Hà Nội: "Chuồng cọp" - hàng rào vô hình bịt đường sống

GD&TĐ - Cùng với mở lối thoát thứ 2 tại “chuồng cọp” chung cư cũ, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy... để chặn “bà hỏa” ghé thăm.

Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH xử lý đám cháy sáng 17/6 tại khu tập thể cơ khí Hà Nội.
Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH xử lý đám cháy sáng 17/6 tại khu tập thể cơ khí Hà Nội.

Liên tục cháy nổ

Chỉ trong buổi sáng 17/6, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2 vụ cháy nổ xảy ra. Các vụ cháy được lực lượng chức năng kịp thời dập tắt, không gây hậu quả về người nhưng tiếp tục gióng hồi chuông về “mở đường sống” khi hỏa hoạn xảy ra.

Cụ thể, khoảng 8 giờ 20 phút sáng 17/6 đám cháy xảy ra tại nhà A4 tập thể cơ khí Hà Nội, ngõ 129 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Công an thành phố Hà Nội đã điều 3 xe cứu hỏa tới hiện trường chủ động phương án phòng cháy chữa cháy.

Đến khoảng 11 giờ 22 phút cùng ngày (1/6), Công an thành phố Hà Nội tiếp tục nhận tin báo cháy tại Khách sạn Shining Central, 20 Lò Sũ, phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm). Công an thành phố đã điều động 7 xe chỉ huy, chữa cháy của Công an các quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình) tới hiện trường.

Trong quá trình cứu hỏa, nhận thấy nhiều khách du lịch người nước ngoài còn kẹt lại các tầng trong khách sạn do hệ thống thang máy tạm ngừng hoạt động, lực lượng chức năng đã dùng xe thang đưa nhiều người xuống khu vực an toàn.

Sau 20 phút nỗ lực dập lửa, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Vị trí cháy xác định khu vực bếp nhà hàng có diện tích hơn 10m2 và không gây thiệt hại về người.

Trước đó (đêm 21/4), vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 116 B9 Kim Liên (ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa). Mặc dù cháy không lớn được lực lượng chức năng khống chế, dập tắt trong vòng 13 phút kể từ khi tiếp nhận thông tin nhưng đã để lại hậu quả nặng nề, khiến 5 người trong một gia đình tử vong.

Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an TP Hà Nội), ngôi nhà có 2 tầng, 1 tum, có thiết kế dạng ống, diện tích nhỏ hẹp, không có đường thoát nhiệt.

Do đó, đám cháy xuất phát từ tầng 1 đã làm nhiệt độ trong nhà tăng cao, khói đặc kín khiến những người mắc kẹt ở tầng 2 không thoát nạn kịp. Vụ cháy thêm một lần nữa là hồi chuông báo động về nguy cơ cháy, nổ tại các chung cư, khu tập thể cũ.

Mở “đường sống” khi hỏa hoạn

Ghi nhận của PV Báo GD&TĐ, tại các khu chung cư, tập thể cũ hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội như khu tập thể Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Kim Liên, Thanh Xuân, nhiều ngôi nhà có kiến trúc hạ tầng bị xuống cấp do sử dụng nhiều năm trước, không được thiết kế và xây lắp các thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Tại các căn hộ ở các khu tập thể trên, người dân đua nhau sửa chữa, cơi nới, xây dựng lồng sắt kiên cố, không đảm bảo về thông số kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy. Do đó, khi hỏa hoạn xảy ra, các lối thoát hiểm bị bịt kín, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, đa số khu tập thể, chung cư cũ lại tập trung trong các con ngõ nhỏ chỉ rộng từ 1,5 - 3m, không đủ để xe cứu hỏa vào chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Cùng với đó, nhiều khu nhà cũ do không có nơi để xe, nên việc trông giữ xe máy chỉ tự phát từ người dân ở tầng 1. Trong khi đó, phương tiện phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, không đủ điều kiện nên khi xảy ra sự cố cháy là đe dọa đến tính mạng người dân.

Số liệu của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố có 2.483 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ.

Nhằm khắc phục các hạn chế, trong thời gian qua nhiều quận, huyện, cơ sở đã bố trí kinh phí, trang bị phương tiện báo cháy, chữa cháy... Đơn cử, tại quận Hà Đông, lực lượng Công an quận tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà tập thể tự tháo dỡ lồng sắt “chuồng cọp”.

Cụ thể, mở lối thoát nạn thứ 2, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên cổng thông tin điện tử và mạng xã hội. Kết quả đã tuyên truyền vận động được 93% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã được kiểm tra rà soát chưa có lối thoát nạn thứ 2 mở lối thoát nạn thứ 2.

Còn tại quận Ba Đình, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận - cho biết, đơn vị có thông báo về việc tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn bảo đảm an toàn đối với lối ra thoát nạn của nhà.

Đồng thời, có phương án bố trí lối ra khẩn cấp (lối ra thứ 2) của nhà qua lô gia, ban công, cửa sổ, lối ra mái. Ngay sau đó, gần 50 hộ gia đình có gia cố thêm chuồng cọp tại 4 khu chung cư, khu tập thể cũ trên địa bàn, chưa thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2, lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chủ động mở lối thoát nạn.

Bên cạnh đó, bộ phận Địa chính - Đô thị - Môi trường cũng xây dựng các phương án để mở lối thoát nạn thứ hai đối với những hộ không chấp hành các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

“Rình rập” cháy nổ khu chợ, thương mại

Còn tại huyện Gia Lâm, trước đó (ngày 1/5), vụ cháy xảy ra tại một xưởng sản xuất gỗ dán của Công ty TNHH Hải Nam (thôn Yên Viên, xã Yên Viên) đã thiêu rụi 800m2 xưởng gỗ của công ty này.

Gia Lâm cũng là địa phương có nhiều chợ, trung tâm thương mại lớn còn không ít bất cập, nguy cơ cháy và các điều kiện dẫn đến cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng luôn tiềm ẩn.

Khảo sát của PV Báo GD&TĐ, tại chợ Yên Thường (xã Yên Thường) - nơi có hơn 180 hộ kinh doanh lớn nhỏ, cùng lưu lượng người qua lại chợ lên tới vài trăm lượt/ngày, có thể nhận thấy, còn không ít những nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy tại đây.

Tuy nhiên, khi cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Gia Lâm kiểm tra thì hệ thống báo cháy còn có nhiều vị trí không đảm bảo khả năng báo cháy. Bên cạnh đó, phương tiện chữa cháy của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở chưa được trang bị đầy đủ…

Để khắc phục những tồn tại này, Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an huyện Gia Lâm) - cho rằng, đơn vị sẽ tham mưu cho các cơ quan chức năng, chỉ đạo khắc phục dứt điểm tồn tại, thiếu sót.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với chợ, trung tâm thương mại. Công an huyện Gia Lâm sẽ xử lý nghiêm trường hợp không khắc phục những bất cập mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra.

“Công an huyện Gia Lâm sẽ thành lập và duy trì hoạt động của các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy. Cùng với đó, xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ định kỳ hằng năm…”, Thiếu tá Mạnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ