Nhà trường, học sinh Gia Lai trông chờ 'Sóng và máy tính cho em'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với trên 14.000 học sinh nghèo thiếu thiết bị học trực tuyến, Gia Lai đã tiếp nhận trên 36,3 tỷ đồng từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Học sinh Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) mong sớm được hỗ trợ máy tính bảng.
Học sinh Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) mong sớm được hỗ trợ máy tính bảng.

Tuy nhiên, đến nay, thiết bị chưa đến tay học sinh do các đơn vị liên quan không tìm được “tiếng nói chung” trong quá trình thực hiện.

Mong sớm có thiết bị

Sau khi chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã rà soát và thống kê có trên 14.000 học sinh nghèo thiếu thiết bị học trực tuyến. Đến nay, dịch Covid-19 được kiểm soát và các địa phương bước vào năm học 2022 - 2023 trong giai đoạn bình thường mới, dù vậy, nhiều trường vẫn mong thiết bị từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” sớm đến tay học sinh khó khăn.

Thầy Võ Trí Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Quang Trung (xã Ia Broái, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết, tất cả học sinh của trường đều là người dân tộc thiểu số Jrai. Hoàn cảnh khó khăn nên 496 em cần máy tính bảng phục vụ nhu cầu học tập.

Theo thầy Hoàn, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường phải in tài liệu và phát cho học sinh. Sau khi hay tin các em khó khăn, thiếu thiết bị sẽ được hỗ trợ từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhà trường và học sinh rất vui mừng. Tuy nhiên, đến nay thiết bị vẫn chưa về trường nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc dạy học. Do đó, nhà trường rất mong máy tính, thiết bị hỗ trợ nhu cầu học tập cho học sinh có sớm, tạo thuận lợi trong quá trình tiếp thu, trau dồi kiến thức.

“Khi hay tin được hỗ trợ máy tính phục vụ cho việc học tập, em rất vui và hạnh phúc. Em mong sớm nhận được thiết bị để việc học được thuận lợi hơn”, em Phúc An bộc bạch.

Em Vũ Hồng Phúc An (lớp 8C, Trường THCS Hùng Vương, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. 4 chị em Phúc An đều đang đi học nên cha mẹ khá khó khăn và vất vả.

Tháo gỡ vướng mắc

Liên quan đến chương trình “Sóng và máy tính cho em” ông Phạm Đức Huệ, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, đơn vị đã làm 5 tờ trình gửi Sở Tài chính thẩm định và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị, dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Từ đó, triển khai chương trình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhưng đến nay tờ trình vẫn chưa được thông qua.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh Gia Lai gặp nhiều khó khăn trong quá trình học trực tuyến vì thiếu thiết bị.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh Gia Lai gặp nhiều khó khăn trong quá trình học trực tuyến vì thiếu thiết bị.

Theo ông Huệ, sau khi xem xét hồ sơ, Sở Tài chính cho rằng, chứng thư thẩm định giá không đảm bảo, yêu cầu phải cung cấp hồ sơ về các hợp đồng mua, bán tương tự. Đồng thời, hóa đơn mua bán thiết bị hàng hóa chứng minh máy tính bảng với giá thẩm định 2,5 triệu đồng/máy.

Nhưng theo ông Huệ, yêu cầu này không thể thực hiện được vì là dự án lớn và không phổ biến trên thị trường. Do đó, đơn vị thẩm định có thể căn cứ cấu hình và báo giá của doanh nghiệp để làm chứng thư.

Về vấn đề máy tính chậm được hỗ trợ cho học sinh, theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai, tháng 3, đơn vị đã tiếp nhận trên 36,3 tỷ đồng để mua hơn 14.000 máy tính bảng cho học sinh.

Sở đã có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai, Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) để được hướng dẫn thực hiện. Cụ thể, đơn vị đề nghị UBND tỉnh cho phép đổi chủng loại máy tính bảng với cấu hình 10 inch, có giá trên 3 triệu đồng/máy. Việc thay đổi chủng loại máy tính bảng sẽ giảm số lượng thiết bị hỗ trợ cho học sinh. Do đó, đơn vị đang chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục rà soát lại số lượng học sinh khó khăn, thiếu thiết bị học tập.

“Sở GD&ĐT đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, mua sắm thiết bị thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Dự kiến giữa tháng 11 sẽ có máy tính bảng hỗ trợ cho học sinh khó khăn”, ông Định nói.

Nhằm bảo đảm nhu cầu dạy – học trong điều kiện dịch bệnh, sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Phòng GD&ĐT TP Pleiku (Gia Lai) đã vận động kinh phí được khoảng 5 tỷ đồng. Với số tiền này đơn vị đã hỗ trợ cho 2.200 học sinh mua máy tính, gồm 2 triệu tiền mặt và ba tháng dữ liệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ