Chương trình tiên tiến: Bước đột phá tạo ra sự khác biệt

Chương trình tiên tiến: Bước đột phá tạo ra sự khác biệt

Các giải pháp được tập trung nâng cao chất lượng như tăng cường đào tạo đội ngũ giảng viên (đặc biệt là đào tạo sau đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước); tăng cường các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình và giáo trình; đổi mới công tác quản lý; tăng cường cơ sở vật chất; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học; tăng cường công tác kiểm định chất lượng;… Và một trong những giải pháp quan trọng đó là phát triển các Chương trình Tiên tiến (Advanced Programs).

Mục đích khi triển khai các chương trình tiên tiến là: giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh; đẩy mạnh quá trình đổi mới nội dung, quy trình đào tạo; nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh của giảng viên đại học; thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam; nâng cao chất lượng đào tạo, trang bị cho sinh viên kiến thức hiện đại, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng sử dụng thành thạo các công cụ tin học và ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn, giúp sinh viên phát triển các năng lực phân tích, đánh giá các vấn đề, nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc trong tương lai; từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, phương thức tổ chức đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, có năng lực, được đào tạo trong và ngoài nước, sinh viên nước ngoài… đến giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại Việt Nam. Đến nay, trong khuôn khổ Chương trình Tiên tiến có 35 chuyên ngành đang được triển khai đào tạo tại 23 trường đại học trên cả nước.

Đại học Đà Nẵng là một trong những trường đại học đầu tiên được lựa chọn tham gia dự án và hiện có 2 chuyên ngành đang được triển khai: Hệ thống số (Digital System) thuộc ngành Điện tử Viễn thông và Hệ thống nhúng (Embedded System) thuộc ngành Tự động hóa. Chuyên ngành Hệ thống số được triển khai vào năm học 2006-2007 nhờ sự hỗ trợ của Công ty Boeing (Hoa Kỳ) và đối tác của chương trình là University of Washington (Seattle, Washington, Hoa Kỳ); và chuyên ngành Hệ thống nhúng được triển khai vào năm học 2008-2009 với sự hỗ trợ của Công ty Intel và đối tác là Portland State University (Portland, Oregon, Hoa Kỳ).

Sinh viên học Điện tử Viễn thông theo Chương trình tiên tiến
Sinh viên học Điện tử Viễn thông theo Chương trình tiên tiến

 Các chương trình đào tạo này có các đặc điểm nổi bật như sau:

- Về công tác tuyển sinh đầu vào: tuyển những sinh viên đã trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa – ĐHĐN và các trường đại học trên toàn quốc (khối A). Sau khi trúng tuyển vào Trường ĐH, những sinh viên có nguyện vọng học chương trình tiên tiến phải đăng ký và tham dự kỳ thi tiếng Anh (hình thức thi TOEIC) hoặc miễn thi nếu có điểm TOEFL, IELS tương ứng. Nhà trường sẽ chọn những sinh viên có kết quả cao nhất theo tổng điểm Tiếng Anh (nhân hệ số 3) và điểm thi tuyển sinh (3 môn Toán, Vật lý và Hóa học). Số lượng tuyển sinh tùy thuộc từng năm và thường chọn từ 30-40 sinh viên cho mỗi chuyên ngành. Tổng số sinh viên tính đến cuối năm học 2009-2010 là 235 sinh viên chuyên ngành Hệ thống số và 65 sinh viên chuyên ngành Hệ thống nhúng. Đặc biệt có, 3 sinh viên nước ngoài (Đại học Compiègne, Cộng hòa Pháp) tham gia học một học kỳ (được công nhận điểm số) theo chương trình trao đổi sinh viên giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học Compiègne.

- Về mô hình, chương trình, giáo trình đào tạo: các chương trình đào tạo tiên tiến được nhập khẩu từ các đại học đối tác. Chỉ thay đổi một số môn xã hội học trong chương trình của Mỹ bằng các môn Mác-Lênin theo qui định của Việt Nam. Sinh viên được tiếp cận với công nghệ đào tạo, chương trình và giáo trình hoàn toàn giống như sinh viên Mỹ tại các trường đối tác.

- Về ngôn ngữ: ngôn ngữ sử dụng chính thức là tiếng Anh. Sau khi trúng tuyển vào chương trình, năm học đầu tiên sinh viên sẽ học các học phần Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Quân sự, Thể dục thể thao và bổ túc tiếng Anh tại Viện Anh ngữ (ELI của Đại học Queensland)- do giáo viên người bản xứ giảng dạy và chỉ được tham gia chương trình nếu đạt điểm TOEFL từ 500 trở lên. Ngoài các môn chung như trên, tất cả các môn học còn lại đều được giảng dạy bằng tiếng Anh.

- Về cán bộ giảng dạy: cán bộ giảng dạy cho chương trình tiên tiến là các giáo sư thỉnh giảng có uy tín từ các trường đối tác của Hoa Kỳ và một số giáo sư khác của châu Âu và các giảng viên Việt Nam (mấy khóa đầu tiên giảng viên Việt Nam chỉ dạy các môn Toán, Lý , Hóa). Đối với các giảng viên Việt Nam, hầu hết đều đã tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài và được gửi sang trường đối tác ở Mỹ 3 tháng để nghe giảng, tham vấn với giáo sư Mỹ về môn học mà họ sẽ phụ trách (cả lý thuyết và thực hành). Mỗi năm Đại học Đà Nẵng cử khoảng 4-6 giảng viên/ chuyên ngành sang Mỹ theo diện trao đổi này.

- Về quản lý đào tạo: mỗi chuyên ngành được quản lý bởi một Ban Quản lý dự án do Hiệu trưởng làm Trưởng Ban và thành viên là cán bộ các khoa, phòng/ ban liên quan. Quản lý trực tiếp mỗi chuyên ngành là 2 Điều phối viên (Coordinators, 1 của Hoa Kỳ và 1 của Việt Nam) có nhiệm vụ lên kế hoạch giảng dạy, mời giảng viên, điều hành và giám sát chất lượng theo đúng qui định của đại học đối tác Hoa Kỳ.

- Về cơ sở chật chất: để phục vụ công tác đào tạo cho các chương trình tiên tiến, nhà trường (với sự tư vấn và hỗ trợ kinh phí của Intel) đã đầu tư xây dựng các phòng học, các phòng thí nghiệm, hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị phục vụ giảng dạy,... theo đúng yêu cầu của các đại học đối tác Hoa Kỳ. 

- Về kinh phí: chi phí triển khai một khóa đào tạo cho chương trình tiên tiến tính ra cao gấp 10 lần so với các chương trình đại trà hiện nay. Tuy nhiên, sinh viên thuộc chương trình tiên tiến chỉ đóng học phí bình quân 10 triệu đồng/năm so với 3 triệu đồng/năm so với sinh viên thường.

- Về hỗ trợ của doanh nghiệp: các chương trình tiên tiến đã tạo quan hệ chặt chẽ với các công ty lớn như Boeing, Intel, Siemens, Renesas, Texas Instruments,... Vì vậy, điều kiện thực tập, tiếp cận với các công nghệ mới, nhận được học bổng và cơ hội việc làm thuận lợi hơn so với một số chương trình khác.    

Học theo Chương trình tiên tiến, ngôn ngữ sử dụng chính thức là tiếng Anh
Học theo Chương trình tiên tiến, ngôn ngữ sử dụng chính thức là tiếng Anh

Sau gần 5 năm triển khai đào tạo chương trình tiên tiến, chúng tôi nhận thấy chương trình đã thực sự tạo ra sự khác biệt và chất lượng được nâng cao rõ rệt so với các chương trình đại trà khác. Những thành quả rõ rệt nhất là: góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên (kỹ năng giảng dạy bằng tiếng Anh, phương pháp giảng dạy, quan hệ với các giáo sư nước ngoài, tham gia nghiên cứu khoa học chung...); đổi mới qui trình quản lý hoạt động đào tạo theo mô hình quản lý của các đại học đối tác Hoa Kỳ; đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy; đi tiên phong trong việc đào tạo các chuyên ngành mới; kinh nghiệm hợp tác quốc tế và quan hệ với doanh nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; tạo sức lan tỏa sang các chương trình khác; và đặc biệt là nâng cao uy tín của trường và tạo tiền đề để vươn lên đạt tiêu chuẩn quốc tế trong giáo dục đại học. Sinh viên năng động và có thái độ học tập nghiêm túc, có trách nhiệm cao với các bài tập và tình huống, được các giảng viên nước ngoài đánh giá tốt và sẵn sàng giới thiệu tiến cử sinh viên của mình sang tham gia học tập cùng chương trình. Đặc biệt, nhờ triển khai chương trình tiên tiến một số đại học có uy tín như Texas Tech University, Catholic University of America, City London University,... đã ký kết đào tạo 2+2 với Đại học Bách khoa.   

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn đạt được vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục như: kinh phí (tài trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí tăng cường của nhà trường và học phí đóng góp của sinh viên) vẫn không đủ để trang trải cho chương trình (nhất là khi kết thúc dự án); trang thiết bị thí nghiệm khó có thể bổ sung, nâng cấp thường xuyên như các đại học nước ngoài; khó duy trì việc mời thường xuyên giáo sư nước ngoài tham gia giảng dạy (quá đắt và nhiều khi không mời được giáo sư giỏi vì vấn đề thời gian); và đặc biệt là khó thu hút được sinh viên giỏi nếu thu học phí cao (nhất là khi kết thúc dự án và phải dùng học phí để tự trang trải và sinh viên xuất thân từ khu vực miền Trung).

Tóm lại, việc triển khai các chương trình tiên tiến là một chủ trương đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình đã thu hút nhiều trường đại học lớn tham gia và đã mang lại kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét kéo dài việc hỗ trợ kinh phí (đặc biệt đối với các đại học ở khu vực có thu nhập thấp như miền Trung – Tây Nguyên) và có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút nhiều sinh viên giỏi đến với chương trình.

PGS.TS Trần Văn Nam (Giám đốc ĐH Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ