(GD&TĐ)-Triển khai đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT) là một trong các giải pháp quan trọng của Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Đến nay, trong khuôn khổ CTTT có 35 chuyên ngành đang được triển khai đào tạo tại 23 trường ĐH trên cả nước. Bên cạnh những thành công ban đầu, việc triển khai loại chương trình đặc thù này cũng còn một số khó khăn, vướng mắc.
Tại hội thảo tổng kết 5 năm đào tạo, phát triển CTTT, chất lượng cao (CLC) của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, GS.TS.Phạm Quang Trung – Phó Hiệu trưởng, trưởng BQL CTTT, CLC&POHE cho biết, một trong những thách thức nhà trường gặp phải khi thực hiện chương trình là vấn đề đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cho chương trình còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt ở một số môn giảng dạy cho nhiều chuyên ngành; hay giảng cho cả CTTT và CLC như môn Luật, các môn Toán và quản trị hệ thống thông tin... Theo GS.TS.Phạm Quang Trung, hiện các môn học này đều do các trưởng, phó khoa và bộ môn tham gia giảng dạy nên rất hạn chế về thời gian và khó chủ động bố trí lịch học cho sinh viên. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi số lượng sinh viên tham gia chương trình này mở rộng hơn thì vấn đề đội ngũ sẽ là thách thức lớn.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng giảng viên cũng có những khó khăn. Do điều kiện kinh phí dành cho CTTT ngày càng thu hẹp so với quy mô phát triển nên phần kinh phí dành cho việc bồi dưỡng giảng viên ở nước ngoài cũng bị thu hẹp. Một số giảng viên đã được cử đi bồi dưỡng theo CNTT nhưng không mặn mà thậm chí tìm các lý do để từ chối khi được mời tham gia giảng dạy cho chương trình.
Cũng nhấn mạnh đến vấn đề này, TS.Đặng Ngọc Đức – Viện Ngân hàng Tài chính (ĐH Kinh tế quốc dân) đưa ra con số chưa tới 50% số giẳng viên đã đi học tập và bồi dưỡng tham gia tích cực vào chương trình. Chri có trên dưới 7 giảng viên có thể đảm nhiệm vai trò chính cho một số môn học và khoảng 5-6 giảng viên khác trợ giảng cho giáo sư nước ngoài. Sự thiếu nhiệt tình này theo TS.Đặng Ngọc Đức là sự lãng phí rất lớn, ảnh hưởng tới khả năng chủ động thực hiện kế hoạch đào tạo và việc khắc phục tình trạng 3 tuần mỗi môn học trở nên bất khả thi.
Hiện trạng trên được cho là do những bất cập về quản lý và từ phía chủ quan của các giảng viên. Những bất cập về quản lý bao gồm từ phương thức và các chế tài quản lý, chế độ tài chính đối với giảng viên và vị thế của chương trình. Về phía giảng viên, do khối lượng giảng dạy của trường quá lớn, đa số các thầy cô đều “quá tải” nên ảnh hưởng đến việc tham gia vào giảng dạy cho chương trình.
Bên cạnh vấn đề đội ngũ, việc các văn bản về quản lý CTTT&CLT đang trong quá trình hoàn thiện cũng gây cho trường những khó khăn trong quá trình xử lý công việc như giải quyết các chế độ liên quan đến sinh viên; hạ tầng CNTT chưa phát triển, các chương trình phần mềm phục vụ giảng dạy còn hạn chế...
Để giải quyết những khó khăn trong triển khai thực hiện CTTT, GS.TS.Phạm Quang Trung đề nghị Bộ GD&ĐT sớm xây dựng và ban hành quy chế và các hình thức phối hợp giữa các trường đã triển khai CTTT để có thể tiết kiệm chi phí mời giảng viên cũng như chi phí đào tạo giảng viên. Đồng thời đề nghị Bộ hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sinh viên của CTTT được học lên trình độ thạc sĩ, đây cũng là cách để thu hút thêm SV tham gia học CTTT cũng như để phát triển chương trình.
Hiếu Nguyễn