Cũng liên quan đến vấn đề đổi mới GD, một số cử tri kiến nghị Bộ khi viết sách lịch sử cần ngắn gọn, dễ hiểu để dễ tiếp thu, dễ nhớ.
Bộ GD&ĐT trả lời như sau:
Về vấn đề thứ nhất: Đề nghị đưa lịch sử về biển đảo quê hương vào chương trình GD, theo Bộ GD&ĐT, nội dung GD về biển đảo đã được đề cập ở nhiều bài học trong SGK hiện hành của một số môn học cấp THCS và THPT, đặc biệt là các môn khoa học xã hội. Đơn cử như ở môn Địa lí và Lịch sử có thể thống kê các bài học có nội dung về biển đảo như sau:
Trong môn Địa lí, SGK Địa lí 8 có các bài học sau: Bài 23. Vị trí địa lí, hình dạng lãnh thổ; Bài 24. Vùng biển Việt Nam; Bài đọc thêm: Vùng biển chủ quyền của nước Việt Nam; Bài 43. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ: Khẳng định phần lãnh thổ của vùng có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. SGK Địa lí 9 có các bài 38, 39, 40 liên tục GD kiến thức biển đảo, phát triển kinh tế biển đảo, bảo vệ môi trường biển đảo. SGK Địa lí 12 có các bài sau: Bài 2. Vị trí, phạm vi lãnh thổ Việt Nam, với các nội dung về biển đảo như: Vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo và quần đảo...; Bài 8. Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển...
Trong môn Lịch sử, SGK Lịch sử 7 có các bài học sau: Bài 20. Nước Đại Việt thời Lê sơ (1428 - 1527), lược đồ hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ đã khẳng định chủ quyền biển đảo nước ta ở biển Đông. Trong SGK Lịch sử 9, ở Bài 27, lược đồ hình thái chiến trường trên các mặt trận Đông Xuân 1953 - 1954 đã thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam; ở Bài 30. Hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1973 - 1975), lược đồ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã một lần nữa khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam, và cũng thể hiện rõ quân ta giải phóng quần đảo Trường Sa từ tay quân đội Sài Gòn. Lịch sử 10: ở Bài 25, lược đồ các đơn vị hành chính Việt Nam thời Minh Mạng đã khẳng định chủ quyền nước ta ở biển Đông và chủ quyền nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam...
Trong nội dung lịch sử địa phương: Hầu hết các tỉnh/thành phố ven biển (28 tỉnh) đã biên soạn được nội dung GD về vị trí địa lý, lịch sử, phát triển kinh tế và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Nội dung GD đề cập đến quá trình hình thành và phát triển của tỉnh/thành phố, lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, hải đảo, các địa phương đã được tiến hành tập huấn và giảng dạy những tài liệu này trong các cấp học.
Bên cạnh đó, ngoài nội dung học tập chính khóa như đã nêu trên, các cơ sở GD còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để GD chủ quyền biển đảo, GD lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương như ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Về vấn đề thứ hai: Đề nghị viết sách lịch sử cần ngắn gọn, dễ hiểu để HS dễ tiếp thu, dễ nhớ. Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, SGK GDPT, Bộ GD&ĐT đang tích cực chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, SGK Lịch sử. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề bàn sâu về đổi mới chương trình, SGK trong đó có chương trình, SGK Lịch sử.
Bộ GD&ĐT xác định đổi mới chương trình, biên soạn SGK Lịch sử ở trường phổ thông theo các định hướng cơ bản: Phát triển phẩm chất, năng lực người học; tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp của HS; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; gắn nội dung bài học lịch sử với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Về cơ bản, các định hướng này nhằm có một bộ SGK Lịch sử thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu để HS dễ tiếp thu, dễ nhớ.
(Còn nữa)