Chùn tay vì bão lạm phát

GD&TĐ - Lạm phát gia tăng đang khiến người tiêu dùng trên khắp thế giới phải cân nhắc hơn trước về các khoản chi tiêu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhiều người phải cắt giảm những sản phẩm và dịch vụ không thiết yếu và thay đổi thói quen tiêu dùng để tiết kiệm.

Trong hơn 5 năm sau khi ra mắt ứng dụng tài chính cá nhân Truebill chuyên quản lý phí thuê bao, hóa đơn và các khoản thanh toán khác, nhà sáng lập ứng dụng này Yahya Mokhtarzada cho biết từng chứng kiến sự bùng nổ của các dịch vụ thuê bao trong những năm trước. Nhưng giờ đây, xu hướng này đã đảo ngược trong bối cảnh lạm phát gia tăng khi người tiêu dùng phải xem xét cắt giảm nhiều dịch vụ.

Theo số liệu của Truebill, các dịch vụ thuê bao như nền tảng phát video và phim ảnh trực tuyến Netflix đang chứng kiến xu hướng rời mạng cao. Trong năm ngoái, có 2,5 triệu người dùng của Truebill đã hủy đăng ký nhiều dịch vụ, từ video trực tuyến đến giao đồ ăn. Đến tháng 3 vừa qua, số lượt hủy đăng ký trên ứng dụng này đã nhiều hơn số lượt đăng ký mới.

Giải thích về điều này, ông Mokhtarzada nhận định chừng nào mà nền kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn thì xu hướng này sẽ còn tăng vì mọi người sẽ ngày càng nói thận trọng hơn với túi tiền của mình. Đây chính là một trong những dấu hiệu rõ nét phản ánh những ảnh hưởng của làn sóng lạm phát hiện nay.

Trước đó hôm 20/4, giá cổ phiếu của nền tảng phim ảnh trực tuyến Netflix đã giảm hơn 35%, khiến vốn hóa công ty bị thổi bay 50 tỷ USD. Sự sụt giảm này xuất hiện sau khi Netflix báo cáo số lượng người đăng ký giảm lần đầu tiên trong một thập kỷ.

Ngoài sức ép cạnh tranh từ các đối thủ thì việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì lạm phát được giải thích là nguyên nhân chính khiến doanh thu và số người dùng Netflix lao dốc.

Ngoài ảnh hưởng đến thói quen mua sắm, lạm phát còn dẫn đến sự gia tăng số tiền tiết kiệm trong sinh hoạt của người dân. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), người dân Mỹ đã tiết kiệm thêm được 4,2 tỷ USD tiền mặt trong năm 2021. Nhưng sự gia tăng số tiền tiết kiệm của người tiêu dùng cũng đồng nghĩa doanh số bán hàng của nhiều thương hiệu đi xuống.

Trong đó ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nhất của bão lạm phát là thời trang, lĩnh vực người tiêu dùng cắt giảm đầu tiên khi đối mặt khó khăn. Trong tháng 4 này, hãng bán lẻ quần áo trực tuyến lớn nhất tại Anh là Asos, có trụ sở tại London, đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng doanh số và lợi nhuận. Cổ phiếu của công ty này trên thị trường chứng khoán Anh cũng giảm gần 40% kể từ đầu năm.

Tương tự như vậy, hãng thời trang H&M của Thụy Điển cũng báo cáo tăng trưởng doanh số bán hàng giảm tốc đột ngột trong tháng 3/2022. Nhưng trái ngược với lĩnh vực thời trang, tình hình của ngành du lịch lại khả quan bất chấp bão lạm phát. Nguyên nhân vì những người tiêu dùng tích lũy được các khoản tiết kiệm và nhu cầu cho những chuyến nghỉ dưỡng đã bị dồn nén trong suốt hai năm bị đại dịch Covid-19 ngăn cản.

Hai hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ là American Airlines và Delta Airlines báo cáo doanh thu bán vé kỷ lục vào tháng 3 và triển vọng gặt hái được lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay trong quý II. Các chuyên gia nhận định xu hướng này phản ánh người tiêu dùng sẽ vẫn mạnh tay chi tiêu cho những gì họ cảm thấy thoải mái như đi du lịch nghỉ dưỡng, bất chấp nền kinh tế có xấu đi và lạm phát tăng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ