Từ một ý tưởng vui
Bị bao bọc bởi làn sương dày đặc từ những nhà máy hay ngột ngạt với những chất độc vô hình từ xe cộ thải ra, nhiều thành phố trên thế giới đang chật vật trong cuộc chiến chống lại nạn ô nhiễm không khí.
Khoảng chừng 5,5 triệu đến 7 triệu người chết vì thở trong khói, khí độc và bụi bẩn đưa vào khí quyển. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, lượng không khí độc đặc biệt đáng báo động, gây ra 3 triệu người chết tại 2 quốc gia này. Điều này khiến các cư dân sống ở những vùng không khí ô nhiễm nghiêm trọng phải tìm đến những biện pháp chưa từng có: Dùng không khí sạch đóng chai.
Hiện có nhiều công ty đang nén và đóng chai không khí sạch ở các vùng nông thôn rồi rao bán trên mạng. Điều này nghe tưởng như chuyện đùa (đã từng có trong quá khứ), thế nhưng ý tưởng của việc làm này là nâng cao ý thức về môi trường và cung cấp không khí sạch mọi người theo giá cả thỏa thuận .
Một trong những công ty đó là Vitality, có cơ sở tại Edmonton, Alberta (Canada). Công ty thu thập không khí từ dãy núi Rocky của Canada rồi nén vào chai.
Một chai chứa 8 lít khí nén bán kèm với ống thở và mặt nạ được thiết kế đặc biệt - đủ để hít vào 160 lần, có giá khoảng 32 đôla Canada (khoảng 540 ngàn đồng).
Giám đốc điều hành công ty Vitality, Moses Lam, ban đầu dùng các lọ chứa không khí sạch như món quà mang tính đùa vui, thế nhưng càng ngày nhu cầu đối với sản phẩm này càng tăng một cách bất ngờ.
Ông cho biết Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đã trở thành các thị trường chủ yếu của công ty. “Các thị trường chính của chúng tôi là những nơi bị bao phủ trong không khí ô nhiễm, nơi mà có nhiều người chết sớm do không khí bị ô nhiễm. Không khí của chúng tôi là sản phẩm mà nhiều người ở Trung Quốc và Ấn Độ chưa từng biết”, Lam nói.
Hiện nay, mỗi tháng công ty của ông bán ra khoảng 10 ngàn chai ở Trung Quốc và hy vọng sẽ tăng lên con số 40.000 chai. Doanh nghiệp cũng bắt đầu tạo cơ sở hoạt động ở Ấn Độ và hy vọng sẽ tiêu thụ 10.000 chai mỗi tháng.
Mặc dù cho rằng “nhiều người mua sản phẩm của chúng tôi để làm quà”, nhưng Lam nghĩ rằng đang có cơ hội kinh doanh thuận lợi, “Đối với chúng tôi, đây là một mô hình kinh doanh hợp lý. Sau nước đóng chai là không khí đóng chai”.
Trong khi việc thu thập không khí cho vào chai để bán đối với nhiều người có vẻ là trò đùa của giới kinh doanh nhưng thực tế sản phẩm này đang thu hút người tiêu dùng ngày càng cao.
Vitality không phải là doanh nghiệp độc nhất kinh doanh mặt hàng này. Hãng Aethaer ở Anh cũng thu thập không khí từ vùng nông thôn và bán nó với giá 80 bảng (khoảng 2,3 triệu đồng) một bình.
Nhà sáng lập của Aethaer, Leo De Watts bắt đầu việc kinh doanh này như “một tác phẩm nghệ thuật mang tính chính trị- môi trường”, đặt ra thuật ngữ vui là “canh tác không khí” cho phương pháp dùng để thu thập không khí của mình.
Lo lắng về mức độ ô nhiễm không khí toàn cầu khó được nhận thức qua các số liệu thống kê, Leo lập doanh nghiệp Aethaer để giúp tăng cường sự hiểu biết về vấn đề trên. Tiền thu được từ những chiếc bình không khí được tái đầu tư để tạo những mặt nạ dưỡng khí giá rẻ hơn.
“Những bình không khí sạch có thể được mua với những lý do thẩm mỹ hoặc để hít thở”, De Watts nói, “Chúng tôi nghĩ nhiều người mua chúng để làm đồ trang trí, đầu tư hoặc làm quà”.
Ông cũng đã bị chỉ trích nhiều về việc bán không khí này. Có người cho ông là kẻ lừa bịp, làm trò lừa đảo để lấy tiền của thiên hạ.
De Watts nói thị trường chủ yếu của công ty ông là Trung Quốc nhưng không tiết lộ doanh số bán. Tuy nhiên, ông cho biết, “suy cho cùng, chúng tôi là một công ty bán không khí sạch cho người có đủ khả năng mua nó và mặt nạ chống ô nhiễm cho người không đủ khả năng”.
Không có gì ngạc nhiên, khi các nhà khoa học cho biết không có bằng chứng hay nghiên cứu cho thấy lợi ích của không khí đóng chai. “Điều này không cung cấp bất cứ lợi ích nào về sức khỏe. Chai không khí sạch là thứ không cần thiết, phí tiền”, Shawn Aaron, giám đốc mạng lưới nghiên cứu hô hấp ở Canada cho biết.
Đến sản phẩm bảo vệ sức khỏe
Tuy nhiên, không khí đóng chai hay đóng hộp không phải là cách duy nhất mà các công ty kiếm được tiền nhờ ô nhiễm. Các nhà doanh nghiệp người Thụy Điển Fredrik Kempe và Alexander Hjertstrom tình cờ nảy ra ý tưởng kinh doanh mới trong một chuyến đi đến Ahmedabad, Ấn Độ.
Bệnh suyễn nằm im trong một thời gian dài của Hjertstrom bỗng trở lại trong chuyến cả hai thăm Ấn Độ, và họ đã gặp khó khăn trong việc tìm mặt nạ chống ô nhiễm chất lượng tốt tại Ấn Độ… Điều này khiến họ nghĩ đến việc làm và bán sản phẩm này.
“Chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu thị trường và rất ngạc nhiên khi nhận thấy tất cả những mặt nạ chúng tôi tìm thấy đều rất sơ sài, cấu tạo không hoàn hảo”, Kempe nói, “Các thiết kế đều khá thô sơ, gợi nhớ các mặt nạ mà các nha sĩ hay thợ mỏ thường mang. Chúng khó phù hợp cho việc sử dụng mỗi ngày”.
Cả hai sau đó cho ra mắt một công ty với tên gọi là Airinum, bán những mặt nạ ngụy trang đầy màu sắc với nhiều chủng loại, giá từ 66 USD và 75 USD, mỗi cái. Các mặt nạ có 3 lớp lọc riêng giúp ngăn các phân tử ô nhiễm từ khói và khí do xe thải ra.
Kempe nói mang mặt nạ này tốt cho sức khỏe, nhưng cũng cẩn trọng khi đưa ra những tuyên bố của mình. Ví dụ, những mặt nạ này còn hạn chế trong việc ngăn chặn khí ô nhiễm, cũng như nitrogen dioxide tỏa ra từ xe hơi.
Nhu cầu thiết kế các mặt nạ đang ngày một tăng. Các công ty khởi nghiệp như Idealist Innovations ở Trung Quốc, Vogmask ở Mỹ và Freka ở Anh quốc, bán ra các sản phẩm mặt nạ thời trang với giá từ 33 USD đến 100 USD.
Có một số nghiên cứu ủng hộ việc đeo mặt nạ được thiết kế tốt để giúp người mang tránh hít thở không khí ô nhiễm, tuy nhiên đây là những nghiên cứu khá ngắn hạn, nhìn vào kết quả sức khỏe thay thế như huyết áp và sự thay đổi nhịp tim.
“Mặt nạ cần được sử dụng trong một thời gian dài để biết liệu chúng có giúp ngăn cản những tác động của ô nhiễm không khí hay không”, Benjamin Barratt, một giảng viên cao cấp về vấn đề chất lượng không khí tại King’s College London, nói, “Một số quảng cáo mạnh miệng hiện nay khiến tôi khá sốc”.
Trong lúc những mối lo ngại về ô nhiễm không khí ngày một tăng, thị trường cho các sản phẩm bảo vệ trước tác động gây hại cũng ngày một phát triển.
Một trong các ví dụ là sản phẩm Air Shield - xe đẩy em bé có khả năng lọc không khí , tạo ra một “vi khí hậu sạch” bên trong. Sản phẩm này được sáng chế bởi Dominykas Budinas, một nhà thiết kế cơ khí từ Lithuania, và đã giành giải nhì tại cuộc thi Electrolux Design Lab năm 2015. Budinas đã lấy ý tưởng từ hệ thống điều hoà trong xe hơi. Mặc dù sản phẩm vẫn chưa nhận được mối quan tâm từ thị trường, Budinas muốn biến nó thành một mặt hàng với mức giá dễ tiếp cận.
“Ô nhiễm không khí tại những thành phố lớn nhất thế giới đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng”, Budinas nói. Thế nhưng đối với những ai có tiền, vẫn có nhiều cách để có thể hít thở không khí sạch.