3 vị trí đầu tiên.
Người đỗ Trạng nguyên nói riêng và đỗ Tiến sĩ nói chung phải vượt qua 3 kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Khoa thi đầu tiên mở năm 1075 dưới thời Lý Nhân Tông, nhưng người đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh chưa được gọi là Trạng nguyên.
Từ năm 1075 đến năm 1246, có 7 vị đỗ đầu các khoa thi, nhưng chưa có danh hiệu Trạng nguyên. Đến đời Vua Trần Thái Tông (1246 hoặc 1247?) mới đặt ra định chế Tam khôi (3 vị trí đỗ đầu có tên gọi thứ tự là: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) thì mới có danh hiệu Trạng nguyên và người đầu tiên đạt danh hiệu Trạng nguyên là Nguyễn Hiền.
Làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội) được ví như một ngôi làng "khoa bảng". |
Ông cũng là vị Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam, đỗ Trạng nguyên khi mới 12 (có tài liệu nói là 13) tuổi. Đến thời nhà Nguyễn không lấy danh hiệu Trạng nguyên nữa.
Do đó Trạng nguyên cuối cùng là Trịnh Tuệ (vốn tên là Trịnh Huệ, nhưng do trùng tên với Tuyên phi Đặng Thị Huệ nên phải đổi là Tuệ) đỗ khoa Bính Thìn (1736) thời Lê-Trịnh. Các vị đỗ đại khoa, đặc biệt là Trạng nguyên, được vua ban mũ áo, được tổ chức vinh quy bái tổ rất trọng thể.
Trong số 2.785 vị đỗ đại khoa, riêng xứ Đoài và xứ Sơn Nam thượng - vùng “phên giậu” của Thăng Long - Hà Nội đã có tới 338 vị được khắc tên trên bia đá và công trạng của họ được lưu danh sử sách, nhân dân truyền tụng, tôn vinh.
Trong số này, Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội) được mệnh danh là làng khoa bảng. Người dân Cổ Đô hiện nay vẫn còn lưu truyền câu thơ để gợi nhớ, tôn vinh truyền thống hiếu học nơi đây. “Đồn rằng Hà Nội vui thay/ Vui thì vui vậy chưa tày Cổ Đô/ Cổ Đô trên miếu dưới chùa/ Trong làng lắm kẻ nhà Nho có tài...”. Sở dĩ Cổ Đô được mệnh danh là làng khoa bảng khi trong một làng mà có tới hai vị Thượng thư là Tiến sĩ Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh(1458 – 1540 và Tiến sĩ lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân (1700-1785) “An Nam tứ đại tài”.
Bước chuyển trong suy nghĩ của một trong “Tứ hổ Tràng An”
Người được mệnh danh là một trong “Tứ hổ Tràng An” đó là danh sĩ Nguyễn Công Hoàn (Nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn - là bốn tài năng văn học xuất chúng của Thăng Long dưới thời Lê - Trịnh, được người đời lưu danh).
Gia phả dòng họ có ghi lại, cụ Nguyễn Công Hoàn (1671-1740) là con của cụ Nguyễn Đăng Vinh. Niên hiệu Thịnh Đức thứ 2, năm Giáp Ngọ (1654) cụ Nguyễn Đăng Vinh thi Hương trúng Tứ trường nhưng không ra làm quan mà chuyên tâm vào cái nghề dạy học. Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18, năm Đinh Sửu (1757) cháu nội là Nguyễn Bá Lân được phong chức quan Tam phẩm thì có mệnh của triều đình phong tặng cho cụ hàm Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Đông các đại học sĩ, Tước phong Di Bá.
Tài liệu của dòng họ có ghi lại, cụ Nguyễn Đăng Vinh lớn tuổi mà chưa lấy vợ đi chu du khắp xứ Sơn Tây và xứ Kinh Bắc dạy học, khi đi qua xã Lũng Sơn, huyện Tiên Du (nay là thôn Lũng Sơn, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Nimh) cụ gặp cụ bà đang trồng bông ngoài đồng “bất giác duyên trời gặp thuận buổi gió đưa” cụ bèn có ý muốn tìm người nâng khăn sửa túi, bèn cầu hôn, hẹn người đưa đến. Bố mẹ vợ nói: “Giám sinh là thanh danh cao quý lại chọn con gái ta, thì ta còn muốn gì hơn nữa. Nhưng chỉ nghĩ nhà thầy quê quán ở xa đi lại tốn kém là điều hơi ngại thôi”. Cụ qua lại mấy năm trời, cụ trân trọng không ngại van nài cầu khẩn, cụ bà kiên trì chờ đợi, vì vậy kết quả thành hôn.
Cụ Nguyễn Đăng Vinh dạy học các con em cụ rất nhiều sĩ tử ở xã An Đô. Sĩ tử theo học ngày thêm đông, nhiều người đã thành danh. Cụ Nguyễn Đăng Vinh và cụ bà có với nhau được 3 người con. Trong đó, cụ Nguyễn Công Hoàn là con trai duy nhất.
Cụ Nguyễn Công Hoàn sinh vào giờ Ngọ ngày 19/12/1671 (Tân Hợi) niên hiệu Cảnh Trị thứ 9, tại xã An Đô (huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây - nay là xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Ông Nguyễn Văn Đoàn (hậu duệ đời thứ 19, Dòng họ Nguyễn thủy tổ hiệu Phúc tướng) là người ghi chép và lưu giữ lại nhiều tài liệu quan trong về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Công Hoàn. |
Năm 4 tuổi, cụ đã mồ côi cha nhưng được chú ruột là cụ Nguyễn Đăng Đường nuôi dạy và coi như con đẻ. Tài liệu của dòng họ ghi lại rằng, cụ Nguyễn Đăng Đường thường đem cháu đi theo nơi làm việc quan ở Phủ lỵ Nghĩa Hưng và Từ Liêm dạy bảo ân cần, không rời nửa bước, hy vọng cháu nên người. Vì tuổi còn nhỏ nên cụ Nguyễn Công Hoàn rất thích chơi nhảy, nô đùa, hoạt bát, hiếu động. Việc học tập, đọc sách chỉ là miễn cưỡng nên những khi chú bận việc quan, lơi lỏng dạy học là ông bỏ đi chơi.
Đến năm 17 tuổi, cụ mới đọc được 3- 4 quyển sử và một bộ luận ngữ, văn chương luyện tập chưa thành. Tuy vậy, ngay từ nhỏ, ông đã thể hiện tính cách cương trực, thẳng thắn.
Niên hiệu Chính Hòa thứ 6, tháng 2 năm Đinh Mão (1687) thân mẫu ông đến chơi Phủ lỵ Nghĩa Hưng và hỏi ông: “Con có thi ở huyện không”? Cụ Nguyễn Đăng Đường cười nói với thân mẫu ông rằng: “Tuổi của cháu đã lớn mà học hành không ra gì, chị nên kiếm giấy bút cho cháu về quê ghi chép thuế cho xã An Đô (nay là thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội) chứ hỏi chuyện thi cử làm gì”?
Nghe đến đây, thân mẫu cụ Nguyễn Công Hoàn khóc lóc không nói được câu nào. Cụ nghe thấy vậy sinh ra phẫn uất, chẳng buồn cáo biệt chú và thân mẫu mà bí mật bỏ nhà đi. Cụ bỏ đi 4 tháng liền, người nhà tìm gọi khắp nơi không thấy, chú và thân mẫu thương khóc không biết làm thế nào được. Không ngờ, cụ đi tắt rẽ lối từ Đông sang Tây, lần lượt đến nhà chịu ơn nghĩa với cụ Nguyễn Đăng Đường, mỗi khi dừng chân ở đâu, cụ liền mượn sách tự học.
Đến cuối tháng 6 Niên hiệu Chính Hòa, năm Đinh Mão (1687) thì cụ về nhà. Thân mẫu của cụ và cụ Nguyễn Đăng Đường nghe tin vừa mừng vừa lo, không biết học lực của cụ đến đâu?, Năm ấy cụ dự thi Hương đứng đầu Tứ trường, đến khi khảo ở 2 ty lại đứng đầu bảng lại ưu. Nhưng đến kỳ thứ 4 thì quyển sách phê trước lại có vài chữ sai phải trất xuống.
Đây cũng được xem như là bước chuyển mình lớn lao trong suy nghĩ của người đứng thứ 3 trong “Tứ hổ Tràng An”.
(Còn nữa...)