Chúng tôi tôn trọng quyền tự chủ của nhà trường

GD&TĐ - Sự “lệch pha” giữa Trường ĐH Tôn Đức Thắng với cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Xung quanh câu chuyện này, ngày 11/6 ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam đã có những chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Khuôn viên ĐH Tôn Đức Thắng
Khuôn viên ĐH Tôn Đức Thắng

- Có ý kiến cho rằng, TLĐLĐ Việt Nam đã can thiệp quá sâu về vấn đề tự chủ của nhà trường. Điều đó đúng hay không, thưa ông?

- Trước hết phải khẳng định rằng, nếu Tổng Liên đoàn (TLĐ) không tạo điều kiện, không tôn trọng quyền tự chủ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì trường không có được kết quả như ngày hôm nay.

Nếu một ai nói rằng, TLĐ không tôn trọng quyền tự chủ thì tôi khẳng định đấy là hoàn toàn sai sự thật. Bởi vì trường có được như ngày hôm nay đó là do TLĐ đã lãnh đạo, chỉ đạo rất khoa học, bài bản. Đặc biệt trong đó tôn trọng quyền tự chủ của trường theo quy định của pháp luật…

Tuy nhiên, tự chủ kèm theo hai điều kiện rất quan trọng là: Trách nhiệm giải trình và theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm giải trình là giải trình với cơ quan cấp trên, với xã hội, với phụ huynh và với người học. Còn tuân theo quy định của pháp luật thì không chỉ trường công lập, kể cả trường tư thục cũng phải tuân thủ; trong đó có Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Pháp luật ở đây, ngoài Luật GDĐH thì chưa đủ mà còn dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các vấn đề nhân sự, những định hướng lớn phải thực hiện theo quy định của Đảng. Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, đấy là điều bất di bất dịch trong hệ thống chính trị của chúng ta. Do vậy, chúng ta tôn trọng những gì thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường nhưng phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. TLĐ hoàn toàn không có bất kỳ một văn bản nào can thiệp vào hoạt động của nhà trường, chưa làm thay... đối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

- Còn về tài sản, đất đai, tài chính của nhà trường thì sao?

- Tài sản của Trường ĐH Tôn Đức Thắng có được như ngày hôm nay đó là tài sản ban đầu, là nỗ lực đóng góp của các thế hệ cán bộ và đoàn viên cả nước. Tài sản này được xác định là tài sản của Nhà nước nhưng Nhà nước giao cho TLĐ là chủ sở hữu. Những tài sản này được hình thành từ rất nhiều nguồn, gồm: Tổng Liên đoàn cấp, cho vay, giao quản lý sử dụng và TLĐ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp cho nhà trường. Tôi vẫn khẳng định, đây là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng giao cho TLĐ là quản lý.

- Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, họ đã nhận văn bản của TLĐ Lao động Việt Nam chỉ đạo phải trích nộp cơ quan quản lý tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế. Ông giải thích việc này như thế nào ?

- Năm 2017, các đoàn kiểm tra của TLĐ khi kiểm tra về tài chính, tài sản của nhà trường có trích dẫn một quy định của TLĐ về việc đơn vị phải trích nộp 30% nghĩa vụ như các đơn vị công lập khác. Sau đấy nhà trường có phản ứng, đoàn kiểm tra tiếp tục khẳng định lại là phải nộp.

Sau này, một số văn bản góp ý quy chế của nhà trường, Ban Tài chính của TLĐ tiếp tục kiến nghị việc này. Tuy nhiên, Thường trực Đoàn Chủ tịch TLĐ khẳng định, nhà trường được hưởng các quy định của một đơn vị đang thí điểm tự chủ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Do vậy Thường trực TLĐ quyết định không thu của nhà trường. Cho đến thời điểm này, hoàn toàn chưa thu một khoản nào của nhà trường và không có một văn bản cụ thể nào yêu cầu nhà trường phải nộp số tiền là bao nhiêu.

- Dư luận đặt câu hỏi, tại sao thời điểm này khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH sắp có hiệu lực (1/7), TLĐ lại có chỉ đạo như vậy?

- Hoàn toàn không có chuyện thời điểm này TLĐ mới chỉ đạo quyết liệt. Nhưng vấn đề ở đây là, sau khi chúng tôi có văn bản 655 về việc thực hiện các yêu cầu thì nhà trường đã có văn bản phản ứng, ghi rõ luôn là không chấp hành. Thậm chí còn nói rằng, văn bản của TLĐ là “phản động”. Đấy là điều mà chúng tôi cho rằng không thể chấp nhận được. Bởi vì nếu nhà trường thấy không đồng tình một vấn đề gì hoàn toàn có thể gặp gỡ để cùng trao đổi hoặc đề nghị với cơ quan cấp trên như Bộ GD&ĐT là cơ quan trung gian có thể giải quyết việc đúng sai.

- Nếu trường không thực hiện các chỉ đạo của TLĐ thì câu chuyện tiếp theo sẽ là như thế nào?

- Tôi hi vọng trường sẽ không làm như vậy. Bởi TLĐ là một cơ quan chủ quản nhưng chúng ta có một hệ thống pháp luật của Nhà nước, các quy định của Đảng để xử lý bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào ở Việt Nam có hành vi vi phạm.

- Khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hiệu lực, sẽ tiến tới giảm dần vai trò của cơ quan chủ quản. Vậy TLĐ sẽ quản lý nhà trường như thế nào?

- Tôi đã nói rõ, bản chất là trong mấy năm vừa rồi, đây là trường thí điểm tự chủ. TLĐ tuyệt đối không can thiệp vào những công việc thuộc trách nhiệm của Hội đồng trường và của Ban giám hiệu. Nhưng TLĐ vẫn phải làm những việc thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cho nên khi chuyển sang mô hình mới, TLĐ hoàn toàn không bỡ ngỡ trong lãnh đạo, chỉ đạo nhà trường. Trong những năm qua, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng quyền tự chủ của nhà trường.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ