"Chúng tôi đang chạy đua từng ngày để Việt Nam tự chủ vaccine công nghệ mới"

GD&TĐ - Bà Lê Ngọc Chi, Tổng Giám đốc VinBioCare chia sẻ về kế hoạch sản xuất vaccine VBC-COV19-154 phòng COVID-19 "Made in Vietnam" đang được cộng đồng quan tâm.

Bà Lê Ngọc Chi, Tổng Giám đốc VinBioCare.
Bà Lê Ngọc Chi, Tổng Giám đốc VinBioCare.

"Thay vì vận chuyển thiết bị bằng đường biển có thể tốn hàng tháng, chúng tôi sẽ thuê riêng chuyên cơ để rút ngắn tối đa thời gian tập kết máy móc về Việt Nam. Mục tiêu lúc này là khẩn cấp tập trung mọi nguồn lực, giúp Việt Nam tự chủ nguồn cung vaccine theo công nghệ mới, có thể phòng chống được nhiều loại biến chủng với chi phí hợp lý", bà Lê Ngọc Chi chia sẻ.

Công nghệ mới nâng hiệu quả gấp 30 lần

- Vingroup vừa công bố việc thông qua công ty thành viên là VinBioCare ký hợp đồng với Arcturus của Mỹ để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng chống COVID-19. Đối tác này là ai, thưa bà?

Đối tác của chúng tôi là Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus (Arcturus Therapeutics Holdings, Inc.), Hoa Kỳ.

Công ty này nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học với phương pháp điều trị các bệnh hiểm nghèo và truyền nhiễm dựa trên công nghệ mRNA.

Đây là công nghệ tiên tiến đang được sử dụng với một số loại vaccine phòng COVID-19 trên thế giới. Với sản phẩm này của Arcturus, vaccine của chúng ta sẽ tiến bước quan trọng so với hiện tại bằng công nghệ thế hệ mới.

- Cụ thể, điểm ưu việt so với các loại vaccine đang có trên thị trường là gì, thưa bà?

Acturus nghiên cứu, phát triển vaccine theo công nghệ saRNA (self-amplifying mRNA), cho phép các phân tử RNA tự nhân bản và tổng hợp protein kháng nguyên. "Đội quân" protein kháng nguyên được tạo ra sẽ nhiều gấp 30 lần so với công nghệ mRNA thông thường, đồng nghĩa có thể sử dụng với liều thấp nhưng tạo kích thích miễn dịch kéo dài.

Ngoài ra, vaccine ứng dụng Công nghệ LUNAR (Lipid-enabled and Unlocked Nucleomonomer Agent modified RNA) là hệ thống vận chuyển qua trung gian lipid để bao bọc các loại nucleic acid và đưa vào tế bào an toàn. LUNAR nano lipids nhạy cảm với pH và sẽ tự động phân huỷ sau khi xâm nhập vào tế bào, vì vậy không gây nên tình trạng tích luỹ lipid trong cơ thể người, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Đặc biệt, nghiên cứu thử nghiệm cho thấy vaccine này có khả năng chống lại các biến chủng nguy hiểm hiện tại như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil).

- Công nghệ mới liệu có đi kèm với điều kiện sử dụng khắt khe hơn không, thưa bà, bởi hiện tại, nhiều vaccine đang yêu cầu bảo quản, vận chuyển bằng kho "siêu lạnh", vốn đã không dễ đáp ứng?

Đây cũng chính là một trong những điểm ưu việt của thế hệ vaccine sẽ sản xuất tại Việt Nam.

Công nghệ đông khô sử dụng trong quá trình sản xuất sẽ giúp sản phẩm có thể vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ cao hơn nhiều so với đa phần các loại vaccine hiện nay (một số loại vaccine hiện hành đều đang phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm sâu từ -80°C đến -70°C).

Nhờ vậy chúng ta sẽ tối ưu chi phí vận chuyển và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là tại những khu vực có điều kiện khó khăn.

- Công nghệ trên thực tế đã thành hình chưa và nếu có, sản phẩm khi nào có thể sử dụng tại Việt Nam?

Có một tin rất vui mà tôi muốn chia sẻ là Bộ Y tế đã phê duyệt đề cương thử nghiệm lâm sàng của vaccine này (sản phẩm dùng cho thử nghiệm được sản xuất tại Đức do nhà máy của chúng tôi đang được gấp rút triển khai lắp đặt).

Hiện tại, với sự hỗ trợ, hướng dẫn sát sao của Bộ Y tế, chúng tôi đang bắt đầu triển khai thử nghiệm lâm sàng trên 21.000 người. Sau khi có kết quả đạt yêu cầu (dự kiến hoàn thành tháng 12/2021), chúng tôi sẽ trình hồ sơ đăng ký xin Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện cho vaccine này tại Việt Nam.

"Bao" chuyên cơ để có vaccine sớm nhất

- Về kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất, hiện tại, mọi thứ đang được triển khai ra sao, thưa bà?

Nhà máy sẽ đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội); được xây dựng theo tiêu chuẩn GMP với công suất 200 triệu liều/năm.

Chúng tôi sẽ gấp rút triển khai thi công với sự tư vấn của Rieckermann (Đức) – một trong những đơn vị tư vấn lớn và uy tín nhất thế giới trong cung cấp giải pháp lĩnh vực dược.

- Sản xuất các sản phẩm y sinh đòi hỏi thiết bị vô cùng phức tạp và cần nhiều thời gian. Người dân sẽ phải đợi chờ rất lâu trong khi tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, thưa bà?

Chúng tôi hiểu tình hình và thực tế, cả bộ máy đang chạy đua từng ngày từng giờ. Theo dự kiến ban đầu của đối tác, sớm nhất là tháng 6/2023, lô đầu tiên ở quy mô thương mại mới được xuất xưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến đại dịch COVID-19 càng ngày càng phức tạp chúng tôi và đối tác đã trăn trở đánh giá xem xét kỹ từng bước, tìm những giải pháp tốt nhất để rút ngắn thời gian hoàn thành dự án nhanh nhất có thể.

Ví dụ thay vì vận chuyển thiết bị bằng đường thủy như các giao dịch thông thường, chúng tôi quyết định thuê trọn gói chuyên cơ để đưa dây chuyền sản xuất vể Việt Nam nhanh nhất.

Cùng với nhiều giải pháp khác, dự kiến, lô vaccine thương mại đầu tiên có thể ra đời vào tháng 3/2022, sớm hơn 18 tháng so với kế hoạch ban đầu mà đối tác dự kiến và vẫn bảo đảm tuân thủ chất lượng theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất và đúng các quy định của Bộ Y tế Việt Nam

Cách làm này tốn thêm nhiều nguồn lực, tuy nhiên thời điểm hiện tại, không điều gì quan trọng hơn mục tiêu phục vụ và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, sớm có vaccine cho người dân.

- Nguồn cung vaccine trên thế giới đã bớt khan hiếm nhưng Vingroup vẫn đầu tư nhà máy công suất 200 triệu liều/năm. Phải chăng Vingroup đã nhìn ra tiềm năng siêu lợi nhuận từ loại vaccine này?

Mục tiêu cốt lõi của việc thành lập VinBioCare là góp phần đồng hành cùng Chính phủ để tự chủ nguồn vắc xin cho người dân Việt Nam. Do đó, chúng tôi đảm bảo cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho người dân với giá phi lợi nhuận, chỉ gồm chi phí sản xuất.

Thứ hai là, tuy nguồn vaccine về Việt Nam đã nhiều hơn nhưng việc tự chủ sản xuất sẽ có giá tốt hơn, đảm bảo phổ cập vaccine cho người dân. Vaccine do VinBioCare sản xuất dự kiến sẽ rẻ hơn so với sản phẩm cùng phân khúc đang được chào bán trên thị trường. Hơn thế nữa, nếu không chủ động được nguồn vaccine thì chúng ta sẽ khó chủ động được trong cuộc chiến được dự báo còn lâu dài.

Trong tương lai, VinBioCare có thể đàm phán với đối tác, hướng tới xuất khẩu để có thể chia sẻ gánh nặng bệnh tật và đẩy lùi dịch COVID-19 với các quốc gia khác trên toàn cầu

- Câu hỏi cuối cùng, Tại sao Vingroup lại mạnh tay chi các khoản lớn như vậy trong giai đoạn khó khăn này?

Ngày xưa khi có giặc cha ông chúng ta đã từ giã gia đình, bỏ hết việc nhà bất chấp nguy hiểm gian khổ để đi đánh giặc, hết giặc mới lại về lo việc nhà. Chúng tôi hiện nay cũng chỉ đang noi gương các cụ, mà mới "noi" được một phần thôi.

Xin cảm ơn bà!

Theo vtc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.