Nhiều khu du lịch sẽ bị xóa sổ nếu không bảo vệ môi trường

GD&TĐ - Đây là khẳng định của các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo Bảo vệ môi trường (BVMT) ở các khu du lịch quốc gia (KDLQG) diễn ra mới đây tại Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Nhiều khu du lịch sẽ bị xóa sổ nếu không bảo vệ môi trường

Ảnh hưởng tiêu cực từ phát triển nóng

Quy hoạch Phát triển du lịch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, Việt Nam có 47 KDLQG. Đây là những điểm đến hấp dẫn với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, thu hút phần lớn lượng du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển ngành du lịch Việt Nam và kinh tế tại các địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển quá nóng thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch. Tại nhiều khu, điểm, các chất thải không được xử lý triệt để dẫn tới nguy cơ ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm, nhất là hạ lưu các sông, suối, ao hồ, bãi biển, đảo…

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, đánh giá về năng lực cạnh tranh về ngành du lịch và lữ hành của diễn đàn kinh tế thế giới năm 2017 cho biết, Việt Nam xếp thứ 67/136 quốc gia, tăng 8 bậc so với năm 2015 (75/141). Trong đó, nhiều chỉ số của Việt Nam rất cao như: Văn hóa, tài nguyên… Tuy nhiên, cũng có nhiều chỉ số khác rất thấp, đặc biệt về môi trường...

Nói về nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng trên, đại diện Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Kinh doanh du lịch ở Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao với mức tăng giai đoạn 2000 - 2016 về doanh thu trung bình đạt 222.000 tỷ đồng, tăng 22%/năm. Do quản lý chưa tốt nên đằng sau con số tăng trưởng rất ấn tượng này là những hệ luỵ tiêu cực đối với tài nguyên, môi trường du lịch, đặc biệt là về chất thải. Bởi hiện Việt Nam chưa có cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước về môi trường du lịch; chưa có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch làm căn cứ đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững; công tác quản lý, khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường du lịch mới chỉ thực hiện ở mức độ nghiên cứu, đề xuất giải pháp chung...

Cần một giải pháp đồng bộ

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trên, ngày 4/9/2013 Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Năm 2016, Bộ VH,TT&DL đã giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng tiêu chí và quy trình đánh giá đạt chuẩn về BVMT đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch”.

Sau hơn một năm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đề xuất Bộ tiêu chí về BVMT đối với 3 loại cơ sở du lịch và dịch vụ (gồm cơ sở ăn uống; cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở bán hàng lưu niệm). Mỗi loại tiêu chí có 2 nhóm: Các tiêu chí cụ thể hoá những quy định của pháp luật trong vấn đề BVMT tại các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch; và những tiêu chí “mềm” khuyến khích các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch thực hiện nếu có đủ điều kiện nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ của cơ sở.

Sau khi dự thảo được thông qua, Bộ tiêu chí đã được xin ý kiến trực tiếp tại khu du lịch Tràng An, khu du lịch Tuần Châu, điểm du lịch làng nghề Bát Tràng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì đa phần các cơ sở dịch vụ du lịch, các cơ quan quản lý về du lịch và môi trường ở địa phương đánh giá Bộ tiêu chí là phù hợp và rất cần thiết để các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường và du lịch; các cơ sở có căn cứ để thực hiện các hoạt động BVMT... Nhưng hiện các khu du lịch lại chưa thực hiện tốt Bộ tiêu chí. Chẳng hạn như đối với cả 3 loại hình cơ sở dịch vụ, tiêu chí về công trình vệ sinh quy định phải có nhà vệ sinh cho người khuyết tật, nhưng hầu như các cơ sở quy mô nhỏ và vừa chưa xây dựng; hay phòng, chống tác hại của thuốc lá mới chỉ được thực hiện ở một số cơ sở du lịch và dịch vụ cao cấp, còn lại hầu như chưa thực hiện...

Bởi vậy, theo các chuyên gia để khắc phục những hạn chế trên cần phải có các hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ kịp thời khó khăn để tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện Bộ tiêu chí. Bên cạnh đó, cần phổ biến, tổ chức tập huấn giới thiệu Bộ tiêu chí một cách rộng rãi để các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên cả nước được tiếp cận và nắm được nội dung. Bởi hiện Bộ tiêu chí về BVMT mới chỉ đang trong quá trình hoàn thiện và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan trước khi chính thức được ban hành.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường là do các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động du lịch với vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh du lịch...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.