Chuyện cảm động về những đền thờ Bác ở Cà Mau

GD&TĐ - Người dân vùng đất tận cùng Tổ quốc luôn dành cho Bác Hồ những tình cảm hết sức thiêng liêng.

 Đền thờ Bác Hồ ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển được xây dựng trong chiến tranh. Ảnh tư liệu
Đền thờ Bác Hồ ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển được xây dựng trong chiến tranh. Ảnh tư liệu

Tại thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc còn diễn ra ác liệt, hay tin Bác từ trần, nhiều nơi trên địa bàn Cà Mau đã lập đền thờ, tưởng nhớ công lao trời biển của Người.

Đền thờ Bác đầu tiên

Đền thờ Bác Hồ tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển được khởi công xây dựng ngày 10/9/1969 tại tỉnh Minh Hải (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Một số bậc cao niên ở đây kể lại, thời điểm năm 1969, giữa lúc nhân dân cả nước vô cùng đau xót, tiếc thương khi hay tin Bác Hồ qua đời, Đảng bộ, chính quyền xã Viên An (nay là 3 xã Viên An, Viên An Đông và Đất Mũi) đã quyết tâm xây dựng đền thờ Bác tại xóm Ông Bọng, ấp Ông Trang để tưởng nhớ công lao của Người.

Tình cảm với Bác Hồ là nguồn động viên tinh thần rất lớn, biến thành sức mạnh giúp chúng tôi giành chiến thắng, giải phóng Chi khu Cái Nước. Dù người dân khi đó còn rất khó khăn nhưng khi biết xây dựng lại đền thờ Bác, mọi người đều hồ hởi tình nguyện. Ngày khánh thành đền thờ chật kín người đến viếng, ai cũng muốn được vào thắp cho Bác nén hương tỏ lòng thành kính. Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay

Kế hoạch khi triển khai đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của quần chúng nhân dân. Người góp công, góp của, trai tráng thanh niên thì chặt cây, làm những việc nặng nhọc; còn phụ nữ thì lo cơm nước, mỗi người một tay để sớm hoàn thành công trình.

Đền thờ được xây dựng mỗi cạnh 4,5m; đòn tay, vách đóng bằng gỗ, ván đước; mái nhà có cấu trúc 2 tầng, lợp tôn thiếc, trên đỉnh nóc có hình con chim hòa bình, sơn màu lá cây đước.

Bên trong chính điện có bục thờ và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh dệt bằng vải, sàn lót bằng ván đước. Dù đền chỉ xây dựng bằng cây lá địa phương nhưng trông vẫn uy nghiêm giữa những cánh rừng đước mênh mông, bạt ngàn. Ngày 25/9/1969 Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành.

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 10/5/1975, Chi bộ ấp Ông Trang quyết định dời Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xóm Ông Bọng về vàm Ông Trang hiện nay (ngã 3 sông Ông Trang, cách trung tâm huyện Ngọc Hiển hơn 40 km).

Khi tiến hành tháo dỡ di dời, Đảng ủy xã Viên An có chủ trương không đưa đền lên bờ liền, mà mượn 2 thuyền lớn, mỗi thuyền có trọng tải 10 tấn trở lên làm thành bè, để đền thờ lên bè chở đi diễu hành từ Ông Trang đến thị xã Cà Mau mừng đất nước thống nhất, 4 ngày sau mới quay về vàm Ông Trang lập đền.

Năm 1990, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Viên An được đầu tư xây dựng lại kiên cố với cấu trúc 2 tầng, cột nhà đúc bằng bê tông cốt sắt, trần nhà đóng bằng ván ép, mái lợp ngói ống, trên đỉnh nóc có biểu tượng trái châu và chim hòa bình đắp bằng xi măng.

Bên trong đền có bục thờ 2 cấp, cấp trên để tượng Bác và cấp dưới để bát cắm hương. Ngoài ra, xung quanh đền còn có nhiều bức ảnh khắc họa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 26/3/1996, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Người nữ anh hùng 2 lần phát động xây đền thờ Bác

Cũng như xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, 55 năm trước, khi hay tin Bác Hồ từ trần, nhân dân xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước vô cùng đau xót, đã bất chấp bom đạn của kẻ thù tổ chức lễ tang và quyết tâm xây dựng đền thờ Bác để bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính với Người.

Thời điểm đó, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phạm Thị Bay là Phó Bí thư xã ủy Hưng Mỹ đã trực tiếp đứng ra vận động nhân dân xây đền thờ Bác. Địa điểm được chọn để xây dựng là tại ngã ba Đầu Sấu, trên nền đất của gia đình ông Nguyễn Văn Cung thuộc ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ.

Khi được kêu gọi xây dựng đền thờ Bác, người dân ủng hộ rất cao, không ai bảo ai, người góp công, kẻ góp của với tinh thần làm việc khẩn trương, hăng say. Chỉ khoảng sau 10 ngày xây cất, ngôi đền thờ Bác trang nghiêm đã được hình thành.

“Bọn địch nghe tin có đền thờ Bác Hồ, đã tập trung tấn công để đốt đền nhưng Đảng bộ ở đây phát động nhân dân chiến tranh du kích, đào hầm, làm bãi chông để chặn địch. Bọn chúng tấn công năm lần bảy lượt nhưng đều bị du kích ta đánh bật ra. Không đốt phá được đền thờ của Bác Hồ, chúng đành bỏ cuộc”, Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay bùi ngùi kể lại.

Do cất bằng cây lá đơn sơ nên không bao lâu đền thờ Bác bị xuống cấp. Năm 1973, đồng chí Phạm Thị Bay được điều động về làm Bí thư Chi ủy xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước.

Từ ngày 3 đến ngày 7/10/1974, tại Đại hội đảng viên xã Tân Hưng Đông, đồng chí Phạm Thị Bay đã đọc di chúc Bác Hồ. Đứng trước bàn thờ của Bác, tất cả đảng viên dự đại hội hứa với Bác quyết tâm đánh thắng trận Chi khu Cái Nước. Sau khi giải phóng Chi khu Cái Nước, Xã ủy sẽ xây dựng lại đền thờ Bác Hồ ngay trên nền chi khu.

Ngay sau khi giải phóng Chi khu Cái Nước, giữ đúng lời hứa trước vong linh của Bác, đồng chí Phạm Thị Bay một lần nữa phát động quần chúng nhân dân và các đoàn thể đóng góp sức người, sức của xây dựng đền thờ Bác tại nơi mới, trên nền đất Chi khu Cái Nước (nay là thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước).

Đền thờ Bác được khởi công xây dựng ngày 5/1/1975 và khánh thành vào ngày 29/3/1975 trong không khí trang nghiêm, nhân dân khắp nơi đã về dự, thắp hương và báo công dâng Bác.

Đền thờ được xây theo lối kiến trúc 2 tầng mái, lợp ngói, có 4 cửa ra vào quay 4 phía, tường, trần nhà đóng ván ép dầu, kèo nhà được đúc bằng bê tông cốt sắt, bên trong chính điện là tượng thờ Bác bằng chất liệu thạch cao.

Những năm sau đó, Huyện ủy và UBND huyện Cái Nước đã đầu tư kinh phí tu bổ, tráng sân, xây dựng cổng và hàng rào kiên cố. Nhiều loại hoa kiểng, cây xanh được trồng trong khuôn viên, góp phần cho ngôi đền thờ Bác thêm khang trang và sạch, đẹp.

Ngày 26/3/1996, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đền thờ Bác Hồ ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước. Ảnh tư liệu

Đền thờ Bác Hồ ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước. Ảnh tư liệu

Đền thờ Bác Hồ ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển ngày nay. Ảnh: TG

Đền thờ Bác Hồ ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển ngày nay. Ảnh: TG

Cây vú sữa đặc biệt ở Phủ thờ Bác

Ngoài 2 đền thờ Bác kể trên, Cà Mau còn một phủ thờ Bác được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đó là Phủ thờ tại ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình.

Mấy tháng sau khi Bác Hồ mất, người dân ấp 6, xã Trí Phải (nay là xã Trí Lực, huyện Thới Bình) đã cất một gian nhà nhỏ thờ Bác giữa rừng. Năm 1973, đồng chí Huỳnh Đảm (nguyên Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam) khi đó là Bí thư Huyện đoàn Thới Bình đã khởi xướng việc khôi phục và xây dựng mới nơi thờ cúng Bác tại đây.

Theo lời kể của cựu chiến binh Huỳnh Minh Tâm, người có nhiều năm trông coi phủ thờ Bác tại xã Trí Lực, trước đây khu vực này là một cái lung, trũng thấp, lau sậy um tùm. Trong chiến tranh, có nhiều đồn địch đóng, nên việc xây dựng phủ thờ Bác gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Huỳnh Đảm phải vận động lực lượng đoàn viên thanh niên toàn huyện và mượn xuồng ghe của nhân dân để chuyển đất từ nơi khác về làm nền, đồng thời kêu gọi bà con đóng góp cây, lá xây dựng; đồng thời thành lập tổ y tế lưu động túc trực hỗ trợ cho lực lượng làm việc.

Sau thời gian dài xây dựng, ngày 19/5/1974, đúng vào ngày sinh nhật Bác, huyện Thới Bình tổ chức lễ khánh thành phủ thờ với rất đông người đến dự. Dù chỉ cất bằng cây lá đơn sơ nhưng phủ thờ Bác ở Trí Lực lúc nào cũng có người dân đến viếng, khói hương nghi ngút. Từ khi có Phủ thờ Bác, ấp 6 cũng được đổi tên thành ấp Phủ Thờ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phủ thờ Bác tại đây được mở rộng diện tích khuôn viên, xây dựng thêm nhiều công trình phụ như: Tường rào, nhà trưng bày, ao cá Bác Hồ, trồng cây xanh, cây cảnh. Ngày 26/3/1996, Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Ngày 19/5/1990, nhân kỷ niệm sinh nhật Bác lần thứ 100, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chiết một cành từ cây vú sữa miền Nam, gửi tặng Đảng bộ và Nhân dân huyện Thới Bình.

Cây vú sữa được Đảng bộ huyện Thới Bình trồng trong khuôn viên phủ thờ Bác ở xã Trí Lực. Điều đặc biệt, nguồn gốc của cây vú sữa miền Nam là do Má Nguyễn Thị Sảnh ở xã Trí Phải, Thới Bình gửi theo đoàn quân tập kết ra miền Bắc biếu Bác Hồ năm 1954.

Khi nhận cây vú sữa, Bác Hồ vô cùng xúc động vì biết đây là cây vú sữa của người dân vùng đất tận cùng Tổ quốc gởi tặng. Cây vú sữa miền Nam được Bác Hồ trồng cạnh ngôi nhà sàn và thường xuyên chăm sóc lúc sinh thời.

Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Cà Mau thông tin, từ trong kháng chiến đến nay, Cà Mau đã dựng hơn 20 đền thờ, phủ thờ, khu tưởng niệm và hàng nghìn bàn thờ Bác trong nhân dân. Có thể nói, Cà Mau là nơi có công trình thờ Bác nhiều nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu long.

Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá, hiện nơi đây chỉ còn 7 công trình thờ Bác khang trang, trong đó có 3 công trình được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Công trình có quy mô lớn nhất là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà sàn Bác Hồ (toạ lạc tại Phường 1, TP Cà Mau).

Trong những ngày lễ, Tết, đặc biệt vào ngày sinh nhật Bác 19/5, tại các nơi thờ Bác có rất đông cán bộ, người dân đến viếng, báo công, phát động phong trào thi đua học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ