(GD&TĐ) - Vào những ngày tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại thăm đền thờ Bác Hồ tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Đây là ngôi đền thờ được quân dân Trà Vinh xây dựng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt để tưởng nhớ đến Bác- vị cha già kính yêu của dân tộc. Về đây, chúng tôi được gặp những người từng một thời xông pha lửa đạn bảo vệ đền thờ Bác và những câu chuyện hào hùng thời binh lửa.
Xây dựng đền thờ trong lửa đạn
Năm 1969, khi nghe tin Bác mất, quân dân xã Long Đức đã xây dựng một ngôi đền ngay trong tầm bom pháo của kẻ thù và kiên cường bảo vệ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đền thờ Bác được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 10 tháng 3 năm 1970. Ngay từ ngày đầu khởi công, lực lượng du kích tiến hành ngay việc đắp công sự, đào chiến hào, cắm hàng vạn cây chông, bao vây đồn bót địch khu vực xung quanh và sẵn sàng đối phó nếu chúng đánh phá. Các má, các chị trong lực lượng đấu tranh chính trị được phân công tìm cách liên hệ với binh lính trong đồn lân cận và vận động anh em “không bắn phá để bà con xây dựng đền thờ Cụ Hồ”. Ngụy quyền Trà Vinh lúc bấy giờ vừa lo sợ, vừa căm tức, khi biết được đền thờ Bác Hồ đã được xây dựng chỉ cách trung tâm đầu não của chúng khoảng 3km. Hơn nữa, ngôi đền đã thu hút hàng ngàn, hàng vạn đồng bào các giới ở nội ô thị xã đến viếng thăm hằng ngày, nhất là trong những ngày lễ, Tết. Việc xây dựng và bảo vệ Đền thờ Bác Hồ của Đảng, dân, quân xã Long Đức trước hết là bằng tấm lòng, bằng trái tim. Trẻ, già, gái, trai đã cống hiến công sức, của cải và sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để chiến đấu với kẻ thù. Địch đến ta đánh, địch rút lui thì ta xây dựng, địch phá ban ngày thì ta xây dựng ban đêm. Hằng ngày, bộ đội phải chiến đấu giành từng tấc đất với giặc ngay bên cạnh đền thờ Bác với hệ thống hào lũy và nhiều hàng tre bảo vệ.
Toàn bộ công việc xây dựng đền thờ tiến hành vào ban đêm nhằm tránh phi cơ ném bom, phi pháo của địch và bảo đảm an toàn cho lực lượng. Khi chiều xuống, từng tốp người đủ các thành phần từ già trẻ, lương giáo, Việt- Khmer- Hoa từ các ấp Kinh Lớn, Long Đại, Rạch Bèo, Phú Hòa, Hòa Hữu, Huệ Sanh, Công Thiện Hùng cùng kéo về Vĩnh Hội.
Mùa khô năm 1971, địch huy động lực lượng cùng với hỏa lực mạnh đã đánh và đốt Đền thờ Bác, nhưng sau đó đền được xây dựng lại khang trang hơn. Địch có thể đốt được ngôi nhà đơn sơ, nhưng không thể làm phai nhạt được lòng kính yêu của nhân dân đối với Bác.
Sau ngày giải phóng, theo nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Trà Vinh đã đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo ngôi đền trên diện tích gần 4ha. Ngày 5/9/1989 đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Long Đức, tỉnh Trà Vinh được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. |
Chúng tôi đã tìm gặp một nhân vật đã tích cực vận động lực lượng thanh niên, du kích và bà con xã Long Đức xây dựng đền thờ Bác từ những ngày chiến tranh ác liệt. Đó là cô Nguyễn Thị Tiếm (Sáu Tiếm) - nguyên Bí thư Đảng ủy Dân chính Đảng tỉnh Trà Vinh. Cô Sáu Tiếm nhớ lại: “Nghe tin Bác mất, đồng bào ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức đã tổ chức lập bàn thờ Bác và cúng cơm mỗi ngày. Do đây là vùng đang tranh chấp giữa ta và địch nên giặc thấy nhà nào thờ cúng Bác là đốt nhà nên quân dân thống nhất sẽ lập đền thờ Bác để có nơi hương khói và có bộ đội bảo vệ, gìn giữ. Thời điểm đó xã có 12 ấp nhưng có đến 15 đồn giặc nên chúng đánh phá vô cùng ác liệt”.
Với thế trận lòng dân, những ngày tháng xây dựng đền thờ khí thế hết sức sôi nổi và hào hùng, người lo việc xây dựng người thì lo đánh giặc. Mỗi gia đình thay phiên nhau làm, tất cả già, trẻ, gái, trai đều hăng hái góp sức xây dựng đền thờ Bác. “Lúc xây dựng đền thờ tôi còn nhớ mãi một hành động hết sức ý nghĩa của em Hồ Văn Thực, lúc đó khoảng 12- 13 tuổi. Em ra ngoài đồng câu được con cá trê to nhưng không đem về ăn mà bán lấy tiền đóng góp vào quỹ xây dựng đền thờ Bác. Sau này em lớn lên đi bộ đội và hy sinh nhưng những hình ảnh hết sức cảm động đó đã làm chúng tôi thêm quyết tâm chiến đấu bảo vệ đền thờ và giải phóng quê hương” - cô Sáu Tiếm nhớ lại.
Quyết tâm bảo vệ đền thờ Bác
Chúng tôi tìm gặp ông Phan Văn Tiềm (Mười Tiềm) năm nay đã 75 tuổi- ông là một trong những người được giao nhiệm vụ bảo vệ đền thờ Bác trong những năm chiến tranh ác liệt. Mang trên mình nhiều vết thương, đôi chân đi khập khiễng vì hay bị đau nhức mỗi khi trời trở lạnh. Vợ ông tâm sự: “Trên người ông không đếm xuể là có bao nhiêu vết thương, lâu lâu thấy đau nhức lấy tay sờ thì phát hiện có mảnh đạn còn sót lại trong cơ thể. Tính ra cũng còn hơn 10 mảnh đạn hiện đang nằm trong cơ thể của chồng tôi”. Ông đã sống, chiến đấu, bảo vệ đền thờ Bác với thời gian gần 30 năm, từ khi đền thờ mới xây dựng, đến năm 1997 mới nghỉ hưu. Ông bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó có 5 tổ bảo vệ đền, tôi được phân công trong tổ bảo vệ trung tâm đền thờ Bác. Chúng tôi được tôi luyện trong chiến tranh từ nhỏ nên tư tưởng, lập trường vững vàng, không bao giờ run sợ trước bom đạn của quân thù. Nhất là được giao nhiệm vụ bảo vệ đền thờ Bác nên chúng tôi càng chiến đấu ngoan cường hơn”.
Những năm 1971 - 1973 là giai đoạn địch đánh phá, càn quét ác liệt nhất. Đó cũng là lúc những người con của quê hương Long Đức càng quyết tâm bảo vệ đền thờ, chiến đấu hết sức ngoan cường. Năm 1971, giặc mở trận càn lớn vào đốt phá đền bị đánh trả quyết liệt của du kích, tên bị thương, tên bị chết nên sau này chúng không dám vào phá đền nữa mà chỉ đi vòng vòng bên ngoài rồi quay về. Tuy nhiên, chúng vẫn thường xuyên cho máy bay ném bom, bắn pháo vào khu đền. Có thời điểm địch lập đồn bót cách đền khoảng 200m bị bộ đội ban đêm phá hàng rào, gài mìn, ném lựu đạn và đánh phá liên tục nên chúng phải bỏ đồn không dám ở nữa. Ở Long Đức, câu chuyện được nhiều người nhớ nhất và thường hay nhắc đến là chuyện treo cờ trên ngọn cây me. Lúc đó, gần đền thờ Bác có cây me rất to và cao, bà con và bộ đội tổ chức leo lên tận ngọn cây me treo cờ thật cao, cao hơn cờ của bọn giặc và đứng ngoài tỉnh lỵ cũng thấy lá cờ này. Thấy vậy bọn giặc bắn phá nhưng không dám vào, lá cờ này bị hư thì may lại lá cờ khác và treo lên y như cũ.
Theo thống kê, ở Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 30 đền thờ, phủ thờ Bác Hồ với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Những đền thờ, phủ thờ này hầu hết được xây dựng khi Bác mất, quân dân đã chiến đấu, bảo vệ trong năm tháng chiến tranh ác liệt và gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Một số đền thờ quy mô lớn như: Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, TP. Trà Vinh; Đền thờ Bác Hồ ở Hậu Giang tại ấp III, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. Đền thờ Bác Hồ ở Bạc Liêu, thuộc ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi. Đền thờ Bác Hồ ở Sóc Trăng thuộc xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung. Đền thờ Bác Hồ ở Tiền Giang tại huyện Cái Bè… Trong các tỉnh có lập đền thờ, phủ thờ Bác thì Cà Mau là nơi có nhiều đền thờ, phủ thờ Bác nhất. Vào năm 1972 số đền, phủ thờ Bác ở đây lên đến trên 20. |
Nguyễn Quốc Ngữ