Hàn Quốc hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn

GD&TĐ - Ngày 9/3, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức lễ khởi động Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”.

Đại diện các lãnh đạo, tổ chức tham gia dự án nhấn nút khởi động chương trình.
Đại diện các lãnh đạo, tổ chức tham gia dự án nhấn nút khởi động chương trình.

Dự án này dành cho hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định với tổng số tiền là 20 triệu USD nhằm xử lý bom mìn cho 28% diện tích đất còn bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ của tỉnh Quảng Bình và 48% diện tích đất của tỉnh Quảng Trị.

Mục đích của dự án nhằm giúp người dân Việt Nam loại trừ triệt để ảnh hưởng của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh để bảo đảm an toàn lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Dự án sẽ thực hiện 5 nội dung chính, trong đó chú trọng công tác khảo sát kỹ thuật để xác định diện tích thực sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ và làm sạch bom mìn, vật nổ. Nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân trong vùng dự án; hỗ trợ các nạn nhân bom mìn để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Bà Lee Myion, Công sứ Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam khẳng định: Dự án này có thể góp phần tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống của người dân ở miền Trung Việt Nam và đánh dấu một mốc quan trọng trong tình hữu nghị chân thành của hai nước.

Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã đánh giá cao sự phối hợp của KOICA và UNDP đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam khắc phục hậu quả sau chiến tranh.

Đối với tỉnh Quảng Bình, là nơi khốc liệt nhất trong chiến tranh; mảnh đất này phải hứng chịu 1.557.417 loạt quả bom các loại. Trung bình mỗi ki lô mét vuông chịu 158 quả bom, 16 quả đạn pháo, 3 loạt rốc két và mỗi 1 người dân tỉnh Quảng Bình phải chịu tới 574 kg bom, đạn. Mặc dù hơn 40 năm qua, người dân đã được sống trong hòa bình… nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng, nặng nề.

Tình trạng bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn còn hiện hữu ở hầu hết các địa phương ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. tại Quảng Bình: từ năm 1975 đến nay có 5.847 người chết và bị thương; trong vòng 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh xảy ra 164 vụ tai nạn bom mìn làm chết 49 người và bị thương 115 người, trong đó có rất nhiều trẻ em…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Phước) tham gia chương trình hướng nghiệp do Trường Đại học Gia Định tổ chức. Ảnh: M.Ngọc

Rút gọn phương thức tuyển sinh

GD&TĐ - Nhiều trường ĐH dự kiến rút gọn số lượng phương thức tuyển sinh, chú trọng đánh giá năng lực đầu vào trong mùa tuyển sinh 2025 sắp tới.