Chứng khoán Việt Nam về mốc cách đây 15 năm

GD&TĐ - Năm 2007, Chứng khoán Việt Nam lập mốc lịch sử 1.180 điểm. 15 năm sau - tức ở thời điểm hiện tại, Vn-Index về mức quanh 1.000 điểm...

Chứng khoán Việt Nam về mốc cách đây 15 năm

'Đêm trước' khủng khoảng 2008

Nhìn lại lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thấy, 2005 - 2007 là giai đoạn thăng hoa đáng nhớ của giới đầu tư khi Vn-Index (VNI) tăng liên tiếp trong vòng 2 năm.

Từ tháng 8/2005 VNI bước vào giai đoạn tăng trưởng từ mức 250 điểm. Thời điểm này, giá trị thanh khoản thị trường ở mức thấp (trên dưới khoảng 1.000 tỷ đồng mỗii phiên).

Sau khoảng nửa năm, VNI bứt phá ngoạn mục khi tăng từ 250 điểm lên 640 điểm - tương đương khoảng 153%.

Ở giai đoạn 2006, nhiều nhà đầu tư lâng lâng tận hưởng không khí thắng lợi từ thị trường chứng khoán. Mức 640 điểm được coi là "kỳ tích" đối với lịch sử chứng khoán.

Từ tháng 6/2006, sau khi lập kỳ tích, VNI bước vào giai đoạn giảm giá. Nhưng đà giảm chỉ diễn ra trong vòng 2 tháng từ 640 điểm về 413 điểm trước khi bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh hơn.

Với giới đầu tư chứng khoán kỳ cựu có lẽ nhớ như in giai đoạn từ ngày 2/8/2006 đến ngày 12/3/2007 khi VNI tăng dựng đứng từ 413 điểm lên 1.179 điểm.

Anh Nguyễn Khắc Thuận, trú tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhớ lại: Giai đoạn đó, nhà đầu tư lãi đậm. Tài sản chứng khoán tăng mạnh mẽ, nhiều người mua được nhà, tậu được xe và nhiều người đã trở thành tỷ phú.

Lý giải cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ trên của VNI, anh Thuận cho rằng: Thời điểm đó, tình hình trong nước và thế giới không có quá nhiều biến động xấu, tạo bệ đỡ tâm lý cho nhà đầu tư. Đa phần nhà đầu tư mua cổ phiếu có lãi, chỉ là ít hay nhiều mà thôi.

Mọi chuyện thay đổi từ nửa cuối năm 2007 khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu tác động mạnh mẽ đến Việt Nam.

Hẳn nhiều người hẳn còn nhớ, chỉ số giá tiêu dùng tăng chóng mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân. Ví dụ đơn giản mà nhiều người vẫn kể. Đó là một suất cơm sinh viên đang từ 1.500 - 2.000 đồng bỗng chốc tăng lên 5.000 rồi 10.000, 15.000 đồng.

Các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như bất động sản xảy ra tình trạng "bong bóng", khiến chính phủ phải ban hành nhiều chính sách hạn chế tiêu cực với nền kinh tế.

Tâm lý tiêu cực bao phủ thị trường khi VNI bắt đầu giảm điểm. Từ mốc lịch sử 1.179, VNI giảm về 235 điểm - thiết lập vào ngày 24/2/2009.

Nhiều năm sau, VNI không xuyên phá được mốc 1.000 điểm do những hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới để lại.

Từ đỉnh lịch sử năm 2007, phải mất tới 11 năm - tức 2018, VNI mới quay trở lại mốc 1.179 điểm và xuyên phá lên đến trên 1.200 điểm, qua đó thiết lập mức tăng mới của lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Nói dễ hiểu, nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu từ giai đoạn đỉnh năm 2007 thì phải mất 11 năm mới hòa vốn do thời kỳ VNI suy thoái kéo dài.

Sau khi thiết lập mốc tăng trưởng mới - 1.200 điểm vào cuối năm 2018, VNI bước vào giai đoạn hơn 1 năm giảm điểm. Qua đó từ 1.200 điểm về 650 điểm (tháng 3/2020).

Từ mốc 650 điểm, hai năm sau - tức tháng 1/2022, VNI lần thứ 4 thiết lập mức tăng kỷ lục với 1.535 điểm trước khi bước vào giai đoạn giảm giá như hiện nay.

Chứng khoán Việt Nam sẽ đi về đâu?

Chứng khoán Việt Nam sẽ đi về đâu là câu hỏi được nhiều người đặt ra cho các chuyên gia và cũng là tự vấn chính mình.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam - CSI nhận xét: So với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 thì giai đoạn này có những điểm giống và khác nhau về cả trong nước và quốc tế.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam.

Về bối cảnh quốc tế. Khủng hoảng giai đoạn 2008 xuất phát từ những sai lầm trong chính sách điều hành kinh tế của Mỹ. FED liên tiếp tăng lãi suất khiến cho tình hình lạm phát tại Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2008 xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực. Đó là tỷ lệ lạm phát rất cao buộc ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất huy động khoảng gần 20%. Tình trạng "vỡ bong bóng" bất động sản khiến cho nền kinh tế chìm sâu vào khủng hoảng. Tỷ giá hối đoái chênh lệch lớn là những trở ngại đối với nền kinh tế.

Hậu quả của khủng hoảng kinh tế nặng nề và kéo dài đến tận 11 năm sau - tức năm 2018, chỉ số Vn-Index mới trở lại ngưỡng 1.179 và vượt đỉnh một chút (1.200 điểm).

Thời điểm hiện tại, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khác biệt. Khủng hoảng xuất phát từ các mâu thuẫn và xung đột quốc tế dẫn đến đứt gãy nguồn cung toàn cầu. Lạm phát tại Mỹ và các nền kinh tế lớn liên tục tăng cao. FED liên tiếp tăng lãi suất điều hành và đặc biệt quan trọng là các căng thẳng quốc tế tồn tại yếu tố bất ngờ, không thể lường trước.

Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng: Chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ Việt Nam giai đoạn hiện nay có nhiều điểm đáng khen ngợi và khác biệt so với giai đoạn 2008 - 2012. Có lẽ kinh nghiệm xương máu ở giai đoạn khủng hoảng trước trở thành bài học quý báu cho các quyết sách hiện tại.

Điểm tích cực theo ông Ngọc đó là tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhất so với khu vực và thế giới - dự kiến duy trì ở mức 4%. Việc siết tín dụng vào khu vực bất động sản nhằm ngăn chặn tình trạng bong bóng như giai đoạn 2008 - 2012 giúp giảm thiểu rủi ro vĩ mô đối với nền kinh tế.

Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Ngọc đưa ra lời khuyên đối với mỗi nhà đầu tư, đó là cần phải nâng cao năng lực phân tích vĩ mô, phản ứng nhạy bén với những diễn biến kinh tế - chính trị trong nước và thế giới để có thể tự đánh giá tình hình, đưa ra quyết định phù hợp để giảm thiểu rủi ro trên thị trường.

Chung quan điểm trên, nhà đầu tư Nguyễn Xuân Thắng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng nhà đầu tư cần nắm bắt các diễn biến tích cực lẫn tiêu cực trong nước và thế giới để đưa ra quyết định bảo vệ dòng tiền đầu tư. Ngoài ra, mỗi người cần phải học cách đánh giá doanh nghiệp, tránh những doanh nghiệp có lãnh đạo sở hữu chéo ở nhiều công ty khác nhau, nhiều hệ sinh thái khác nhau. Các doanh nghiệp liên tiếp âm vốn, dòng tiền lưu chuyển âm...

"Khó khăn nhất không chỉ với nhà đầu tư mà cả với giới phân tích đó là tình hình xung đột quốc tế diễn biến bất ngờ. Vì vậy, mỗi cá nhân cần vừa quản trị rủi ro vừa bám sát chặt chẽ tình hình trong nước và quốc tế", anh Thắng cho biết.

Từ góc nhìn chuyên gia, ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá: Từ đây đến cuối năm 2022, FED sẽ còn khoảng 3 đợt hành động tăng hay giảm lãi suất điều hành nhằm đối phó với lạm phát. Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất thì đó vẫn là chỉ báo xấu đối với tình chung của chứng khoán thế giới và cả Việt Nam. Tuy nhiên, nếu FED dừng tăng lãi suất và tình hình lạm phát chững lại thì đó là thời điểm an toàn để giải ngân nguồn vốn, gia tăng vị thế trên thị trường chứng khoán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ