Chương trình văn học nước ngoài ở trường trung học: Hấp dẫn nhưng khó chiếm lĩnh

GD&TĐ - Chương trình văn học nước ngoài là một mảng khá phong phú và hấp dẫn đối với giáo viên cũng như học sinh.

HS Trường THPT Việt Đức, Hà Nội. Ảnh: Thế Đại
HS Trường THPT Việt Đức, Hà Nội. Ảnh: Thế Đại

Nhìn tổng quát thì chương trình này đã được đưa vào rất hợp lí và khoa học. Tuy nhiên, để có thể chiếm lĩnh toàn diện và sâu sắc mảng văn học này không phải là một việc dễ dàng.

Lúng túng khi tiếp cận 

Phải khẳng định rằng đây là mảng văn học khó dạy đối với giáo viên. Mặc dù chúng ta biết rằng, đây là mảng văn học xa lạ đối với HS, dễ gây hứng thú trong học tập. Hơn nữa, những bài được đưa vào chương trình lại là những đỉnh cao của các nền văn học lớn từ đông, tây, kim, cổ đã được sàng lọc qua thời gian, nhìn qua tưởng dễ nhưng thực sự là không hề dễ dàng.

GV trung học phải đảm đương cả phần văn học Việt Nam, từ những tác phẩm ra đời vào những thế kỷ trước Công nguyên cho đến thời hiện đại. Dù đã được nghe giảng và nghiên cứu ở trường ĐH, CĐ nhưng GV cũng không tránh khỏi lúng túng khi tiếp cận với chương trình và những tác phẩm cụ thể khi đi vào giảng dạy.

Trước hết, vấn đề dễ nhận ra khi bàn về chương trình văn học nước ngoài là ngôn ngữ. Hầu hết, GV và HS tiếp cận chương trình qua bản dịch chứ không đọc được nguyên tác. Chiếm lĩnh được một ngoại ngữ đã là một sự cố gắng đối với một người, chương trình văn học nước ngoài thì không chỉ có văn học của một nước mà của nhiều nước khác nhau. Khi không vượt qua được hàng rào ngôn ngữ, chỉ tiếp cận qua bản dịch, phần nào đó đã làm giảm đi sức hấp dẫn của tác phẩm.

Một khó khăn nữa đối với GV là sự thay đổi chương trình qua các lần cải cách, thực nghiệm hệ trung học phổ thông phân ban. Tất nhiên, bộ phận văn học Việt Nam cũng có những thay đổi trong chương trình, nhưng ít gây lúng túng cho GV. Vì là nền văn học dân tộc, GV đã có những hiểu biết nhất định. Có những mảng văn học nước ngoài, GV chưa được trang bị kỹ ở trường sư phạm.

Chẳng hạn, sử thi Ramayana và Mahabrata, các nhà văn Mark Twain, Hemingway, Aragon, Exenin... cũng mới được giảng kỹ ở trường sư phạm chưa lâu. Ngay cả đến sự thay đổi về giảng dạy tác phẩm cũng khiến cho GV nhiều khi cảm thấy như phải bắt tay lại từ đầu. Có những bài giảng mới, về các tác giả mà GV gần như chưa hề được trang bị khi bước vào nghề, vì trong giáo trình ở các trường sư phạm cũng chưa đề cập tới. Ngay cả những GV mới ra trường gần đây cũng chưa được học. 

Sự cố gắng của các trường sư phạm là trang bị cho các GV tương lai những tiềm lực tốt nhất, nhưng không có nghĩa là có thể theo sát đến từng bài cụ thể, như một cẩm nang để lúc ra trường có thể sử dụng. GV lại đứng trước một khó khăn nữa là tình hình nghiên cứu văn học ở nước ta và trên thế giới trong mấy thập niên vừa qua có nhiều đổi mới.

Có những hướng khai thác mới mà nhiều GV chưa thể vận dụng ngay được trong quá trình giảng dạy của mình. Vị trí của văn học nước ngoài lại đang được nâng cao, được tăng cường đưa vào kiểm tra, thi, đòi hỏi GV phải không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức. Đứng trước những khó khăn đó, cần có những giải pháp để từng bước khắc phục, làm chủ và tự tin, sáng tạo trong giảng dạy.

Trước hết, GV tích cực vận dụng những kiến thức và phương pháp tối ưu để đi sâu nghiên cứu từng bài để soạn giáo án, với mục tiêu làm chủ mảng văn học này. Yêu cầu tất yếu đối với GV là cần nắm được các vấn đề cơ bản, để đỡ lúng túng trong tìm hiểu, khai thác, soạn giáo án. Khắc phục sự so le thực ra không cơ bản giữa vốn kiến thức tiếp thu ở nhà trường sư phạm và yêu cầu giảng dạy cho HS trung học. Giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài trong bài giảng của mình.

Khó phân công

Vấn đề thứ hai, về chương trình văn học nước ngoài trong trường trung học là sự sắp xếp chương trình. Các bài văn học nước ngoài được bố trí dạy xen kẽ với văn học Việt Nam. Điều này có cái hay của nó là tạo ra được một sự đối sánh giữa nền văn học dân tộc và văn học của các nước khác trên thế giới, giúp cho GV và HS có thể có được sự hiểu biết ở một mức độ nào đó về các nền văn học khác ngoài văn học dân tộc. 

Tuy nhiên, sự phân bố giảng dạy khác nhau ở các trường lại tạo ra những điểm bất lợi cho GV. Đó là việc có GV chỉ chuyên giảng ở một hoặc hai khối lớp, vì thế, họ thiếu một cái nhìn bao quát đối với toàn bộ chương trình văn học nước ngoài trong trường trung học. Chẳng hạn, có người chỉ chuyên dạy khối lớp 6 ở THCS, khi được phân công dạy ở các khối lớp khác lại thường bỡ ngỡ với các bài giảng văn học nước ngoài ở khối lớp đó, chưa kể là khi có sự thay đổi trong chương trình nữa.

Đối với những GV được phân công dạy ở những khối lớp khác nhau thì sẽ thuận lợi hơn. Cho nên, ở một số trường hiện nay, khi phân công giảng dạy, một số GV sẽ được dạy ở khối lớp đầu cấp và theo HS cho đến lớp cuối cấp. Như thế, GV gần như bám sát được chương trình giảng dạy và sẽ chủ động được khi tiếp xúc và cả tiến hành bài giảng. Đó là một cách làm hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao kết quả giảng dạy mảng văn học nước ngoài ở trường trung học.

Nội dung bị lặp lại

Sự lặp lại một số tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài từ THCS lên THPT cũng cần được xem xét. Mặc dù, không phải là sự lặp lại hoàn toàn mà có thể cùng tác giả đó nhưng tác phẩm đưa vào giảng ở cấp THCS khác với THPT. Sự lặp lại này không hẳn là một ý tưởng hay, vì đôi khi nó tạo ra sự nhàm chán. Trong quá trình giảng dạy, nếu GV biết khơi gợi và nhắc lại những thông tin, kiến thức cũ mà HS từng được biết lại là một việc làm hay, có thể đưa lại hiệu quả tốt trong giảng dạy. Chẳng hạn, khi giảng về thơ Lí Bạch,  Đỗ Phủ ở lớp 10, nếu GV biết nhắc lại những kiến thức mà HS đã biết ở lớp 6, thậm chí GV có thể mở rộng thêm bằng những thông tin mình biết về tác gia sẽ là một hướng gợi mở và tăng thêm hứng thú học tập cho các em.

Chương trình văn học nước ngoài ở trường trung học như đã khẳng định, đây là mảng văn học hay và có sức hấp dẫn, nhưng việc giảng dạy làm sao để thực sự có hiệu quả lại không phải là dễ dàng. Vậy nên, không chỉ GV cần phải nỗ lực nhiều trong công việc của mình, mà cách sắp xếp và bố trí chương trình cũng là việc làm quan trọng góp phần vào thành công của việc giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ