Sau lũ người dân Kỳ Sơn lại đối diện với nguy cơ sạt lở

GD&TĐ - Vừa chịu thiệt hại do mưa lũ, nhiều hộ dân ở xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) lại đối diện với nguy cơ sạt lở núi.

Mưa lũ kéo dài khiến địa chất ở huyện Kỳ Sơn bị tác động, nguy cơ sạt lở cao.
Mưa lũ kéo dài khiến địa chất ở huyện Kỳ Sơn bị tác động, nguy cơ sạt lở cao.

Ngày 7/10, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, một vết nứt lớn kéo dài hơn 100m, sâu 1m vừa xuất hiện ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ đang đe dọa nhiều hộ dân.

“Ngọn núi nằm ở phía Tây của bản Hòa Sơn đã xuất hiện vết nứt vòng cung khá lớn. Tôi nghĩ nếu cứ đà này nó không đổ sập năm này thì cũng năm khác. Nhưng nếu mưa cục bộ lớn thì cả quả núi này cũng sẽ đổ ập xuống bản làng lúc nào không hay”, ông Rê nói.

Nhiều dãy núi phía sau bản Hòa Sơn xuất hiện vết nứt, sạt lở đất nghiêm trọng.
Nhiều dãy núi phía sau bản Hòa Sơn xuất hiện vết nứt, sạt lở đất nghiêm trọng.
Nhiều ngôi nhà ở thoát khỏi lũ quét nhưng đang đối diện với nguy cơ sạt lở núi.

Nhiều ngôi nhà ở thoát khỏi lũ quét nhưng đang đối diện với nguy cơ sạt lở núi.

Một ngôi nhà ở bản Hòa Sơn bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng sạt lở núi.

Một ngôi nhà ở bản Hòa Sơn bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng sạt lở núi.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện Kỳ Sơn đang yêu cầu chính quyền xã Tà Cạ kiên quyết đưa các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao khi mưa lớn.

Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cùng người dân bản Hòa Sơn họp bàn phương án di dời vì nguy cơ sạt lở.

Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cùng người dân bản Hòa Sơn họp bàn phương án di dời vì nguy cơ sạt lở.

Anh Vi Văn Truyền - Trưởng bản Hòa Sơn cho biết, bản có khoảng 20 nhà bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nứt, sạt lở. Trong đó, có nhiều nhà nứt, nghiêng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của nứt, sụt lún núi đã làm tuyến đường nhựa từ thị trấn Mường Xén đi xã Tây Sơn, đoạn đi ngang qua địa bàn bản Hòa Sơn bị nứt nẻ, mặt đường bị đùn lên có nơi cao gần 50cm.

Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã vận động người dân di dời đến ở tạm tại các gia đình đang an toàn trong bản.

Nhiều bản làng của xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn tan hoang sau trận lũ quét sáng 2/10.

Nhiều bản làng của xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn tan hoang sau trận lũ quét sáng 2/10.

Lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo ông Thò Bá Rê, về lâu dài huyện Kỳ Sơn sẽ lập dự án tái định cư cho các hộ dân. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách của địa phương còn hạn chế, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh Nghệ An có phương án hỗ trợ.

Ngoài ra, do địa hình của huyện Kỳ Sơn chủ yếu là đồi núi có độ dốc cao, một bên là vực sâu và sông suối nên việc tìm được mặt bằng làm khu tái định cư cho người dân là hết sức khó khăn.

Được biết, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ có khoảng 200 hộ dân nằm dọc theo các đồi núi phía Tây và phía Nam của bản và bám dọc theo suối Huồi Giảng. Tuy nhiên, trong đợt lũ quét kinh hoàng vừa qua, bản làng này bị thiệt hại nặng nề.

Từ ngày 4/9 đến nay, tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An liên tục xảy ra mưa lũ lớn cục bộ, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều xã như Bảo Nam, Tà Cạ, Chiêu Lưu, Hữu Lập, Hữu Kiệm, thị trấn Mường Xén...

Riêng trận lũ ngày 2/10 đã làm 55 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 141 căn nhà bị ngập, sạt lở gây hư hỏng nặng; 36 nhà phải di dời khẩn cấp và nhiều tài sản khác như ô tô, xe máy... bị lũ cuốn trôi. Ước tính thiệt hại ban đầu trong đợt mưa lũ này hơn 100 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ