Đàn ông nói “không” với bếp núc
Theo một cuộc khảo sát của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam vào năm 2017 cho thấy, hơn 88% đàn ông Việt khi được hỏi đều cho rằng bếp núc là việc của phụ nữ. Điều này chứng minh đàn ông luôn quan niệm rằng bản thân họ không cần thiết phải có trách nhiệm với căn bếp của gia đình.
Một số cho rằng, đàn ông vào bếp sẽ khiến họ bị giảm giá trị, hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ của họ sẽ bị mất đi khi họ khoác lên mình chiếc tạp dề và lo chuyện bếp núc. Phái mạnh là trụ cột trong gia đình, nên việc của họ là kiếm tiền, thăng tiến trong xã hội, dạy dỗ con cái theo cách của đàn ông, là chỗ dựa tinh thần cho vợ con... Còn lại chuyện bếp núc hãy để cho người phụ nữ toàn quyền quyết định.
Đàn ông cho rằng vào bếp sẽ khiến họ bị giảm giá trị, hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ của họ sẽ bị mất đi khi họ khoác lên mình chiếc tạp dề và lo chuyện bếp núc.
Suy nghĩ ấu trĩ, rạn nứt hôn nhân?
Nói như trên thì liệu đàn ông có thực sự là trụ cột vững chãi để người phụ nữ của họ có thể toàn tâm toàn ý dựa vào hay không? Và nếu đàn ông chỉ cần kiếm đủ vật chất cho gia đình là đủ, thì ai sẽ là người bù đắp những thiếu hụt trong tâm hồn người phụ nữ đây?
Thực tế, phụ nữ chỉ cần bờ vai, sự an ủi, sẻ chia và yêu thương từ những điều vụn vặt nhất. Khi vợ bạn mỗi ngày đều loay hoay với hàng tá công việc từ: chăm con, dọn dẹp, đi chợ, nấu nướng...tất tần tật mọi thứ đều một mình thì liệu họ có thời gian để cảm thấy hạnh phúc như nhiều người vẫn nghĩ?
Liệu đàn ông có thực sự là trụ cột vững để người phụ nữ của họ có thể toàn tâm toàn ý dựa vào hay không khi không sẻ chia bếp núc cùng vợ?
Thử nghĩ xem, mỗi ngày cả hai vợ chồng đều cùng nhau ra khỏi nhà để bắt đầu công việc riêng của mình. Nhưng khi về đến nhà, vợ thì xắn tay áo “lăn” vào bếp lúi húi với nào rau, nào cá, nào chiên, nào xào...trong khi chồng chỉ việc ngồi xem TV, lướt Internet đợi “cơm canh nóng hổi”. Liệu điều này có thực sự công bằng với phụ nữ hay không?
Chính điều này vô tình trở thành “vết nứt” thầm lặng theo thời gian khiến tình cảm vợ chồng trở nên phai nhạt dần. Người vợ rồi sẽ có ngày trở nên gắt gỏng khi thấy chồng mãi chẳng vào bếp phụ mình. Trong khi đó người chồng cũng dần dà chẳng còn nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của vợ như ngày đầu mới cưới. Tất cả chỉ vì căn bếp - nơi mà người ta hay trêu đùa là nơi “giữ lửa” và níu chân hạnh phúc gia đình nhiều nhất.
San sẻ yêu thương, sẻ chia bếp núc
Sẽ ra sao nếu con bạn mỗi ngày đều nhìn thấy cảnh mẹ luôn loay hoay với 1001 việc trong bếp còn bố thì cứ mãi xem phim, lướt Smart Phone. Đừng nghĩ trẻ con không để ý, chúng nhạy bén và sống tình cảm hơn chúng ta nghĩ nhiều. Chị Thủy (33 tuổi, Gò Vấp) chia sẻ: “Chị luôn bận túi bụi trong bếp. Có lần cậu cả trong nhà thấy liền hỏi mẹ: “Sao con chỉ thấy mẹ làm còn ba toàn ở ngoài chơi không vậy mẹ?’’ Lúc đó chị đơ người, chẳng biết phải giải thích thế nào. Vừa buồn vừa giận, nước mắt tự nhiên chảy ra. Trẻ con nó còn để ý thế mà…”
Hay mẹ bé Su (27 tuổi, TP.HCM) cho biết: “Từ lúc thấy mẹ bịnh, bé nhà mình bảo bố phải giúp mẹ làm việc này việc kia chứ không thôi mẹ làm hết là mẹ bịnh đó. Nghe thôi mà thấy được xoa dịu phần nào lắm!”
Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu của con cái. Thế nên, mọi hành động, cử chỉ của bạn có thể sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của con trẻ về sau.
Tạm kết
Nếu không muốn hôn nhân trên bờ vực rạn nứt, hãy thay đổi ngay suy nghĩ “Nấu nướng là nhiệm vụ của vợ” trước khi quá muộn. Gia đình giống như hạt mầm, nụ hoa rất cần phải chăm sóc, vun đắp hàng ngày thì cây mới sống và đâm chồi nảy lộc… Dù thành công về sự nghiệp, tài chính nhưng mất hẳn sự yêu thương, tôn trọng, sẻ chia thì liệu cây có đâm chồi nảy lộc? Liệu yêu thương mà không sẻ chia những điều bình thường nhất như vào bếp thì đó có phải là yêu thương?