Chuyển biến trong quản lý và sử dụng sách tham khảo

GD&TĐ - Trong năm học 2022-2023 và những năm học vừa qua, công tác quản lý sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo được thực hiện tốt.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Quản lý và sử dụng sách tham khảo được quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Khoản 4 Điều 5 của Thông tư quy định: Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ngày 10/6/2022. Chỉ thị yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.

Bộ GD&ĐT đánh giá, trong năm học 2022-2023 và những năm học vừa qua công tác quản lý sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo được thực hiện tốt. Các địa phương đã giảm hẳn tình trạng đơn thư khiếu nại về công tác quản lý, mua sắm, sử dụng sách tham khảo. Nhận thức của các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh đã có nhiều tiến triển tích cực.

Nhiều địa phương, nhiều cơ sở giáo dục đã có những sáng kiến hay và phù hợp trong công tác xã hội hóa mua sắm sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng biên giới hải đảo. Từ đó đã lan tỏa những phong trào vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Tuy nhiên, vẫn còn có những cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lồng ghép việc bán sách giáo khoa đi kèm với sách tham khảo, tạo bức xúc của phụ huynh học sinh và xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục cần tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.