Chuẩn nghèo mới: hướng xóa bỏ chính sách “cho không”

GD&TĐ - Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chú trọng hướng tiếp cận cho người nghèo vào việc làm, sinh kế, dần xóa bỏ chính sách “cho không”.

Chính sách giảm nghèo mới hướng người lao động vào học nghề, tạo việc làm để xóa nghèo bền vững
Chính sách giảm nghèo mới hướng người lao động vào học nghề, tạo việc làm để xóa nghèo bền vững

Tăng thêm nhiều hộ nghèo

Về tiêu chí thu nhập, trên cơ sở tính toán của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ước tính ngân sách thực hiện và mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất áp dụng tiêu chí về thu nhập theo phương án 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, tương ứng với chuẩn mức sống tối thiểu, có điều chỉnh giảm số lẻ đến đơn vị chục nghìn.

Các tiêu chí về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được đề xuất gồm 6 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm 12 chỉ số.

Cụ thể: Chỉ số dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin; việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình.

Đáng chú ý, chỉ số về việc làm được quy định rõ: Hộ gia đình có ít nhất một người không có việc làm (người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, sẵn sàng/mong muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm), hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động.

Chỉ số người phụ thuộc trong hộ gia đình cũng được quy định: Hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50% (Người phụ thuộc bao gồm: trẻ em dưới 16 tuổi; người cao tuổi, người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng...

Từ các tiêu chí được nêu, chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, Khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Đánh giá tác động về chuẩn nghèo mới của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tại thời điểm tháng 1/2021, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới chuẩn nghèo thu nhập, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ, tăng 2,32 triệu hộ so với năm 2020, tương ứng khoảng 17,447 triệu người.

Chuẩn nghèo cao hơn và chính sách hỗ trợ có điều kiện

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, khi áp dụng chuẩn nghèo mới, ước tính mức tăng ngân sách năm 2021 khoảng 11.200 tỷ đồng bao gồm cả ngân sách trung ương và địa phương so với năm 2020 để thực hiện chính sách thường xuyên hỗ trợ trực tiếp người nghèo, cận nghèo.

Bình quân ngân sách chi thực hiện chính sách thường xuyên hỗ trợ trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025 khoảng 25.000 tỷ đồng/năm.

Tổng kinh phí thực hiện chính sách thường xuyên cơ bản không tăng so với giai đoạn 2016-2020 do chính sách đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng hỗ trợ có điều kiện, giảm dần và tiến tới xóa bỏ chính sách “cho không”. Việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo dựa trên tiêu chí xác định chiều thiếu hụt, mức độ thiếu hụt, không bình quân, cào bằng.  

Chuẩn nghèo mới không làm gia tăng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, do Chính phủ bố trí nguồn lực tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách.

Trong 27 năm qua, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo chủ trương chuẩn nghèo giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước và tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, việc xác định tiêu chí thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu giai đoạn 2021-2025 phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là minh chứng rõ nét nhất thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với mục tiêu nâng cao mức sống đối với người nghèo có thu nhập thấp trong xã hội, được quốc tế đánh giá là thành tựu nổi bật Việt Nam trong công tác giảm nghèo trong khu vực và trên thế giới.

Các đối tác phát triển quốc tế cũng khuyến nghị Chính phủ ban hành chuẩn nghèo mới có tiêu chí thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu vì Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, bảo đảm thực hiện mục tiêu của Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện  chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đây là bài viết tuyên trruyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ TTTT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.