Vấn đề môi trường đã được khắc phục?
Nhà máy nhiệt Vĩnh Tân 2 nằm trong trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong những dự án cấp bách cấp điện cho miền Nam từ năm 2015 trở đi. Nhà máy có 2 tổ máy với tổng công suất là 1.244MW sử dụng lò hơi công nghệ đốt than phun (PC). Nhiên liệu sử dụng là than cám 6A khai thác tại Hòn Gai - Cẩm Phả ( tỉnh Quảng Ninh) với dự kiến, mỗi năm sản xuất khoảng 7,2 tỷ kWh điện.
Vấn đề lớn nhất của nhiệt điện than là tro xỉ. Theo thông tin từ Nhà máy nhiệt Vĩnh Tân 2, tại đây than cám 6A tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn/năm. Do đó, lượng tro xỉ thải ra khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Trong đó khoảng 90% là tro bay, còn lại là xỉ đáy lò. Tro bay phát sinh trong quá trình vận hành của các lò hơi được thu giữ và chứa tại các silo tro. Tại đây, tro khô sẽ trộn với nước đạt độ ẩm tối đa nhằm ngăn ngừa phát tán bụi tro bay. Sau đó, xe chuyên dụng vận chuyển ra lưu giữ tại bãi xỉ bằng tuyến đường riêng thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Mấy năm trước, khi đi vào hoạt động, Nhà máy nhiệt Vĩnh Tân 2 “lùm xùm” một thời gian vì gặp các vấn đề môi trường. Người dân sống khu vực gần nhà máy phản ứng dữ dội về việc ống khói nhà máy xả khói đen, theo họ là khói độc ra không khí. Tiếp đến là vấn đề nước thải và phát tán tro bụi ra môi trường. Tuy nhiên, một lãnh đạo Nhà máy vừa cho biết: "...đến nay các vấn đề đó đều đã được khắc phục".
Như để chứng minh cho chúng tôi về sự an toàn, một lãnh đạo Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đưa chúng tôi đi thăm khắp nhà máy. Từ nơi tàu chở than cập bến, cánh tay cần cẩu khổng lồ đang xúc than vào băng chuyền với công suất hàng chục nghìn tấn/giờ… quy trình vận chuyển than từ cảng đến nhà máy được tự động và khép kín. Do vậy, dù giữa ánh nắng chói chang của ngày hè và gió biển thổi không ngừng, nhưng không hề thấy một hạt than rơi vãi ra ngoài.
Chúng tôi tiếp tục đi vào trung tâm của nhà máy. Nơi đây có những máy phát điện và tua bin khổng lồ đang hoạt động. Âm thanh của động cơ phát ra át cả tiếng nói của con người. Trên tầng cao là trung tâm vận hành của nhà máy. Tất cả mọi hoạt động của nhà máy từ khâu vận chuyển than, sản xuất điện, phát điện hòa lưới điện quốc gia… đều được điều khiển qua trung tâm bởi những kỹ sư tuổi đời còn rất trẻ.
Nguy cơ vẫn còn
Có vẻ như mọi sự đều là hoản hảo cho đến khi chúng tôi ra tới bãi chứa xỉ tro thải. Bãi xỉ thải nằm ngay sát chân núi, cách Trung tâm nhiệt điện không xa, chừng vài phút di chuyển bằng ô tô.
Tại đây, xỉ tro được chứa trong các bể đào sâu xuống lòng đất gồm có lớp đất bảo vệ, lớp màng chống thấm và lớp đất đệm. Xung quanh bãi xỉ lắp đặt hệ thống phun nước kiểm soát bụi. Các camera được bố trí để quan sát, thu nhận những thông tin, hình ảnh quan trắc về môi trường 24/24 h. Từ đó truyền hình ảnh, số liệu về Trung tâm điều khiển của nhà máy và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận. Người quản lý tại đây cho chúng tôi biết, hiện nay độ cao của tro xỉ trong các bể chứa cao khoảng 9 mét. Độ cao tối đa là 27 mét theo hình tháp. Tôi ước chừng, vậy thì cao ngang với ngọn núi bên cạnh.
Bãi xỉ thải ở trên cao sát chân núi nên đứng từ đây có thể nhìn thấy ống khói của các nhà máy và biển. Nếu kẻ thẳng theo đường chim bay có thể hình dung, nơi cao nhất là bãi xỉ dưới chân núi rồi đến đường quốc lộ, đến nhà máy và cuối cùng là biển.
Chính từ vị trí này mà bãi xỉ thải đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho môi trường. Mặc dù trên bề mặt các hố chứa đều có lớp màng để tránh phát tán tro bay, nhưng nước đã làm xói mòn nhiều chỗ. Vì vậy, các chất thải này vẫn có thể thấm vào lòng đất.
Về việc này, theo các báo đã đưa tin: “Ngày 27/4/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, đã ký văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND huyện Tuy Phong khuyến cáo người dân ở gần bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tạm thời không nên sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) vào mục đích tưới tiêu cũng như ăn uống. Kết quả phân tích nhiều mẫu thử cho thấy, đất tại khu vực này mặn và rất mặn. Hàm lượng Clorua trong nước ngầm vượt ngưỡng từ 1,2 - 18 lần. Các vườn cây ở đây có hiện tượng trụi lá, khô cành. Một số cây còn lại tuy vẫn ra lá non nhưng bộ rễ đã bị hư thối trong khi những cây trồng xa bãi thải xỉ của nhà máy này vẫn phát triển bình thường”.
Các hố chứa được đắp đất cao dần theo lượng xỉ tro đổ xuống cũng chưa hẳn là an toàn. Nếu như có mưa lớn dài ngày, các chất thải từ đây có thể tràn ra ngoài và chảy xuống biển.
Thông tin từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho biết, để giải quyết tồn đọng tro xỉ, nhà máy đã ký hợp đồng với một công ty bao tiêu toàn bộ trong cả đời dự án. Các tro xỉ này sẽ dùng đóng gạch không nung và bê tông chắn sóng biển. Nhưng hiện thực của việc tiêu thụ tro xỉ của nhà máy vẫn còn… xa vời, khi mà bãi chứa xỉ thải của nhà máy sau vài năm hoạt động đã cao tới 9m, và chẳng còn mấy thời gian sẽ đạt ngưỡng độ cao cho phép để trở thành quả núi chất thải bên bờ biển với bao nguy cơ tiềm ẩn.