Chung tay tương trợ nhà giáo

GD&TĐ - Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, ngành Giáo dục các địa phương ở ĐBSCL đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ nhà giáo, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Công đoàn ngành Giáo dục Vĩnh Long trao tiền tương trợ cho gia đình có giáo viên qua đời.
Công đoàn ngành Giáo dục Vĩnh Long trao tiền tương trợ cho gia đình có giáo viên qua đời.

Từ đây, nhiều nhà giáo đã được giúp đỡ kịp thời về mặt vật chất và tinh thần, để có thêm nghị lực phấn đấu, cống hiến...

“Lá lành đùm lá rách”

Từ năm 1994, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã phát động toàn ngành quyên góp Chương trình tương trợ giáo viên qua đời. Gần 30 năm, chương trình đã hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm hoàn cảnh gia đình nhà giáo, trở thành hoạt động tương thân tương ái thường xuyên, nhân văn, được cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục đồng lòng ủng hộ.

Người khởi xướng chương trình này là thầy Phạm Văn Báo, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Vĩnh Long. Trước đó, khi còn là giáo viên một trường trung học phổ thông ở huyện, đi viếng đồng nghiệp cùng trường, thầy thấy rõ khó khăn chồng chất cho người ở lại khi gia cảnh kinh tế rất eo hẹp, nên rất chia sẻ. Sau khi làm Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh năm 1994, thầy Báo cùng đồng nghiệp đã phát động Chương trình tương trợ giáo viên qua đời.

Theo bà Lê Nguyễn Lan Anh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Vĩnh Long, Chương trình nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó và thể hiện sự quan tâm, chia sẻ giữa những người cùng ngành nghề. Nhiều năm qua, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã duy trì, phát động công đoàn viên trong ngành tích cực hưởng ứng đóng góp để góp phần chia sẻ khó khăn với gia đình khi có người thân làm trong ngành qua đời.

Đến nay, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành đã đóng góp trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 400 gia đình có người thân làm công tác giáo dục qua đời. Ban đầu, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đóng góp 1.200 đồng khi có cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành qua đời. Số tiền quyên góp được cho mỗi trường hợp bình quân khoảng 8 triệu đồng. Về sau, số tiền đóng góp được nâng lên 2.500 đồng, tỷ lệ giáo viên trong ngành cũng tăng lên với hơn 18.000 người. Hiện nay, số tiền đóng góp là 3.000 đồng/người, với số lượng hơn 19.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên nên mỗi trường hợp hỗ trợ được hơn 58,5 triệu đồng. Năm học 2019 - 2020, chương trình có 19.500 người tham gia, hỗ trợ cho 52 trường hợp.

Ngoài xây dựng Chương trình tương trợ giáo viên qua đời, Công đoàn ngành Giáo dục Vĩnh Long còn xây dựng Chương trình tương trợ giáo viên không may gặp tai nạn, bệnh tật.

Hơn 20 năm qua, cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Vĩnh Long đã đóng góp trên 10 tỷ đồng để tương trợ cho trên 500 gia đình có người thân làm công tác giáo dục qua đời và bị bệnh tật, tai nạn hay gặp khó khăn trong cuộc sống.

Đó là tấm lòng sẻ chia của công đoàn viên toàn ngành giúp thân nhân những công đoàn viên qua đời ấm lòng, dẫu chồng hay vợ, cha mẹ, ông bà, con cái đã khuất nhưng họ vẫn có thể chu toàn một phần cho cuộc sống những người ở lại.

Chính từ những hoạt động có ý nghĩa thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc mà thời gian qua, Công đoàn Giáo dục Vĩnh Long đã góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn ngành, là chỗ dựa tin cậy để công đoàn viên vượt qua khó khăn, có thêm nghị lực và niềm tin để tiếp tục phấn đấu, sáng tạo trong nghề nghiệp, hoàn thành tốt sứ mệnh trồng người.

Chương trình Tiếp sức người thầy hỗ trợ cô Huỳnh Thị Mỹ Cẩm, GV Trường TH Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang).
Chương trình Tiếp sức người thầy hỗ trợ cô Huỳnh Thị Mỹ Cẩm, GV Trường TH Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang).

Tiếp sức người thầy

Tại Kiên Giang, Chương trình “Tiếp sức người thầy” được Công đoàn ngành Giáo dục triển khai nhiều năm qua đã giúp đỡ hàng nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên vượt qua khó khăn. Với phương châm “Một nghĩa cử, một tấm lòng vì đồng nghiệp”, khởi đầu chương trình kêu gọi cán bộ giáo viên, nhân viên đóng góp 1.000 đồng/người/tháng. Sau thời gian khởi động, thấy được hiệu quả và cần nhân rộng, thể theo nguyện vọng của tập thể, chương trình nâng mức đóng góp lên 2.000 đồng/người/tháng. Đến nay, chương trình đã giúp, hỗ trợ cho hơn 3.000 trường hợp nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn thêm điều kiện điều trị bệnh, vượt qua nghịch cảnh.

Thông thường định mức hỗ trợ từ 10 - 30 triệu đồng/trường hợp, nhưng có khi, mức hỗ trợ lên đến 50 triệu đồng. Thậm chí, có khi chương trình hỗ trợ lên đến số tiền hàng trăm triệu đồng. Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên đang công tác, hoặc nghỉ hưu bệnh tật hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dịp lễ, tết, chương trình còn xét hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên, đột xuất tùy từng trường hợp số tiền hỗ trợ từ 1 - 3 triệu đồng. Hỗ trợ xây nhà cho giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở nhưng chưa đủ điều kiện nhận “Mái ấm công đoàn”, với mức 20 - 30 triệu đồng/căn.

Những ngày đầu năm 2021, Chương trình Tiếp sức người thầy đã đến hỗ trợ cho cô Huỳnh Thị Mỹ Cẩm, giáo viên Trường Tiểu học Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang). Cô Cẩm công tác từ năm 1998, mới đây cô không may bị phát bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có tổng thương phủ tạng (biến chứng thần kinh), bệnh tình biến chứng, đang điều trị tại TPHCM. Hoàn cảnh gia đình cô Cẩm rất khó khăn, chồng không có việc làm ổn định; chưa có nhà riêng đang ở chung với cha mẹ. Với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này, Chương trình Tiếp sức người thầy cùng địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ cùng gia đình cô. Dịp này, chương trình vận động, hỗ trợ cho cô Cẩm với số tiền là 30,7 triệu đồng.

Theo bà Lâm Thị Mạnh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Kiên Giang, tuy mức đóng góp ít nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Không chỉ hỗ trợ hàng nghìn cán bộ, giáo viên vượt qua khó khăn, tiếp thêm nghị lực để thầy cô tiếp tục đứng trên bục giảng, ươm mầm tri thức, thông qua hoạt động hỗ trợ, tổ chức Công đoàn ngành Giáo dục còn có thêm điều kiện sâu sát đời sống đoàn viên, cán bộ, giáo viên, kịp thời quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo Công đoàn cơ sở hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, giáo viên…

Chương trình Tiếp sức người thầy được Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang thực hiện từ năm 2011, xuất phát từ nguyện vọng chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo lên đến 24.000 người. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.