Xu hướng học ngoại ngữ: tiếng Nhật và tiếng Hàn ngày càng thu hút học sinh Việt

GD&TĐ - Trong kỉ nguyên toàn cầu hóa, việc hiểu biết thêm những ngoại ngữ mới mang lại cho học sinh thêm ưu thế và mở rộng cơ hội nghề nghiệp.

Xu hướng học ngoại ngữ: tiếng Nhật và tiếng Hàn ngày càng thu hút học sinh Việt

Xu hướng học tiếng Nhật và tiếng Hàn – thách thức và cơ hội cho giáo dục ngoại ngữ ở Việt Nam

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có nền văn hóa độc đáo và kinh tế phát triển mạnh mẽ ở khu vực Châu Á. Những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản được tăng cường mạnh mẽ, số doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản ở Việt Nam gia tăng, trong khi số lượng người Việt Nam đi học và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng lên nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản, đến nay, có khoảng trên 40.000 du học sinh Việt Nam tại xứ sở mặt trời mọc, đứng thứ 2 về số lượng du học sinh đến Nhật Bản. Thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy, số lượng sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc vẫn tăng đều trong thời gian qua, lên tới trên 180.000 người vào năm 2023, trong đó sinh viên Việt Nam cũng chiếm tỉ lệ lớn thứ hai, khoảng hơn 43.000 người.

Như vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc đang dần trở thành 2 quốc gia có sức thu hút mạnh mẽ với học sinh, sinh viên Việt Nam bởi sự đa dạng, hấp dẫn về văn hóa và tiềm năng nghề nghiệp mở rộng ở 2 quốc gia phát triển này.

Xu hướng học tiếng Nhật và tiếng Hàn của học sinh Việt Nam không chỉ thể hiện sự đa dạng trong lựa chọn ngôn ngữ, mà còn là dấu hiệu của sự mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết về văn hóa quốc tế. Việc đầu tư vào học ngoại ngữ không chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp mà còn làm giàu thêm trải nghiệm cá nhân và văn hóa của học sinh. Điều này đặt ra thách thức và cơ hội cho giáo dục ngoại ngữ nói chung và tiếng Nhật, tiếng Hàn nói riêng ở Việt Nam.

Từ đó có thể thấy, thúc đẩy giáo dục tiếng Nhật và tiếng Hàn trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay là vô cùng cần thiết và phù hợp với xu hướng. Việc học ngoại ngữ thứ ba bên cạnh tiếng Anh nói chung và tiếng Nhật, tiếng Hàn nói riêng không chỉ giúp các em học sinh mở rộng vốn ngoại ngữ của mình mà còn phát triển khả năng chuyển đổi giữa các ngôn ngữ khác nhau. Sự linh hoạt trong chuyển ngữ ấy chính là tiền đề để các em trau dồi tư duy đa nhiệm – một trong những kỹ năng hàng đầu trong kỷ nguyên hiện nay.

Thúc đẩy giáo dục tiếng Nhật và tiếng Hàn ở bậc phổ thông đáp ứng nhu cầu ngoại ngữ đa dạng của học sinh Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước

Nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh và yêu cầu đa dạng của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực, theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh phổ thông Việt Nam bắt buộc phải học một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) và được tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là Ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức) là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Cơ sở giáo dục có thể tổ chức học Ngoại ngữ 1 bắt đầu từ lớp 1 nếu học sinh có nhu cầu và cơ sở giáo dục có khả năng đáp ứng.

Ngoại ngữ 2 (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn) là môn học tự chọn, có thể tổ chức dạy học bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bất kì lớp nào tuỳ theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục. Căn cứ vào Ngoại ngữ 1, học sinh có thể chọn một trong các môn ngoại ngữ còn lại là Ngoại ngữ 2. Ví dụ, học sinh đã học Tiếng Anh là Ngoại ngữ 1 thì có thể chọn học Tiếng Nhật hoặc Tiếng Hàn như Ngoại ngữ 2.

Tiếng Nhật và Tiếng Hàn là 2 môn ngoại ngữ nằm trong danh mục các môn Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2 thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ SGK Tiếng Nhật và Tiếng Hàn Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2 đã và đang được tổ chức biên soạn bởi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (đơn vị trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) với đầy đủ các bước theo quy trình biên soạn sách giáo khoa (tổ chức bản thảo, thực nghiệm và thẩm định bởi Hội đồng thẩm định quốc gia, lấy ý kiến giáo viên, giới thiệu, tập huấn…) nhằm đảm bảo chất lượng chương trình trước khi đưa vào nhà trường phổ thông Việt Nam.

Đây là nguồn học liệu chuẩn mực, tin cậy dành cho học sinh, giáo viên và nhà trường. Bộ sách hứa hẹn giúp các em học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ mới thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Học sinh sẽ có hiểu biết thêm về đất nước, con người và văn hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc; có thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, con người của đất nước này; có thể sử dụng ngôn ngữ một cách tự tin, hiệu quả phục vụ học tập và giao tiếp trong môi trường quốc tế hóa. Ngay cả khi không đăng ký học môn Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2 theo chương trình của nhà trường, các em học sinh hay bất kỳ người học nào cũng có thể dễ dàng tự học và làm quen tiếng Nhật/tiếng Hàn với bộ sách này.

Việc xây dựng bộ sách giáo khoa Tiếng Nhật và Tiếng Hàn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới chương trình, hoàn thiện trọn bộ sách giáo khoa với đầy đủ các môn học ngoại ngữ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng được các yêu cầu và mục tiêu chương trình môn Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2 đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.