Xin đừng bán… kèm sách tham khảo

GD&TĐ - Quy trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục; có chế tài xử lý nghiêm; thư viện trường học có hệ thống sách tham khảo dùng chung… là những giải pháp được đưa ra nhằm chấm dứt tình trạng bán sách giáo khoa (SGK) kiểu “bia kèm lạc” ở nhiều trường học hiện nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam: Phải có chế tài xử lý nghiêm

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

Nhiều năm qua, hiện tượng trường học bán SGK kèm sách tham khảo và các thiết bị học tập, trong đó có những cuốn sách cả năm không được học sinh dùng dẫn đến lãng phí khiến phụ huynh bức xúc. Nguyên nhân của việc này là vấn đề lợi ích. Việc mua bán, phân phối SGK qua các khâu trung gian cũng là nguyên nhân dẫn tới tiêu cực.

Bộ GD&ĐT đã quy định rõ, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuy nhiên, cùng với quy định này cần có chế tài cụ thể, nghiêm khắc, xử lý đến nơi đến chốn những đơn vị, cá nhân vi phạm; trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu. Về vấn đề này, có thể thấy người trực tiếp nhất là hiệu trưởng nhà trường. Những trường vi phạm thuộc quản lý của sở GD&ĐT/phòng GD&ĐT nào thì người đứng đầu sở/phòng GD&ĐT đó cũng phải có trách nhiệm liên đới. Chỉ khi xử lý thật nghiêm các sai phạm thì mới khắc phục được triệt để.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một bộ phận học sinh có nhu cầu sử dụng sách tham khảo nên nhà trường cần có giải pháp để các em được tiếp cận với những bộ sách chất lượng một cách lành mạnh. Đơn cử, tổ chuyên môn, giáo viên, với kinh nghiệm của mình có thể lựa chọn danh sách những cuốn sách tham khảo chất lượng để học sinh tham khảo, và mua nếu có nhu cầu.

Một vấn đề cũng cần phải quan tâm là giải pháp để thực hành tiết kiệm trong sử dụng SGK bằng việc xây dựng tủ sách dùng chung trong nhà trường. Học sinh có thể mượn SGK từ tủ sách này và cuối năm học trả lại để khóa sau sử dụng. Ngân sách cho giáo dục cần có một khoản để xây dựng tủ sách dùng chung trong các trường học; đồng thời có thể vận động học sinh, phụ huynh ủng hộ sách đã sử dụng vào tủ sách của nhà trường.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi, giáo viên Trường PTDT nội trú huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum: Cấm kê khai sách tham khảo, SGK trong cùng danh mục

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi.

Không bán bán SGK kèm với sách tham khảo trong nhà trường. Học sinh, phụ huynh nếu có nhu cầu mua sách tham khảo để hỗ trợ thêm trong việc học có thể liên hệ với giáo viên bộ môn để tham khảo, từ đó lựa chọn được cuốn sách phù hợp. Nhưng không nên đánh đồng mọi nhà trường đều bán SGK kèm theo sách tham khảo. Với giáo viên bộ môn, thầy cô đều có kế hoạch bài giảng riêng, từ đó có bài tập phù hợp với từng người học ở mức độ khác nhau. Trường học ở các vùng miền cũng vậy, đều có kế hoạch bài dạy, hình thức giảng dạy phong phú khác nhau.

Tôi thấy đa phần ý kiến đồng tình với với chủ trương của Bộ GD&ĐT, quy định nhà trường có trách nhiệm lựa tài liệu phù hợp để trang bị trong thư viện phục vụ nhu cầu của cả người dạy và người học. Theo tôi, sách tham khảo sẽ do giáo viên bộ môn quyết định. Ở một số khu vực khó khăn, thay vì sử dụng sách tham khảo, giáo viên lựa chọn tư liệu phù hợp trong sách để soạn thảo và in cho học sinh sử dụng.

Để hạn chế tình trạng bán SGK kèm sách tham khảo, tôi cho rằng cần có quy định cấm việc kê khai phát hành sách tham khảo kèm SGK trong cùng một danh mục. Thư viện nhà trường có hệ thống sách tham khảo dùng chung để giáo viên, học sinh cần có thể sử dụng.

Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: Thanh tra, kiểm tra việc cung ứng và sử dụng SGK, sách bài tập, sách tham khảo

Ông Đào Công Lợi.

Ông Đào Công Lợi.

Thực hiện Chỉ thị số 634/CT-BGDĐT ngày 10/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc sử dụng SGK, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào sách để sử dụng lại lâu bền.

Các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó có việc: “Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào”.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục tuyệt đối không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh phê duyệt. Nghiêm cấm việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng. Ngoài ra, cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Với các phòng GD&ĐT, cần phối hợp với ngành liên quan cấp huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra việc cung ứng và sử dụng SGK, sách bài tập, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Trung tâm GDNN-GDTX trực thuộc; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Quản lý việc sử dụng SGK, sách tham khảo theo đúng Chỉ thị số 634/CT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT thuộc trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục. Sở GD&ĐT sẽ kiểm tra việc chỉ đạo của các phòng GD&ĐT, thực hiện tại trường phổ thông và xử lý vi phạm nếu có theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.