Chương trình 'Sóng và máy tính cho em' vướng ở đâu?

GD&TĐ - Trong quá trình thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tỉnh Gia Lai và Kon Tum gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Lê Lợi huyện Kông Chro (Gia Lai).
Học sinh Trường Tiểu học - THCS Lê Lợi huyện Kông Chro (Gia Lai).

Hai địa phương này đang tìm mọi giải pháp để khắc phục, khẩn trương phân bổ máy tính đến học sinh.

Trao máy tính trong tháng 12

Để bảo đảm kiến thức cho học sinh khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tháng 3/2022, tỉnh Kon Tum tiếp nhận 35 tỷ đồng để mua 13.861 máy tính bảng cho học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum - cho biết, ngay sau khi tiếp nhận đơn vị đã triển khai, tổng hợp số liệu nhu cầu và tham mưu đề xuất danh mục thiết bị máy tính bảng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đơn vị không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện, sở GD&ĐT đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để lựa chọn nhà thầu của gói: Mua sắm trang thiết bị máy tính bảng cho học sinh thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo quy định.

“Quá trình tổ chức mua sắm máy tính bảng từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” bị kéo dài. Đến nay vẫn chưa hoàn thành do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục. Dự kiến trong tháng 12 sẽ hoàn thành chấm thầu và có máy tính phân bổ về cho học sinh. Sở cũng thành lập tổ triển khai công tác hướng dẫn sử dụng và bàn giao máy tính về trường học”, bà Trung nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum đồng thời cho hay, sau khi thẩm định giá, địa phương không còn vướng mắc, khó khăn gì. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Kon Tum mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục có những chương trình hỗ trợ máy tính bảng và thiết bị phục vụ học tập cho học sinh. Đặc biệt là những em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn không có điều kiện để trang bị.

Bên cạnh chương trình “Sóng và máy tính cho em”, địa phương đã nhận được 500 máy tính bảng với trị giá hơn 2,6 tỷ đồng do UNICEF Việt Nam tài trợ; đã phân bổ cho 10 trường học khó khăn thuộc Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum.

Theo đó, trong thời gian tổ chức dạy học trực tuyến, các trường đã bàn giao cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, khó khăn sử dụng. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các trường tổ chức dạy trực tiếp nên đã xây dựng kế hoạch sử dụng chung. Các lớp mượn để học tập trong giờ Tin học hoặc giờ học có ứng dụng công nghệ thông tin nhằm truy cập học liệu điện tử, thiết bị dạy học số và tham gia các cuộc thi trực tuyến do các cấp tổ chức…

Học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Hà (Kon Tum).

Học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Hà (Kon Tum).

7 lần trình vẫn chưa chốt phương án

Còn tại Gia Lai, Sở GD&ĐT Gia Lai cũng tiếp nhận trên 36,3 tỷ đồng để mua hơn 14.000 máy tính bảng cho học sinh.

Theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai, đơn vị đã có 7 tờ trình gửi Sở Tài chính thẩm định và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị, dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên đến nay, tờ trình vẫn chưa được thông qua do vướng mắc về quy trình, yêu cầu thẩm định giá theo Thông tư 58, như: Hồ sơ, hợp đồng mua bán....

Vừa qua, đại diện Bộ GD&ĐT đã vào làm việc với địa phương và có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, sớm triển khai đưa máy tính về cho học sinh.

“Sở đang yêu cầu các đơn vị thống kê lại số lượng học sinh cần máy tính theo chuẩn nghèo mới. Bên cạnh đó, có trường hợp học sinh đã tốt nghiệp ra trường nên cần rà soát lại. Đầu năm 2023, khi hoàn tất thủ tục sẽ tiến hành mua máy tính để phân bổ cho các trường. Địa phương đang khẩn trương khắc phục vướng mắc và cố gắng hoàn thành sớm nhằm đảm bảo thiết bị phục vụ nhu cầu dạy - học”, ông Định cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ