Kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)

Chung tay xoa dịu những nỗi đau

GD&TĐ - Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng vẫn còn những bà mẹ, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ… cần được giúp đỡ, hỗ trợ.

Học sinh Trường Tiểu học – THCS xã Đăk Ui thăm nom, tặng quà cho cựu chiến binh A Danh. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học – THCS xã Đăk Ui thăm nom, tặng quà cho cựu chiến binh A Danh. Ảnh: NTCC

Gia đình cách mạng

Mấy hôm rồi, trời trở gió, mẹ Việt Nam Anh hùng Y Tría (thôn Mô Pả, Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Kon Tum) ho không dứt. Ở cái tuổi 94, mẹ chẳng còn nhiều sức để chống chọi với những thay đổi của thời tiết. Mặc dù vậy, khi nghe có đoàn cán bộ xã đến thăm, mẹ vẫn ra tận cửa đón đợi từng người.

Lưng mẹ Y Tría đã còng lắm, mái tóc bạc trắng và nụ cười hiền như bụt. Trong căn nhà được Sở GD&ĐT xây tặng, mẹ Y Tría kéo mọi người ngồi xuống bàn uống nước. Mẹ không quên cảm ơn cán bộ, cơ quan ban ngành những năm qua đã quan tâm, hỗ trợ cho cuộc sống gia đình thêm đủ đầy hơn.

“Cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đời sống, tinh thần cho tôi những năm qua. Đây là sự động viên to lớn, bù đắp lại những mất mát, đau thương của gia đình. Có sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể gia đình, chúng tôi cảm thấy được an ủi phần nào”, mẹ Y Tría tâm sự.

Giọng khàn đặc, mẹ Y Tría ngược dòng thời gian kể về những ngày xưa cũ. Mẹ sinh ra ở làng Mô Pả, vùng đất này từng là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Từ khi còn nhỏ, cô bé Y Tría đã chứng kiến cảnh quân thù giày xéo quê hương nên sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1959, Y Tría tham gia hoạt động cách mạng rồi cùng dân làng đẩy mạnh sản xuất, thi đua lao động để tạo ra nguồn lương thực tại chỗ, đáp ứng nhu cầu kháng chiến. Với sự chung tay của bà con, làng Mô Pả trở thành vùng hậu cứ vững chắc, bảo đảm phục vụ hoạt động đánh địch.

Với tinh thần nhiệt tình cách mạng, dũng cảm, nhanh nhẹn, từ năm 1960 - 1974 mẹ được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Xuôi. Những năm 1974 - 1978 mẹ Y Tría làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tu Mơ Rông và làm trưởng thôn Mô Pả (1978 – 1980).

chung tay xoa diu nhung noi dau (3).jpg
Mẹ Y Tría được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: Dung Nguyễn

Trong quá trình tham gia chiến đấu, mẹ Y Tría kết duyên cùng người cách mạng trung kiên A Blanh (SN 1920). Kết quả của mối tình thời chiến ấy là 5 người con lần lượt ra đời. Cũng trong thời gian này, vợ chồng mẹ Y Tría nhận một đứa trẻ mồ côi về nuôi và đặt tên là A Hùng. Khi được nhận nuôi A Hùng mới tròn 5 tuổi.

Tháng 1/1969, ông A Blanh, thoát ly và làm công tác mặt trận tại huyện H80 (nay là huyện Tu Mơ Rông). Ông tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày 30/12/1969, khi đang họp trong cơ quan Huyện ủy H80, địch đánh bất ngờ vào trụ sở khiến ông hy sinh. Ghi nhận công lao đóng góp của ông với sự nghiệp cách mạng, năm 1987 Hội đồng Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Noi gương cha mẹ nuôi, tháng 10/1966, A Hùng lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 304, Tỉnh đội Kon Tum. Sau thời gian dài công tác, A Hùng được phân công giữ chức vụ Tiểu đội phó. Ngày 30/1/1968, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân anh cùng đơn vị đánh vào thị xã Kon Tum. Trong trận đánh ác liệt đó anh đã hy sinh. Ghi nhận những cống hiến của liệt sĩ A Hùng, Hội đồng Nhà nước đã truy tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba và Huân chương kháng chiến hạng Nhất.

chung tay xoa diu nhung noi dau (1).jpg
Bí thư Huyện đoàn Đăk Hà thăm hỏi, chia sẻ với cựu chiến binh A Danh. Ảnh: Dung Nguyễn

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình, những người con của mẹ Y Tría khi lớn lên đều tham gia làm cách mạng. Người con gái lớn là Y Bung, những năm 1970 - 1974 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ làm y tá của huyện H80. Con trai A Phương tham gia hoạt động cách mạng những năm 1971 - 1975, sau giải phóng làm Phó Bí thư Xã đoàn Tu Mơ Rông. Tháng 8/1978, A Phương chuyển công tác qua Công an huyện Đăk Tô cho đến khi nghỉ hưu. Con trai A Phước cũng là Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hà những năm 1984 - 1987.

Chiến tranh đi qua, mẹ Y Tría được người con trai út là A Phước đưa về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc. Với những công lao cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của gia đình, mẹ được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương như Huân chương Quyết thắng hạng Nhất (năm 1968); Huân chương Giải phóng hạng Ba (năm 1969); Bảng Gia đình vẻ vang (năm 1981); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (năm 1987). Ngày 18/8/2015 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với mẹ Y Tría.

Ghi nhớ công ơn, những hy sinh mất mát của mẹ Y Tría, nhiều năm qua, các cấp, các ngành trong và ngoài tỉnh thường xuyên thăm hỏi, động viên và nhận phụng dưỡng mẹ. Từ tháng 11/2017, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn nhận phụng dưỡng mẹ Y Tría suốt đời với số tiền 500.000 đồng/tháng.

chung tay xoa diu nhung noi dau (2).jpg
Mặc dù đau ốm nhưng khi hay tin có đoàn đến thăm mẹ Y Tría vẫn ra tận cửa đón đợi từng người. Ảnh: Dung Nguyễn

Chăm lo từ đời sống đến tinh thần

Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, tàn tích của chiến tranh khiến đôi mắt của ông A Danh (xã Đăk Ui, Đăk Hà) mờ đục, sức khoẻ cũng yếu đi nhiều.

Ở tuổi 81, ông A Danh không còn minh mẫn, đôi tai nghe chẳng còn rõ nữa. Thế nhưng, nhắc tới những ngày chiến đấu, đẩy lùi quân địch để bảo vệ nền độc lập, hòa bình của dân tộc ông A Danh vẫn sục sôi tinh thần chiến đấu.

“Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi là chiến sĩ của Tỉnh đội Quảng Ngãi. Trong một lần họp ở hầm chiến đấu, bất ngờ địch thả bom xuống. Lúc bấy giờ có nhiều đồng đội của tôi hy sinh, còn tôi may mắn thoát chết nhưng mảnh bom găm vào vùng mắt để lại những di chứng không thể chữa lành”, ông A Danh nhớ lại.

Vợ mất cách đây 5 năm, ông A Danh được người con nuôi là A Khi (43 tuổi) chăm sóc. Cuộc sống bộn bề, không mấy khá giả nên vợ chồng anh đi làm tối ngày. Biết sức khoẻ cha ngày một yếu nên anh chị để 2 người con (lớp 7 và lớp 4) ở lại cùng ông.

chung tay xoa diu nhung noi dau (4).jpg
Những năm qua, học sinh Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Ui thường xuyên dọn dẹp nhà cửa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ảnh: NTCC

“Xưa kia, chồng tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, không có người thân chăm sóc nên được cha A Danh nhận về nuôi dưỡng. Cha nuôi nấng nên người, cho ăn học đến nơi, đến chốn. Khi trưởng thành, việc cưới xin, một tay cha đứng ra lo liệu cho 2 vợ chồng chu toàn. Nay mẹ mất còn mỗi cha sức khỏe đã yếu, việc chăm sóc là bổn phận của gia đình tôi. Chúng tôi rất biết ơn cha dù không có công sinh thành nhưng công dưỡng dục rất to lớn. Hy vọng cha khỏe, sống thật lâu với con cháu”, chị Y Thia (42 tuổi - con dâu ông A Danh) chia sẻ.

Bên cạnh việc các cấp chính quyền quan tâm, chăm lo đời sống để tri ân người có công với cách mạng, những năm qua, học sinh Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Ui vẫn thay phiên nhau đến thăm hỏi sức khoẻ, dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cho gia đình cựu chiến binh. Sau đó, các em lắng nghe ông kể về những câu chuyện thời chiến, kỉ niệm chiến đấu với những người đồng đội đã hy sinh xương máu giữ nền độc lập dân tộc.

Em Y Giang Thương (lớp 8, Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Ui) rất hào hứng cùng các bạn tham gia hoạt động ý nghĩa này. Từ những chuyến thực tế như thế, em học được nhiều điều bổ ích và thấu hiểu những vất vả, hy sinh của thế hệ đi trước để các em được sống trong hòa bình, no ấm.

“Em rất biết ơn cha ông đã hy sinh tuổi xuân để cho đất nước thống nhất, độc lập. Em sẽ cố gắng học tập thật giỏi, chăm chỉ để sau này góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”, em Y Giang Thương bộc bạch.

Thầy Lê Văn Ân, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Ui chia sẻ, hoạt động này không những giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước và tự hào về truyền thống dân tộc cho các em. Qua đó, giúp học sinh thấy được trách nhiệm của mình, cần phải học tập và rèn luyện tốt hơn, phấn đấu vươn lên để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Anh Nguyễn Văn Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Kon Tum cho biết, để tri ân, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hàng năm đơn vị tổ chức nhiều hoạt thể hiện tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, như: Thăm, tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thân nhân của người có công. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, gia đình tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Đồng thời, khảo sát, vận động hỗ trợ, đóng góp ngày công lao động xây mới và sửa chữa “Nhà tình nghĩa”, các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt cho các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua những hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ