Vòng chung kết là sự kiện tranh tài trực tiếp của các đội xuất sắc nhất từ ba bảng: bảng THPT, bảng Đại học - Dự án ý tưởng, và bảng Đại học - Dự án có sản phẩm.
Các đội thi đã phải vượt qua 4 vòng thi cam go, với sự đánh giá kỹ lưỡng từ 30 giám khảo là CEO các doanh nghiệp công nghệ, lãnh đạo ngân hàng, các chuyên gia từ quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Mỗi vòng thi là một thử thách lớn đối với các thí sinh, đòi hỏi các dự án không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo mà còn phải có sự chuẩn bị tỉ mỉ, chuyên nghiệp và sự hiểu biết sâu sắc về thị trường cũng như ứng dụng thực tiễn của sản phẩm, giải pháp.
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, năm nay các dự án tham dự có nhiều dự án chất lượng, với những giải pháp sáng tạo và có tính ứng dụng cao. Đặc biệt, nhiều dự án không chỉ giải quyết các vấn đề kinh doanh mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, thể hiện trách nhiệm cộng đồng của thế hệ khởi nghiệp trẻ.
“Chúng tôi hy vọng các dự án này sẽ trở thành những mầm xanh, phát triển thành doanh nghiệp thành công và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. 100% các dự án tham gia Cuộc thi R&D to Start-up 2024 dù được giải hay không sẽ vẫn được tham gia ươm tạo tại Vườn ươm Khởi nghiệp Sáng tạo Đại học Quốc gia Hà Nội để có cơ hội phát triển tiếp dự án, được tạo cơ hội kết nối với Câu lạc bộ cựu sinh viên doanh nhân Đại học Quốc gia Hà Nội để bảo trợ chuyên môn,...”, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm chia sẻ.
Chia sẻ về ý nghĩa cuộc thi, ông Lê Đình Lực, CEO hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English, đơn vị tài trợ cho biết, những cuộc thi như R&D to Start-up 2024 rất cần thiết cho những bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp. Đây không chỉ là sân chơi tạo môi trường để giao lưu, học hỏi kiến thức thực tế mà còn tạo điều kiện để những ý tưởng của các bạn trẻ trở nên “cứng cáp” hơn, góp phần đáp ứng được các đòi hỏi gắt gao của hành trình startup thú vị nhưng cũng không kém phần chông gai này.
Với kinh nghiệm sau 7 năm khởi nghiệp và là sáng lập viên của DOL English - startup về edtech được định giá 25 triệu USD, ông Lê Đình Lực cho rằng đúc kết trí tuệ Việt nói chung, giới trẻ Việt nói riêng hoàn toàn có thể cạnh tranh với bạn bè quốc tế trong khía cạnh khởi nghiệp.
“Điều quan trọng giới trẻ Việt cần có là cơ hội để được tiếp thêm năng lực, niềm tin khởi nghiệp thị trường trong nước lẫn quốc tế và ông tin những cuộc thi như R&D to Start-up 2024 đang hoàn thành tốt sứ mệnh đó. DOL English chúng tôi có thể nói đang tiên phong trong việc cách mạng hoá việc dạy và học tiếng Anh, bao gồm việc hoàn toàn tự thiết kế: Hệ phương pháp Linearthinking độc quyền; nền tảng siêu công nghệ tự phát triển superLMS hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh; bộ giáo trình không cắt ghép, vay mượn bất kì nguồn nào mà tự thiết kế nội dung + hình ảnh 100% theo tư duy Linearthinking”, ông Lê Đình Lực cho hay.
Khởi nghiệp sáng tạo công nghệ 2024 thu hút 206 dự án từ hơn 80 trường đại học và THPT trên cả nước với 613 thành viên tham gia. Các dự án tham gia năm nay tập trung vào những giải pháp công nghệ mới, từ công nghệ vật liệu, môi trường, sinh học, cơ điện tử, đến các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Big Data, IoT trong quản trị doanh nghiệp.