Chuyện chưa biết về mối tình đầu của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Kể lại cho tôi nghe câu chuyện nhỏ về nhà thơ Lưu Quang Vũ, người chồng đầu đời của mình, NSƯT Tố Uyên thi thoảng chợt lặng đi trong xúc động, mắt chị hoe đỏ.

Chuyện chưa biết về mối tình đầu của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Cho đến tận giờ, chị vẫn ân hận về cái ngày hai anh chị phải chia tay nhau, tuy họ không hề ồn ào, làm khổ nhau nhưng chắc chắn mỗi người đều day dứt lắm...

Những tháng năm lận đận

Nghệ sỹ Tố Uyên cho biết, sau khi sinh con trai đầu lòng là Lưu Minh Vũ (sau này là MC của Đài truyền hình Việt Nam), chị rất muốn chồng được giải ngũ về chăm sóc vợ con: “Thời gian trong bộ đội, sức khỏe anh Vũ không được tốt, anh ấy ốm yếu lắm, mấy lần phải đi viện. Tôi đã có thời gian vào chăm sóc anh ấy trong Quân y viện 108. Tôi bảo Vũ: “Anh muốn viết được nhiều thì anh phải về thì mới có nhiều thời gian dành cho văn chương và mới giữ được sự nghiệp”.

Chuyện chưa biết về mối tình đầu của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Ảnh 1

Nghệ sỹ Tố Uyên.

Khi Lưu Quang Vũ ở bộ đội về năm 1971, lúc ấy nghệ sỹ Tố Uyên đang rất nổi tiếng qua những bộ phim và những vở nhạc kịch chị tham gia. Ngày mới về, Vũ không công ăn việc làm, hai vợ chồng sống tằn tiện nuôi con bằng đồng lương eo hẹp của Tố Uyên. 

Không thể ngồi không, Vũ đã phải đi làm thuê với những công việc không phù hợp với một người cầm bút, nhưng anh phải nén mình xuống để làm lụng đỡ đần vợ con. 

Sống trong khu tập thể chật chội của văn nghệ sỹ ở phố Huế, được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và Hoàng Nguyễn tốt bụng nhường cho căn buồng kho, hai vợ chồng Vũ –Uyên đã cải tạo thành tổ ấm hạnh phúc đầu tiên của mình. Nhưng rồi tổ ấm ấy đã tan vỡ dẫn đến chuyện hai người phải chia tay nhau mà nguyên nhân tan vỡ cũng bởi cả hai người.

Những năm ấy, ngôi sao Tố Uyên là diễn viên nổi tiếng của Xưởng phim truyện Việt Nam, đang sáng chói trên bầu trời nghệ thuật đất nước, chị được vinh dự nhiều lần gặp Bác Hồ. 

Có lần sau khi được Bác hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, công việc học tập, công tác, Tố Uyên đã được Bác căn dặn: “Cháu phải cố gắng trở thành một nhà văn hóa, mà người dân Việt Nam rất cần có văn hóa, nhất là thế hệ các cháu...”. 

Rồi chị được Thủ tướng Phạm Văn Đồng quan tâm, nâng đỡ trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật và giao lưu đối ngoại văn hóa với bạn bè quốc tế.

Chuyện chưa biết về mối tình đầu của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Ảnh 2

Nghệ sỹ Tố Uyên và Lưu Quang Vũ.

Có lẽ vì sống cạnh người vợ nổi danh như vậy, trong khi mình đang trong thời điểm công việc không được như ý khi rời khỏi quân ngũ, thơ viết chưa báo nào đăng, truyện viết không được in, công ăn việc làm thì vất vưởng, nên Lưu Quang Vũ ít nhiều mặc cảm. 

Vẻ mặt đầy suy tư, nghệ sỹ Tố Uyên kể lại: “Có thể nói, mối tình như mơ ngày chúng tôi yêu nhau và mới lấy nhau, sau này đã trở thành mối tình đau khổ đầy nước mắt. Không hiểu vì mặc cảm gì, chồng tôi đã nói với tôi những câu rất xa lạ, giống như một lời bộc bạch, lại giống như một lời trách móc: “Anh không xứng đáng với em vì em quá nổi tiếng, anh không thể phấn đấu được như em...”. 

Sau đó, anh Vũ cứ dần dần xa lánh tôi. Lúc ấy, bạn bè cơ quan tôi cũng có nhiều người không tốt, họ gièm pha, đặt điều khiến vợ chồng tôi càng xa nhau thêm. Chúng tôi ly hôn nhau rất hồn nhiên, ra tòa rồi mà vẫn cứ ở với nhau một thời gian, rồi sau đó vì tự ái, tôi mới bế con trở về nhà ngoại. 

Nhưng tôi biết, trong thâm tâm Vũ, anh ấy vẫn rất thương vợ, con và sau sự đổ vỡ đau đớn này, anh đã quyết tâm dồn hết tâm sức để phấn đấu, xây dựng lại sự nghiệp văn chương của mình cho vợ, con sau này được thấy ngày Lưu Quang Vũ trở thành nhà thơ - kịch tác gia đương đại nổi tiếng nhất đất nước”...

Làm việc để chiến thắng thời gian và bóng tối

Để cho bạn đọc có thêm góc nhìn khách quan hơn về cuộc đời của nhà thơ- kịch tác gia Lưu Quang Vũ ở giai đoạn khó khăn này, chúng tôi xin trích dẫn một phần hồi ức của bà Lưu Quang Thuận (tức Vũ Thị Khánh) mẹ Lưu Quang Vũ về người con trai thân yêu của mình:

“...Vào bộ đội, Vũ được biên chế về Quân chủng phòng không không quân. Lúc đóng quân ở Thủy Nguyên, khi ở sân bay Cát Bi, khi lại có mặt ở sân bay Đa Phúc. Vũ là thợ máy, chịu trách nhiệm an toàn cho máy bay trước khi cất cánh. 

Đây là giai đoạn có những thay đổi lớn trong cuộc đời Vũ. Vũ làm rất nhiều thơ. Không phải là kiểu thơ của thuở sách vở học trò mộng mơ nữa. Thơ Vũ mang cảm xúc, hơi thở mới: Tiêu biểu cho một thế hệ háo hức lên đường diệt Mỹ. Chùm thơ đầu tiên của Vũ được in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội với 3 bài thơ: Gửi tới các anh, Lá bưởi lá chanh, Đêm hành quân. 

Nhiều vợ chồng văn nghệ sỹ quen biết vợ chồng tôi đều có lời khen chùm thơ của Vũ. Anh Chế Lan Viên nói với nhà tôi: “Thằng Vũ nhà bác tài hoa quá, xin chúc mừng. Tôi thích bài thơ Gửi tới các anh của Vũ lắm!”.

Sau đó Vũ lại có một số bài thơ khác in trên báo Văn nghệ, Quân đội nhân dân... Tập thơ Hương cây – Bếp lửa (in chung với Bằng Việt) ra đời khi Vũ tròn 20 tuổi. Như người trồng vườn nhìn thấy quả chín, chúng tôi sung sướng, tự hào vì thành công ban đầu của Vũ. Có dự kiến cấp trên cho Vũ đi học ở Liên Xô 5 năm. 

Nhưng Vũ xin ở lại làm một anh lính bình thường, vừa chiến đấu vừa say sưa hoạt động trong phong trào văn nghệ quần chúng của binh chủng không quân.

Thời gian cuối cùng của đời lính, Vũ gặp một chuyện trắc trở. Có lẽ một phần là do cái tố chất “tự do” của nghệ sỹ không thích hợp với kỷ luật sắt của quân đội. Một vài lần trả phép không đúng hạn, một câu nói nóng nảy khi cảm thấy mình bị xúc phạm (mà tâm hồn Vũ vốn rất nhạy cảm). Vũ đã bị xếp vào loại thiếu gương mẫu trong đơn vị. 

Có thời gian Vũ ở trong đơn vị mà người chỉ huy rất cứng nhắc và độc đoán, ông ta coi việc làm thơ là biểu hiện của sự yếu đuối, là việc có hại đối với một người lính. Có lần Vũ đã phải làm kiểm điểm và hứa trước đơn vị là “từ nay không làm thơ nữa”. 

Nhưng tất nhiên không thể giữ một lời hứa như vậy. Vũ vẫn tiếp tục làm thơ. Thơ viết trong sổ tay, trên vỏ bao thuốc lá. Vũ bị coi như một người có “vấn đề” trong tư tưởng. Khi đọc cuốn Thời xa vắng của Lê Lựu, có đoạn Sài bị theo dõi và đọc trộm nhật ký, tôi thấy giống y chang như tình cảnh của Vũ lúc bấy giờ.

 Có lần, một người bạn trên đơn vị của Vũ đến nhà tôi để đưa hai cuốn sổ tay. Trong đó là những ghi chép, nhật ký và thơ của Vũ. Vũ phải nhờ anh bạn đi phép mang về nhà cất vì sợ để ở đơn vị sẽ bị thu mất.

Khi Vũ xuất ngũ, lúc này Vũ đã có vợ là Tố Uyên, diễn viên điện ảnh và con trai, cháu tên là Lưu Minh Vũ. Tiếp sau đó là những năm cực kỳ gian nan, vất vả của đời Vũ. Rời bộ đội, chưa có công ăn việc làm, hạnh phúc riêng lỡ dở. Vợ chồng Vũ ly hôn khi con trai mới hơn một tuổi. 

Đây là thời kỳ Vũ sống nặng nề, khó khăn nhất và không khỏi có lúc bi quan. Vũ ở lại Hà Nội, làm hợp đồng với NXB Giải Phóng. Trong tình cảnh như vậy, Vũ vẫn không ngừng làm việc, Vũ viết truyện, làm thơ. Góc bàn nơi Vũ hay ngồi viết có kẻ một dòng chữ to: Làm việc, làm việc để chiến thắng thời gian và bóng tối. Phần lớn những bài sáng tác trong thời gian này về sau được tập hợp trong tập thơ buồn trĩu nặng suy tư. 

Có những tin đồn là thời gian này Vũ làm nhiều “thơ đen” – thơ bất mãn, hoài nghi chế độ. Khi tôi hỏi về chuyện này, Vũ trả lời: “Tâm trạng con buồn, con không thể làm thơ vui. Còn nếu ai đó nghi ngờ thơ con không trong sáng thì họ cứ việc đến đây. Con sẵn sàng đọc cho họ nghe tất cả những bài con đã làm”. 

Trường ca “Đất nước đàn bầu” của Vũ được một số bạn bè khen ngợi. Nhưng khi Vũ gửi đăng thì đều bị từ chối. Bản thảo được trả lại với dòng nhận xét: “Thơ hay nhưng buồn. Chưa thể sử dụng được”.

Mối duyên nợ với nữ sỹ Xuân Quỳnh: Mến phục nhau vì tài...

“Vợ chồng tôi rất xót xa vì thân phận long đong vất vả của Vũ. Công việc không ổn định, nay chỗ này mai chỗ khác. Có lúc Vũ phải làm việc theo dõi chấm công ở một đội làm đường thuộc Tổng cục Đường sắt. Năm 1973, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong cuộc đời con trai tôi. Vũ lấy nhà thơ Xuân Quỳnh. Vũ – Quỳnh quen biết nhau đã từ lâu vì vốn ở cùng một khu tập thể dành cho văn nghệ sỹ. Lại là những bạn thơ mến phục nhau vì tài...”, bà Lưu Quang Thuận chia sẻ.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ