Những hình ảnh từ hiện trường gửi về cho thấy một thực trạng quá đau xót: Toàn bộ ngôi nhà của Trạm kiểm lâm 67 đã bị san phẳng, không để lại bất cứ một dấu vết gì để có thể nhận biết trước đó từng có một dãy nhà, nơi mà trên 20 người trong đội cứu nạn nghỉ tạm qua đêm rồi gặp nạn.
Nhìn hình ảnh những chiến sĩ dùng xà beng để xeo nạy trong lớp đá ngổn ngang lẫn với bùn nước kia để tìm đồng đội, thật cầm lòng không đặng! Bây giờ, việc tìm kiếm người mất tích cũng chỉ là để an ủi phần nào thân nhân họ đang ngóng tin từng giờ mà thôi chứ không thể “cứu” bất cứ một sự sống nào nữa. Qua tai nạn thương tâm này đã làm “lộ sáng” nhiều điều chung quanh công tác cứu hộ cứu nạn trong mùa mưa bão.
Không phải đến vụ lở núi vừa rồi, công việc cứu hộ cứu nạn với đặt ra cho lực lượng chức năng mà từ nhiều chục năm nay, khi thiên tai ngày một dữ dằn hơn, khi các phương tiện liên lạc và cứu hộ ngày một hiện đại hơn thì Chính phủ đã lập hẳn một Ban phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn Trung ương rồi. Ở dưới các tỉnh, thành phố, thậm chí đến các huyện, xã cũng đều có ban bệ với phương châm “bốn tại chỗ” rồi. Mâm bệ đầy đủ là thế, nhưng khi sự cố xảy ra là rối đội hình ngay.
Trước tiên là hệ thống thông tin liên lạc. Ban phòng chống lụt bão của Thừa Thiên - Huế tiếp nhận lời kêu cứu của công nhân thủy điện Rào Trăng 3 với những thông tin không đầy đủ. “Gọi xong là người gọi đã cúp máy hoặc mất sóng”.
Cũng chính vì “mất sóng” như thế nên việc kiểm tra cụ thể về mức độ thiệt hại tại hiện trường đã không dự lường hết. Nếu nắm được tình hình cụ thể thì đội cứu hộ cứu nạn sẽ có những phương án khác chứ chưa chắc đã điều một lúc cả tướng tá hàng chục người lên đường để lập Bộ chỉ huy tiền phương như thế.
Người bị nạn thì bao giờ cũng nói cho nghiêm trọng vụ việc, người tiếp nhận thì không có điều kiện kiểm tra lại thông tin nên độ vênh nhau trong công tác cứu hộ vụ này là có thật. Nếu chỉ 3 công nhân ở Rào Trăng 3 tử nạn thì việc huy động lực lượng cứu nạn sẽ khác. Hệ thống thông tin liên lạc đã không làm tròn nhiệm vụ trong sự cố này.
Thứ hai là các phương tiện cứu nạn. Chúng ta đã có hẳn máy bay trực thăng để tham gia cứu hộ cứu nạn từ trận lũ 1999 chứ không phải hôm nay mới có. Nhưng vụ chìm tàu hàng ở Quảng Trị, phải đợi đến 3 ngày mới có trực thăng ứng cứu. Nếu ở Rào Trăng 3 mà huy động sớm được trực thăng thì chắc chắn sẽ không có một đoàn người đi bộ vượt lũ đông đến vậy, để rồi nhận bi kịch như chúng ta đã biết.
Về phía những công nhân bị nạn, cũng cần phải chê trách những người chỉ huy của họ. Mưa lũ chia cắt đâu đã đến một tuần mà đã kêu hết lương thực rồi! Đó là chưa kể, lũ lụt như thế mà “giam” mấy chục mạng người ngay tại công trường để rồi gặp nạn. 13 cán bộ chiến sĩ phải hy sinh đau đớn cũng vì số công nhân bị “giam” giữa rừng kia!
Rồi sẽ có những cuộc “mổ xẻ” cụ thể về nguyên nhân dẫn đến tang thương nhưng cũng cần phải xem lại một nguyên nhân sâu xa nữa: Trên 200 hecta rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn này đã phải nhường chỗ cho 4 công trình thủy điện! Thiên nhiên lần này đã thật sự nổi giận do chính con người gây hấn trước.
Toàn những việc đau lòng, nói ra chỉ đau lòng hơn!