Chuyện bí ẩn về nữ nghệ sĩ Olga Chekhova

GD&TĐ - Olga Chekhova, cháu vợ của nhà văn Nga Anton Pavlovich Chekhov có nhiều ưu điểm: Xinh đẹp, thông minh, tài năng. Nhưng tài năng chính của bà cho tới tận cuối đời được coi là khả năng hút hồn đàn ông. Những người thân gọi Olga là kẻ phiêu lưu.

Nữ nghệ sĩ Olga Chekhova ngồi cạnh Hitler trong nhà hát
Nữ nghệ sĩ Olga Chekhova ngồi cạnh Hitler trong nhà hát

Nữ diễn viên quốc gia

Sau mối tình đầu bị thất bại, mùa đông năm 1914, Olga đến chơi với cô mình ở Moskva và làm quen với hai người cháu của Anton Chekhov tên là Vladimir và Mikhail Chekhov. Hai chàng trai đều đem lòng yêu mến cô gái trẻ, nhưng Olga thích Mikhail hơn, một diễn viên trẻ. Và họ bí mật đính hôn với nhau. Ngay năm sau, Olga sinh hạ một bé gái tên là Adochka, và lúc này chồng của cô cũng trở nên sa đọa.

Hoàn toàn thất vọng về cuộc sống gia đình, năm 1921, hai người chia tay nhau. Để lại phía sau tên tuổi của một dòng họ nổi tiếng, Olga lên đường sang Đức làm phim. Với giới cầm quyền ở đây, một cô gái mang họ Nga bỗng nhiên trở thành... “nữ diễn viên quốc gia” và thần tượng của Hitler. Mặc dù mang họ của nhà văn Nga nổi tiếng, tên thời thiếu nữ của bà là Knipper, một cái tên thuần Đức. Do đó bà không gặp khó khăn gì ở nước Đức quốc xã. Olga giữ lại họ Chekhova vì trong thế kỷ XX bà đã trở thành thương hiệu thế giới, còn Anton Chekhov được coi không chỉ là nhà văn Nga vĩ đại mà còn là một nhà văn cổ điển thế giới. Và Olga mơ ước trở thành Chekhova (thực chất là trở thành người cùng tên với vợ của Anton Pavlovich, nữ diễn viên vĩ đại Olga Knipper Chekhova).

Thần tượng của Hitler

Nữ nghệ sĩ Olga Chekhova
 Nữ nghệ sĩ Olga Chekhova

Olga kể về cuộc gặp gỡ của mình với Quốc trưởng: “Tháng 1/1933, Hitler trở thành Thủ tướng Đức, còn Tiến sĩ Joseph Goebbels trở thành Bộ trưởng Giáo dục quốc dân và tuyên truyền của Đức quốc xã. Sự thay đổi tập quán của nước Đức Hitler được thể hiện bằng một lời mời bất thường. Một ngày đẹp trời, mẹ gọi điện thoại cho tôi tới nhà hát bảo rằng vào buổi chiều, ngài Bộ trưởng tuyên truyền đợi tôi ở phòng lễ tân. Sẽ có mặt Quốc trưởng... Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hitler như sau: Một con người rụt rè, vụng về, cư xử với phụ nữ lịch thiệp theo kiểu Áo. Thật kỳ lạ, hầu như không thể hình dung nổi sự biến hoá của ông ta từ một kẻ nói năng nhàm chán thành một kẻ diễn thuyết đầy mê hoặc khi đứng trước đám đông”.

Dư luận lúc đó cho rằng, Chekhova gắn bó với Hitler không chỉ bằng tình bạn, mặc dù bản thân nữ diễn viên phủ nhận điều đó và tỏ ra giận dữ nếu ai đó hỏi bà như vậy. Quả thật, mọi người nói rằng tại tổng hành dinh của quốc trưởng luôn luôn có một phòng riêng dành cho Chekhova. “Chekhova quả thật là thần tượng của Hitler”, R. Atamalibekov (đạo diễn bộ phim về bà) nói. Nhưng tôi không nghĩ rằng bà là tình nhân của y. Những tài liệu mà tôi đã được đọc và xem, nói rằng Hitler có thiện cảm với Chekhova như một nghệ sĩ. Bà là một phụ nữ rất xinh đẹp, nổi tiếng và được giới đàn ông mến mộ. Nhưng có hai người không thích bà - đó là Himmler và Goebbels.

Goebbels quả thật không mặn mà gì với Chekhova, tuy nhiên, bà cũng nhận xét về y không một chút khách khí: “Luôn mặc cảm về đôi chân vòng kiềng và thân hình nhỏ thó, Goebbels trông hoàn toàn chẳng giống người Đức, y lợi dụng chức vụ bộ trưởng để tìm mọi cách lên giường với tất cả các nữ diễn viên cao to và xinh đẹp”. Một lần, Goebbels đã kiếm cớ khiêu khích Chekhova, khiến bà suýt phải trả giá. Tại Berlin, bọn phát xít tổ chức lễ chiêu đãi nhân dịp Moskva sắp thất thủ. Olga toả sáng, bà được những người đàn ông sang trọng nhất của nước Đức săn đón. Bỗng nhiên, không biết từ đâu bên cạnh bà xuất hiện bóng dáng nhỏ thó của Goebbels: “Chị nghĩ sao, Olga, chúng ta sẽ tổ chức lễ Giáng sinh ở Moskva chứ?”. Chekhova ngắt lời: “Không, không”. Goebbels muốn biết tại sao. Và Chekhova đã trả lời không chớp mắt: “Trước hiểm nguy người Nga sẽ đoàn kết lại như chưa từng có!”.

Mùa xuân năm 1945, Heinrich Himmler, người được Chekhova mô tả: “Trông giống một “cán bộ đạc điền” đã hồi hưu... đứng lù lù và mất tự tin khi nhìn thấy tôi trong chiếc áo hở vai màu xanh da trời, đờ người ra vì ngạc nhiên”, y cho rằng Olga rốt cuộc đã trở nên quá đáng và đã đến lúc phải hành động. Chekhova ngay lập tức được thông báo về kế hoạch của “cán bộ đạc điền”. Vào một buổi sáng đẹp trời, Himmler cùng đám vệ sĩ đến gõ cửa phòng bà. Nữ chủ nhân lịch thiệp mời các vị khách vào nhà. Himmler bước qua cửa phòng khách và đứng chết lặng. Trong ghế bành, Hitler đang ngồi uống cà phê.

Điệp viên của Beria?

Nhà văn Anton Chekhov và vợ
  Nhà văn Anton Chekhov và vợ

Ở Đức, không có lời buộc tội chính thức nào đối với Chekhova. Nhưng nhiều người nói sau lưng rằng “nữ diễn viên quốc gia” của họ là gián điệp của Stalin. Bản thân Chekhova không một lần nói về chủ đề này. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tình báo khẳng định rằng Olga Chekhova là một điệp viên siêu hạng làm việc cho Dân uỷ nội vụ Liên Xô, cung cấp những thông tin mang tính quyết định đến đường lối quốc gia. Tháng 10/1992, tờ báo Anh Daily Mail và tờ báo Mỹ Boston Globe thông tin rằng vào những năm 20, tại Berlin có một nhóm tình báo Liên Xô hoạt động, trong đó có Olga Chekhova.

Nhiều sự kiện khẳng định giả thuyết đó. Trước khi lên đường tới Đức, theo lời đồn, Chekhova được Cục chính trị quốc gia thống nhất triệu tập lên để “tư vấn”. Trong cuốn sách “Cha tôi - Beria Lavrenti”, Sergo Beria, con trai của trùm đặc vụ Liên Xô dưới thời Stalin viết: “Olga Chekhova đã nhiều năm hợp tác với cha tôi. Vào khoảng năm 1942 đã có kế hoạch ám sát Hitler với sự giúp đỡ của bà. Song, sang đến năm 1943 Stalin ra lệnh dừng lại”.

Sau khi tiến vào Berlin, các sĩ quan hồng quân Liên Xô đã bắt giữ Olga Chekhova và đưa về Moskva. Olga bị hỏi cung tại nhà tù của Dân uỷ nội vụ. Người ta nói rằng Beria đích thân hỏi cung bà.

Chekhova thậm chí được đi dạo chơi trong thành phố. Bà nhớ cuộc dạo chơi đó suốt đời. Trên đường phố, có một cô gái chạy tới gào to lên “Đồ phản bội” và nhổ vào mặt bà. “Chekhova bị hỏi cung, sau đó được thả ra - phải chăng điều đó không nói lên rằng bà là điệp viên của Dân ủy nội vụ - đạo diễn R. Atamalibekov kết luận - Bởi thời đó biết bao người vô tội bị bắn chết chỉ vì một nghi vấn nhỏ. Trong khi một kẻ vốn là thần tượng của Hitler bỗng nhiên bị bắt và được trả lại tự do. Rất kỳ lạ!”. Cũng vào năm 1945, Chekhova trở về Đức một cách trót lọt. Tuy nhiên, người ta không thấy một giấy tờ, văn bản chính thức nào nói về sự cộng tác của Olga với KGB. Và trong hồi ký của mình, bà cũng lảng tránh không đề cập tới điều đó. Điều này chỉ càng làm hâm nóng tính tò mò của các nhà nghiên cứu…

Olga Chekhova mơ ước trở về Tổ quốc, bà viết thư cho người thân, bạn bè. Nhưng vì sợ liên luỵ với “bạn gái của Hitler”, nên họ trả lời rằng chưa cần thiết phải về vội. Năm 1955, Olga Chekhova mở tại Đức một salon mỹ phẩm lớn nổi tiếng khắp châu Âu và sống nhờ lợi nhuận của công ty này cho đến lúc qua đời ở tuổi 83. Hàng năm, vào ngày 15/7, bà thường đến thăm thị trấn Bedenveyler (Đức), nơi văn hào Nga Anton Chekhov đã qua đời.

Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.