Chuẩn giáo viên: Động lực để nhà giáo phấn đấu

GD&TĐ - Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng GD. Việc tập huấn giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp (Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT) được tiến hành ở 63 tỉnh thành trên cả nước, có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển năng lực giáo viên trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Năng lực nghề nghiệp của giáo viên sẽ là mấu chốt trong đổi mới phương dạy và học trong Chương trình GDPT mới
Năng lực nghề nghiệp của giáo viên sẽ là mấu chốt trong đổi mới phương dạy và học trong Chương trình GDPT mới

Chuẩn không “làm khó” giáo viên

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) với 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2018. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên và cán bộ cốt cán của 63 tỉnh thành, làm lan toả tinh thần của Thông tư 20 trong thực tiễn. Việc tập huấn giáo viên theo chuẩn đã tạo động lực cho các nhà giáo phấn đấu, tự rèn luyện để nâng cao năng lực chuyên môn.

Cô Phạm Thị Liên, Trường Tiểu học Thanh Lưu (Thanh Liêm, Hà Nam) cho biết: “Trong đợt tập huấn triển khai Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở GDPT (gọi tắt là Thông tư 20) là cơ hội để tôi và đồng nghiệp hiểu rõ hơn nội dung cốt lõi cũng như tinh thần nhân văn của Thông tư.

Mỗi giáo viên thấy mình cần phải học hỏi hơn nữa, soi vào thông tư, đối chiếu với các tiêu chuẩn, tiêu chí; bản thân mỗi giáo viên nhận ra điểm thiếu khuyết về năng lực, kỹ năng để tự bồi dưỡng, hoàn thiện để hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù, các GV đều nhận ra thiếu khuyết của mình nhưng chúng tôi không cảm thấy áp lực, vì Thông tư đã tạo cơ hội cho những giáo viên như tôi học hỏi, nâng cao trình độ, phát triển bản thân, giúp chúng tôi có nhu cầu hơn về phát triển năng lực nghề nghiệp”.

Đặc biệt tâm đắc chất nhân văn của Chuẩn giáo viên mới ban hành, thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng, điểm nổi bật của Thông tư là những quy định không mang tính hình thức, không dùng kết quả đánh giá để luân chuyển, điều động cán bộ, cũng không dùng kết quả đánh giá theo chuẩn làm tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua. “Thông tư có tính mở, với biên độ rất rộng, thể hiện ở chỗ nó định hướng cho người ta phấn đấu, rèn luyện và có một chu trình rất rõ”, thầy Nguyễn Minh Quý nói.

Về quy trình đánh giá, Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở GDPT nêu rõ: “Giáo viên tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm, để tự xác định mức độ đạt được theo chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ hai năm một lần. Quy định chuẩn không “làm khó” giáo viên mà tạo động lực để mỗi người không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Động lực để nhà giáo đổi mới, sáng tạo

Nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đang đặt ra những trọng trách không nhỏ đối với những người làm nghề giáo trong việc đảm nhận sứ mệnh cao cả: “Trồng người”. Chương trình bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo theo những yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn cán bộ quản lý các cấp giúp mỗi nhà giáo ở cương vị công tác của mình, thường xuyên tự học tập và rèn luyện để nâng cao mức đạt được theo các yêu cầu của chuẩn.

GD cho HS không chỉ có dạy chữ mà phải chú trọng dạy làm người, dạy kỹ năng sống để các em phát triển toàn diện. Để làm được song hành cả hai việc này, bản thân mỗi thầy cô giáo phải không ngừng học hỏi, tự rèn luyện, trau dồi kỹ năng sống, ý thức và trách nhiệm trong sự nghiệp “trồng người”. Vì thế, việc bồi dưỡng giáo viên là cần thiết trong quá trình đổi mới GD. 

Cô Lê Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Thụy Lâm A (Đông Anh - Hà Nội) cho biết: Một trong những điểm yếu của giáo viên hiện nay chính là sự thụ động và ngại thay đổi. Nhiều giáo viên về trình độ công nghệ thông tin còn non khiến cho tiếp cận các thông tin và kiến thức giáo dục trên Internet còn chậm.

Đánh giá cao về chuẩn nghề nghiệpđộng lực để giáo viên phấn đấu, cô Huyền cho rằng, Điều 8, chương 2 của Thông tư 20 Bộ GD&ĐT có quy định về Ngoại ngữ và Tin học, điều này phù hợp với xu thế đổi mới của xã hội. Tuy nhiên, khi có hướng dẫn về việc thi nâng ngạch giáo viên, nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, có tâm với HS, tạo được niềm tin yêu cho phụ huynh và HS, đặc biệt tạo nhiều hứng thú cho các em trong quá trình giảng dạy, nhưng do yêu cầu về Ngoại ngữ quá cao với trình độ hiện có, nên cơ hội đạt khi thi nâng ngạch rất khó.

Một số thầy cô tham gia học các lớp học ngắn hạn để đủ điều kiện, nhưng việc học đó như bắt cóc bỏ đĩa, khi thực tế giảng dạy của giáo viên cơ bản hoàn toàn xa vời so với việc có bằng này bằng khác về ngoại ngữ? Hiện nay, Bộ quy định mỗi đơn vị thi nâng hạng không quá 4%, như thế là quá ít đối với các trường phổ thông có nhiều cấp học.

Cô Hồ Thi Thu Chung, Trường Tiểu học Thạch Đồng (Hà Tĩnh) cho rằng, để nâng cao năng lực, giáo viên có thể tự học qua Internet, qua các kênh tài liệu khác. Việc làm này có hiệu quả nhưng chưa thực rõ ràng bởi vì khả năng tự học của mỗi cá nhân khác nhau, việc kiểm soát kết quả bồi dưỡng thường xuyên còn nhiều khó khăn. Tuỳ thuộc vào nhu cầu thực tế, không nên áp đặt số lần tham gia bồi dưỡng thường xuyên. Giáo viên cần cập nhật các chương trình bồi dưỡng thường xuyên liên tục trên diễn đàn trường học kết nối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ