Chung tay hành động khắc phục hậu quả bom mìn

GD&TĐ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo thông tin về vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam, và giới thiệu các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4.

Đại diện các cơ quan chủ trì buổi họp báo
Đại diện các cơ quan chủ trì buổi họp báo

Tham dự và chủ trì buổi họp có ông Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Tổng giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC); ông Lưu Hồng Sơn - Phó chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH; Trung tướng Phạm Ngọc Khóa - Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam; Đại tá Nguyễn Văn Tín - Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng; Đại tá Thân Thành Công - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 701.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Tổng giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cho biết: Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đã phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn, Việt Nam là một trong những quốc gia phải chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới và bị ô nhiễm bởi bom mìn ở mức độ nghiêm trọng.

Theo báo cáo điều tra, khảo sát của các tỉnh thành và 6 tỉnh miền Trung, bản đồ ô nhiễm được công bố thì hiện trạng tồn lưu, ô nhiễm bom mìn, vật nổ chiếm trên 6,1 triệu ha (chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước). 49/63 tỉnh thành xảy ra tai nạn thương tích do bom mìn. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính và trẻ em.

Thời gian qua đã có 1813 trường hợp bị tai nạn do bom mìn, tỉ lệ thương vong là 51 %, có 919 người chết, 894 người bị thương..

Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010 – 2025 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 21/4/2010 (Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.

Ngay sau đó Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia 701, nhằm khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học được ban hành đã tạo hành lang pháp lý rất quan trọng về tổ chức, quản lý và cơ sở hạ tầng cho các quốc gia, các tổ chức trong nước và quốc tế thuận lợi hơn trong việc tham gia, xem xét viện trợ, tài trợ khắc phục hậu quả bom mìn gây ra.

Với thông điệp: “Tăng cường bảo vệ, hòa bình và phát triển”, ngày Thế giới phòng chống bom mìn năm nay (04/4/2018) thể hiện khát vọng về một thế giới hòa bình, không có bom mìn, một cuộc sống bình yên và phát triển của nhân dân trên toàn thế giới.

Sáng ngày 31/3, Bộ LĐ -TB&XH sẽ phối hợp với các đơn vị thực hiện buổi mít tinh cùng lễ tuần hành đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm và khai mạc triển lãm ảnh tại Quảng trưởng Lý Thái Tổ, Hà Nội. Triển lãm ảnh phản ánh thực trạng ô nhiễm và mối hiểm họa của bom mìn, vật nổ đối với con người; công tác khắc phục hậu quả trong những năm qua.

Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm ngày phòng chống bom mìn thế giới, ngày 3/4 tới, tại Nhà hát Lớn, diễn ra chương trình giao lưu truyền hình với chủ đề “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam”.

Chương trình diễn ra với sự ra mắt Ban chỉ đạo 701; công bố hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam - giai đoạn 1; kết quả hoạt động của Chương trình 504; trao đổi kinh nghiệm khắc phục hậu quả bom mìn ở các địa phương, các tổ chức quốc tế, gặp mặt và tiếp nhận nguồn tài trợ của các nhà tại trợ lớn trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.