Chuẩn hóa đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam

GD&TĐ - Hội thảo khoa học quốc tế “Chuẩn hóa công tác đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam” được tổ chức chiều 24/5, tại Hà Nội.

PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Diễn ra trong 2 ngày (24-25/5), Hội thảo do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội phối hợp với Tổ chức Quỹ Sejong tổ chức; nhằm tìm hiểu thực trạng đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam; tìm kiếm phương án hiện thực hóa, đẩy mạnh triển khai đào tạo tiếng Hàn biên phiên dịch tại các đơn vị của Học viện King Sejong tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh: với vai trò là trung tâm nghiên cứu, đào tạo hàng đầu tại Việt Nam về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội đã có đóng góp quan trọng trong đào tạo Hàn Quốc học tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia.

Nhà trường đã ký kết nhiều văn bản hợp tác với các đối tác tại Hàn Quốc và luôn ủng hộ hoạt động phát triển đào tạo tiếng Hàn, văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trong những năm qua, Học viện King Sejong, mà trực tiếp là Học viện King Sejong Hà Nội 1 có trụ sở tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội đã có đóng góp thiết thực trong khơi dậy niềm yêu thích, đam mê học tập, nghiên cứu tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc tới thế hệ trẻ Việt Nam.

Ông Park Seong Min - Giám đốc Học viện King Sejong trụ sở chính tại Việt Nam phát biểu.

Ông Park Seong Min - Giám đốc Học viện King Sejong trụ sở chính tại Việt Nam phát biểu.

Chia sẻ về những thách thức nội tại trong đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam, TS Lê Thị Thu Giang, Giám đốc Học viện King Sejong Hà Nội 1, nhắc đến đầu tiên là hoạt động giảng dạy biên phiên dịch của giáo viên thiên về dựa trên kinh nghiệm riêng hơn là theo một mô hình sư phạm hay mô hình của một lý thuyết nào đó. Điều này có liên quan trực tiếp đến chất lượng đội ngũ giáo viên.

Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có các khóa đào tạo hoặc tập huấn về biên phiên dịch nên phần lớn giáo viên đều chưa được đào tạo chuyên sâu về biên phiên dịch. Điều này khiến cho đội ngũ giáo viên không có được những kiến thức chuyên biệt cho giảng dạy biên phiên dịch.

Trên thực tế, không phải người giỏi ngoại ngữ hay người biên phiên dịch giỏi là có thể trở thành giáo viên biên phiên dịch giỏi. Trải nghiệm của giáo viên là đa dạng và mang tính riêng biệt, cần phải được khái quát hóa theo những lý thuyết, mô hình đào tạo thống nhất và hệ thống.

TS Lê Thị Thu Giang, Giám đốc Học viện King Sejong Hà Nội 1 chia sẻ tại hội thảo.

TS Lê Thị Thu Giang, Giám đốc Học viện King Sejong Hà Nội 1 chia sẻ tại hội thảo.

Thứ hai, hoạt động giảng dạy biên phiên dịch hiện nay phần lớn tập trung vào việc rèn luyện, đánh giá năng lực tạo bản dịch; hay nói cách khác là tập trung vào giai đoạn sản xuất, tái tạo sản phẩm ở ngôn ngữ đích, mà ít chú trọng nhiều vào việc đào tạo các kỹ năng chuyên môn, tính quá trình của hoạt động biên phiên dịch.

Điều này vô hình chung làm cho hoạt động thực hành phiên dịch thiên về hoạt động luyện nghe, hoạt động biên dịch thiên về đánh giá sản phẩm dịch. Những giai đoạn chuẩn bị cho việc tái tạo sản phẩm dịch sang ngôn ngữ đích như tiếp nhận, phân tích trích xuất ý nghĩa của thông điệp nguồn, xử lý thông tin, mô tả chức năng sản phẩm dịch, biến đổi sang ngôn ngữ đích...thường không được chú trọng.

Hạn chế về cơ sở vật chất, xu hướng thu gọn quy mô và thời lượng của các chương trình đào tạo cũng là thách thức đối với quá trình đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn hiện nay…

Để nâng cao chất lượng, chuẩn hóa quá trình đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn, TS Lê Thị Thu Giang đề xuất cần xác định rõ mục tiêu đào tạo để hoàn thiện chương trình đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn theo hướng chất lượng, hiệu quả và gắn với nhu cầu thực tiễn.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống giáo trình, bài giảng với nội dung đa dạng, toàn diện và có tính thực tiễn. Phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy biên phiên dịch cả về số lượng và chất lượng.

Đồng thời, cần kêu gọi và tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan tổ chức của Hàn Quốc ở các khía cạnh nhất định, như cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ cho việc đào tạo biên phiên dịch, hoàn thiện hệ thống giáo trình và bài giảng, xây dựng khung đánh giá năng lực cho biên phiên dịch tiếng Hàn, hướng tới xây dựng hệ thống cấp chứng chỉ biên phiên dịch tiếng Hàn cho người học Việt Nam.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận các vấn đề đang được quan tâm trong hoạt động đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam, như: Tiêu chí đánh giá chất lượng bản dịch áp dụng cho các khoa đào tạo tiếng Hàn định hướng biên phiên dịch; xây dựng chương trình giảng dạy biên phiên dịch tiếng Hàn Quốc hệ đại học phù hợp với thực tiễn ứng dụng tại Việt Nam; khó khăn trong giảng dạy biên phiên dịch Việt - Hàn; phương pháp tích hợp kỹ năng dịch trong giảng dạy thực hành tiếng Hàn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ