Mẹ giải thích rằng vì giống chuối này nhanh cho quả nên mới có cái tên “quê” như thế. Ví như, chuối tây phải mất 2 năm thì chuối mắn chỉ chừng quá một năm là trổ buồng.
Rút ngắn thời gian đến 6 tháng như thế có lợi cho người trồng nhiều lắm chứ, nhất là với nhà ai còn nghèo khó, chỉ trông chờ vào cây trái vườn nhà mới ương ương là hái mang chợ bán vừa để có bữa ăn tươi vừa có khoản dành dụm mua tấm áo, quyển sách đón năm học mới.
Thêm nữa, giống chuối này không cao lênh khênh nên hễ gặp giông gió ít bị đổ. Và thân của nó cũng mềm nên dễ thái làm thức ăn cho lợn, gà, bò... được tăng gia và là nguồn thu chính. Nghe thế, nó cãi rằng, đâu phải thời bao cấp mà mẹ nói chuyện đó. Mẹ cười xòa, ừ nhỉ thời đó xa rồi nhưng vẫn nhớ như in như thế...
Thủ thỉ thế rồi mẹ cắt rời từng quả chín bé nhỏ ở mỗi nải đang xòe ra, trông giống như bàn tay vậy. Thực là, từ vỏ đến ruột mỗi quả đều ruộm màu vàng, mời gọi. Có lẽ, với người lớn chỉ một miếng là vừa hết còn với con trẻ thì có thể cắn đôi.
Chắc chắn, sẽ có người bật cười cho là khoác lác khi nghe ai đó khoe vừa ăn… cả nải chuối mắn. Nhưng đó là sự thực vì sự nhỏ bé khiêm tốn nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn vì màu sắc nổi bật cùng hương vị khá dễ thưởng thức của chúng!
Đó là vị ngọt nhưng không quá gắt vì được bổ sung thêm chút chua thanh thanh. Có lẽ, đây cũng là sự khác biệt của loại quả này so với dòng họ chuối. Cũng có người chỉ ưa ngọt đậm như chuối tây hay chuối tiêu thì sẽ cảm thấy vị đó hơi… lạ lùng. Dẫu vậy, mẹ vẫn tin chắc rằng mùa Hè mà được thưởng thức quả chuối mắn sẽ nhận được cảm giác mát dịu, ngọt ngào hơn!