Chụp ảnh kỷ yếu sao cho ý nghĩa?

GD&TĐ - Những năm gần đây, trào lưu chụp ảnh kỷ yếu cuối năm được nhiều học sinh cuối cấp, nhất là các học sinh lớp 12 tích cực hưởng ứng,

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Các em mong muốn lưu giữ những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp đẽ của thời cắp sách tới trường. Tuy nhiên, chụp ảnh kỷ yếu sao cho phù hợp là vấn đề cần quan tâm, nhất là khi thời gian qua đã xuất hiện những bộ ảnh kỷ yếu gây lãng phí, tốn kém với những hình ảnh không thích hợp với lứa tuổi học trò, thậm chí là gây phản cảm đối với người xem.

Không chỉ học sinh ở thành phố, trào lưu chụp ảnh kỷ yếu cuối năm học cũng đã lan tới nhiều trường học ở các địa bàn vùng nông thôn, miền núi. Thông thường, tháng 5 là tháng cao điểm được nhiều học sinh lựa chọn chụp ảnh kỷ yếu. Để có được bộ ảnh kỷ yếu như ý, các công đoạn từ khâu đưa ra ý tưởng chụp đến lựa chọn địa điểm, thợ chụp ảnh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.

Những bộ ảnh kỷ yếu với chi phí hợp lý được chụp nơi sân trường, lớp học sẽ lưu giữ những khoảnh khắc thân thương của tuổi học trò, nơi in dấu những kỷ niệm khó có thể mờ phai với trường lớp, thầy cô, bè bạn. Tuy nhiên, khi việc chụp kỷ yếu trở thành “cuộc đua ngầm” giữa các lớp học sinh nhằm thể hiện sự khác biệt và mức độ “chịu chơi” thì việc chụp ảnh kỷ yếu cuối năm đã gây ra sự tốn kém không nhỏ về thời gian, tiền bạc. Bên cạnh đó, việc “sáng tạo” ra những bộ ảnh kỷ yếu theo các tiêu chí “độc” và “lạ” nhiều khi lại làm xuất hiện những bức ảnh không phù hợp với lứa tuổi học trò, thậm chí còn tạo ra sự phản cảm đối với người xem.

Trước đây, bộ ảnh kỷ yếu cuối năm học đơn giản chỉ là những bộ ảnh chụp các thành viên trong lớp với những bộ trang phục truyền thống của học sinh: Nữ mặc áo dài; nam mặc áo sơ mi, quần âu. Vài năm trở lại đây, nhiều ý tưởng mới đã được vận dụng khi học sinh cuối cấp thực hiện các bộ ảnh kỷ yếu. Theo đó, không gian để chụp ảnh kỷ yếu không còn chỉ giới hạn trong khuôn viên trường học, mà còn được mở rộng ra ở các địa điểm khác như: Các di tích, thắng cảnh, các điểm du lịch sinh thái. Bên cạnh những bộ ảnh thể hiện sự tinh nghịch, hồn nhiên của tuổi học trò, thời gian qua đã xuất hiện những bộ ảnh kỷ yếu không phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Đầu tiên là về trang phục, thay vì những bộ đồng phục học sinh có in biểu tượng của nhà trường, tên lớp, khóa học, không ít học sinh lại lựa chọn những chiếc áo phông mỏng, có in những hình ảnh “lạ mắt”, kết hợp với những chiếc quần ngắn cũn. Đó là chưa kể, những bức ảnh kỷ yếu khi được chụp ở bãi biển hay bể bơi, các nữ sinh không ngần ngại mặc những chiếc áo tắm, sẵn sàng tạo dáng đủ kiểu trước ống kính để có được những bức hình đẹp. Chưa bàn tới mức độ “nghệ thuật” của những bức hình đó, nhưng kiểu ăn mặc “mát mẻ” này đã gây ra những tranh luận trái chiều từ những người xem.

Ảnh kỷ yếu học sinh lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) năm 2022. Ảnh: INT

Ảnh kỷ yếu học sinh lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) năm 2022. Ảnh: INT

Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, những hình ảnh đó đã làm mất đi sự hồn nhiên, trong sáng vốn có của tuổi học trò. Bên cạnh việc ăn mặc không phù hợp khi chụp ảnh, những hành động tạo dáng hay vui đùa quá trớn nhằm tạo ra những bức ảnh “độc” và “lạ” nhiều khi lại gây nên sự phản cảm. Những cử chỉ thân mật hay những động tác đụng chạm quá đà dù chỉ là sắp xếp, dàn dựng khi chụp ảnh nhưng đều có thể lưu lại những ấn tượng không hay về các nhân vật góp mặt trong bức ảnh. Nhất là khi, những bức ảnh đó được chia sẻ, phát tán rộng rãi trên mạng xã hội.

Cuộc chạy đua ngầm giữa các trường, các lớp trong mùa kỷ yếu nhằm có được những bức ảnh đẹp, lạ, không trùng lặp vô tình đã tạo ra sự lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc. Không chỉ đua nhau tìm địa điểm, ý tưởng chụp ảnh mới lạ mà hiện nay, nhiều học sinh còn có cuộc chạy đua mới về việc đầu tư hình ảnh như: Thuê thợ chụp chuyên nghiệp, thuê trang phục, làm tóc, trang điểm, phụ kiện... Đó là chưa kể tới các khoản “ăn theo” khác như: Tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền vé, tiền xe. Để chụp được những tấm ảnh kỷ yếu như ý, trung bình mỗi học sinh phải chi từ 5 - 7 trăm nghìn, thậm chí còn cao hơn.

Với những học sinh ở các khu vực đồng bằng, thành phố, nơi có điều kiện kinh tế khá giả, số tiền đó có thể không phải là quá lớn nhưng với những học sinh ở các địa bàn nông thôn, miền núi, hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn thì đó là khoản tiền đáng kể. Cùng với sự lãng phí về tiền bạc là sự lãng phí về thời gian. Việc thực hiện một bộ ảnh kỷ yếu không chỉ được tiến hành trong ngày một ngày hai. Từ các công đoạn chuẩn bị đến khi bộ ảnh được hoàn thành có khi mất tới hàng tháng trời. Trong khi đối với học sinh lớp 12, thời điểm cuối năm học lẽ ra phải tranh thủ thời gian tối đa cho việc ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức.

Như vậy, việc chụp ảnh kỷ yếu để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của tuổi học trò trước khi rời xa mái trường là điều chính đáng. Tuy nhiên, việc chụp ảnh kỷ yếu đua theo phong trào, chạy theo những ý tưởng không phù hợp có thể tạo ra những bức ảnh làm mất đi sự hồn nhiên, trong sáng vốn có của tuổi học trò. Ý nghĩa của hoạt động chụp ảnh kỷ yếu cuối năm học là nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết, lưu lại những kỷ niệm đẹp của thời học sinh cũng sẽ bị phai nhạt. Từ thực tế diễn ra, đã đến lúc cần hình thành nét văn hóa trong hoạt động chụp ảnh kỷ yếu vào cuối năm học. Cần chụp sao cho vừa đẹp, vừa ý nghĩa và ít tốn kém về thời gian, tiền bạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ