'Chuồng cọp' ở các chung cư cũ tạo an toàn hay đóng lối thoát?

GD&TĐ - Vụ cháy căn nhà trên phố Thành Công (quận Hà Đông, Hà Nội) khiến 4 bà cháu thiệt mạng tiếp tục cảnh báo về hiểm họa đến từ những "chuồng cọp".

Chuồng cọp quây kín căn nhà xảy ra hỏa hoạn tại quận Hà Đông vào ngày 13/5.
Chuồng cọp quây kín căn nhà xảy ra hỏa hoạn tại quận Hà Đông vào ngày 13/5.

“Chuồng cọp” chặn lối thoát

Với tâm lý rào cho chắc, buộc cho chặt nhằm chống trộm cắp, bảo đảm an ninh, người dân đã vô tình đánh mất đi lối thoát nạn của gia đình nếu sự cố cháy nổ xảy ra.

Vụ cháy tại ngôi nhà trên phố Thành Công, quận Hà Đông (Hà Nội) xảy ra hôm 13/5 khiến 4 bà cháu tử vong thương tâm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về lối thoát hiểm trong các công trình nhà ở dân cư.

Theo cơ quan chức năng, ngôi nhà xảy ra cháy gồm 3 tầng và một tum. Phía trước căn nhà từ tầng 1 - 3 được quây kín bởi lồng sắt, hay còn gọi là “chuồng cọp”.

Một số người dân cho biết khi phát hiện hỏa hoạn, có người mắc kẹt bên trong, nhưng lửa cháy lớn ở tầng một, phía trước ngôi nhà được quây kín khung sắt nên không thể tiếp cận, giải cứu nạn nhân. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra cháy tại những ngôi nhà có lồng sắt quây kín, gây khó khăn cho công tác cứu hỏa, cứu nạn.

Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan việc không có lối thoát hiểm do “chuồng cọp” kiên cố, gây hậu quả đáng tiếc.

Chẳng hạn như vụ hỏa hoạn tại Khu tập thể B9 Kim Liên (Đống Đa, TP Hà Nội) làm 5 người thiệt mạng, 2 người bị thương xảy ra rạng sáng ngày 21/4/2022; vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, TP Hà Nội làm 4 người tử vong ngày 4/4/2021…

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, hiện nay nhiều ban công ở các khu tập thể cũ tại Hà Nội như Khu tập thể Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Giảng Võ (quận Ba Đình), Kim Liên (quận Đống Đa), Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân)... được làm khá kiên cố, chắc chắn.

Ở ban công những căn hộ này được bịt kín bằng những chiếc lồng sắt chồng chéo hay còn gọi là “chuồng cọp”.

Bà Nguyễn Huệ Mai (một người dân sinh sống ở Khu tập thể Kim Liên) cho biết, căn hộ của bà rộng 40m2, vì sợ trộm cắp nên gia đình đã hàn khung sắt phía bên ngoài ban công rất kiên cố.

“Gia đình tôi dựng “chuồng cọp” để đảm bảo an ninh. Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều làm như vậy. Qua mấy vụ việc gần đây thiệt hại người, tài sản, tôi cũng biết là tiềm ẩn nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ nhưng nếu không làm kiên cố cũng lo nhỡ mất mát tài sản”, bà Mai chia sẻ.

“Trước đây, khi hàn chuồng cọp, tôi cũng để cửa thoát hiểm. Nhưng sau đấy, kẻ trộm lẻn qua lối cửa này đột nhập vào lấy tài sản. Biết là mất an toàn, nhưng vì để chống trộm nên đành phải hàn bịt kín lại”, ông Lã Văn Vinh (sống tại Tập thể Nghĩa Đô, Cầu Giấy) cho hay.

Theo ông Vinh, việc cơi nới để có thêm diện tích nhà ở tại chung cư cũ ở Hà Nội gần như thành việc hiển nhiên. Muốn có thêm diện tích sinh họat, không ít người sẵn sàng tìm đủ mọi cách, thậm chí chấp nhận làm rồi nộp phạt để được tồn tại.

Không vì phòng trộm mà tự bịt đường sống

Hiện nay, người dân Hà Nội đã khá quen với hình ảnh những chiếc chuồng cọp cơi nới không gian sinh họat của các hộ dân trong khu tập thể cũ.

Việc làm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu vì phải mở rộng không gian diện tích sinh hoạt ở những căn hộ vốn đã quá chật hẹp, sau đó phải hàn những rào sắt kiên cố để làm nơi phơi quần áo, nhà bếp, thậm chí nhà vệ sinh... tại các phần diện tích cơi nới thêm.

Thực tế này càng làm nghiêm trọng thêm tình trạng chật chội, chồng chéo không lối thoát ở các khu tập thể cũ. Nếu xảy ra hỏa hoạn, người dân khó có thể thoát ra.

Lực lượng chức năng cũng mất “thời gian vàng” để triển khai công tác cứu hộ, vì các lối thoát như ban công, cửa sổ... đều bị bịt kín bởi những song sắt kiên cố, tốn nhiều thời gian phá dỡ.

Nhiều người dân sinh sống tại các khu tập thể cũ nhận thức được vấn đề an toàn tính mạng bị đe dọa khi có sự cố xảy ra. Sống trong những “chuồng cọp” bịt lối thoát thân thực tế là nỗi ám ảnh, nỗi lo thường trực của người dân.

Mặc dù vậy những người dân vẫn cố thủ với “chuồng cọp”. Đây là nghịch lý trong nhận thức về sự an toàn tính mạng của chính người dân sống trong căn hộ có “chuồng cọp” bịt khả năng thoát hiểm với việc lo bảo vệ tài sản của chính gia đình họ.

Các cấp chính quyền cơ sở dù thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra an toàn công tác phòng cháy, chữa cháy, nhưng để thay đổi được ý thức của người dân, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp hoặc đẩy mạnh các dự án cải tạo chung cư cũ theo hướng đảm bảo ổn định chỗ ở cho người dân mới tạo được sự đồng thuận.

Liên quan vấn đề này, các chuyên gia PCCC khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được bịt kín hoàn toàn ngôi nhà của mình mà nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng.

Trong trường hợp lắp “chuồng cọp” thì gia chủ phải thiết kế ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở.

Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống qua ô cửa.

Với những nhà xây mới, người dân nên bố trí lối thoát nạn đủ kích thước. Các nhà dân liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo ra lối thoát hiểm ở ban công, từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp.

Người dân không được chủ quan và cần có ý thức tự trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ; tạo lối thoát hiểm cho căn nhà, không vì phòng trộm mà tự bịt đường sống của chính mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.