"Nếu tôi ở trường học thì việc này đã không xảy ra” – Bosibori nói.
Khi các trường học Kenya phải đóng cửa do đại dịch Covid-19 và mẹ cô phải bán rau bên đường, Bosibori đã quan hệ với một thanh niên ở độ tuổi 20. Khi biết cô có thai, anh ta đã không trả lời điện thoại cô nữa.
Trong khi mang thai, cô làm việc nhà như giặt giũ tại những vũng nước ở thị trấn tồi tàn Kiberia - một vùng ngoại ô nghèo của thủ đô Nairobi của Kenya – nơi người dân sống trong những ngôi nhà lợp bằng thiếc chen chúc nhau và chằng chịt đường tàu. Cô đã tới một khu chợ gần đó để mua quần áo cũ cho đứa bé sắp chào đời.
Các tổ chức phi chính phủ về sức khỏe sinh sản toàn cầu cảnh báo rằng các lệnh phong tỏa có thể dẫn đến tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tăng cao.
Trong số các khách hàng của nhóm viện trợ thuộc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) tại thị trấn Lodwar xa xôi phía bắc, số ca mang thai ở tuổi vị thành niên đã tăng gấp 3 lần lên 625 ca trong tháng 6 đến tháng 8 năm nay, so với 226 ca cùng kỳ năm trước.
Tại phòng khám thai mà Bosibori đến cùng với những cô bạn có chung hoàn cảnh, số lượng các cô gái trẻ mang thai cũng tăng lên. Đó là chưa kể đến những cô gái mang bầu nhưng do hoàn cảnh mà không thể tới khám.
Đại diện Ademola Olajide của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Kenya cho biết các cô gái trẻ mang thai không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như phụ nữ trưởng thành. Điều này khiến họ dễ gặp phải những biến chứng về sức khỏe và phá thai không an toàn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mang thai và sinh con là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi.
Từ giờ tới tháng 1 năm sau khi các trường học ở Kenya mở cửa lại hoàn toàn, Bosibori sẽ dành hầu hết thời gian để chăm con và tranh thủ học bài.
Mẹ của Bosibori cũng sinh cô ra khi mới 18 tuổi, bà cho biết sẽ tìm cách chăm sóc cháu để con gái trở lại trường học.