Đây là hoạt động tập huấn đầu tiên ở cấp trung ương để triển khai hai chuẩn nói trên với sự tham gia của khoảng 200 CBQL cấp sở, phòng GD&ĐT, CBQL cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên mầm non cốt cán các tỉnh phía Bắc.
Theo TS Nguyễn Hải Thập – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục – ngày 8/10/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 25/2018/BGDĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non (chuẩn hiệu trưởng) và Thông tư số 26/2018/BGDĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non (chuẩn giáo viên).
Bà Cù Thị Thủy – Phó trưởng Phòng Phát triển Nhà giáo và CBQL giáo dục - báo cáo viên tại hội nghị tập huấn |
Chuẩn hiệu trưởng gồm 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí; xếp loại đánh giá theo 4 mức (tốt, khá, đạt và chưa đạt). Mục đích ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng nhằm làm căn cứ để hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Làm căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá phẩm chất, năng lực của hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non; xây dựng và thực hiện chế độ chính sách phát triển đội ngũ CBQL cơ sở giáo dục mầm non; lựa chọn, sử dụng đội ngũ CBQL cơ sở giáo dục mầm non cốt cán.
Khoảng 200 CBQL, giáo viên mầm non cốt cán dự hội nghị tập huấn |
Chuẩn cũng làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, CBQL giáo dục xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực quản trị nhà trường cho đội ngũ CBQL cơ sở giáo dục mầm non. Làm căn cứ để các phó hiệu trưởng thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng; giáo viên thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng tự đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực quản trị nhà trường.
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh – Trưởng nhóm nghiên cứu chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục mầm non chia sẻ tại hội nghị tập huấn |
Chuẩn giáo viên gồm 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí; xếp loại đánh giá cũng theo 4 mức (tốt, khá, đạt và chưa đạt). Mục đích ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non nhằm làm căn cứ để giáo viên mầm non tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Làm căn cứ để cơ sở giáo dục mầm non đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non; xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non, địa phương và của ngành Giáo dục.
Đồng thời, chuẩn làm căn cứ để các cơ quan quản lý nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ giáo viên mầm non; lựa chọn và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non cốt cán. Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp của giáo viên mầm non.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Trưởng nhóm nghiên cứu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non chia sẻ tại hội nghị tập huấn |
Triển khai Thông tư số 25/2018/BGDĐT và Thông tư số 26/2018/BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch triển khai hướng dẫn thực hiện chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non và chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.
Một trong những mục đích, yêu cầu được nêu ra trong kế hoach này là tập huấn hướng dẫn thực hiện chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non theo Thông tư 25 và hướng dẫn thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non theo Thông tư 26;
CBQL giáo dục và giáo viên mầm non nắm vững nội dung chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên, cách tiến hành triển khai đánh giá, xếp loại CBQL giáo dục và giáo viên mầm non theo chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên đảm bảo đúng quy trình, yêu cầu theo quy định. CBQL giáo dục và giáo viên mầm non được tham gia tập huấn có khả năng tập huấn cho đồng nghiệp về nội dung, cách tiến hành đánh giá, xếp loại của chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên...