Chỉ còn vài ngày nữa cả nước sẽ khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Đến thời điểm này, đội ngũ GV các cấp học đã được chuẩn bị như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Năm học 2018 - 2019 tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp của ngành Giáo dục đã đề ra; đồng thời là năm học mà toàn ngành tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới từ năm học 2019 - 2020.
Bộ GD&ĐT luôn luôn xác định và đề cao vai trò có tính chất “then chốt” của đội ngũ GV. Ngay từ học kỳ II năm học 2017 - 2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng GV theo từng môn học, cấp học, gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ GV hiện có cho năm học 2018 – 2019. Đồng thời, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm sát với nhu cầu sử dụng.
Đến nay, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các địa phương đang thực hiện việc tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ và tổ chức các khóa bồi dưỡng hè về chính trị, phương pháp, nghiệp vụ dạy học cho CBQL, GV các cấp; tiếp tục thực hiện các chính sách và làm tốt việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng với đội ngũ.
Bắt đầu từ năm học này, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện đánh giá CBQL, GV theo các chuẩn/tiêu chuẩn mới được ban hành, thay thế cho các chuẩn trước đây, nhằm giúp Bộ có bức tranh tổng thể về chất lượng đội ngũ; từ đó có những chỉ đạo và kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ.
Năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục bước đầu phải hoàn tất các khâu chuẩn bị cho quá trình thực hiện Chương trình, SGK mới, đặc biệt là lớp 1. Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị GV đủ về số lượng và cơ cấu môn học, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV theo Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL giáo dục mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ |
Hiện nay, vẫn còn có những địa phương tồn tại thực trạng thừa/thiếu và hợp đồng GV không đúng quy định; đặc biệt là vấn đề thiếu GV do tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh. Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Khắc phục tình trạng còn một số lượng lớn GV mầm non, phổ thông đang hợp đồng lao động và tình trạng thiếu GV mầm non, nhất là một số địa phương có tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh do phát triển mạnh các khu công nghiệp, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành Giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số cơ học, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã họp bàn với Bộ GD&ĐT thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động với GV trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục; rà soát, tổng hợp về dân số, số học sinh trên địa bàn từ năm 2015 - 2018 nhằm làm rõ việc tăng, giảm về dân số và tăng, giảm học sinh tại các cấp học, bậc học. Trong đó tập trung làm rõ việc tăng, giảm học sinh cơ học tại các cấp học, bậc học ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị.
Trên cơ sở đó, tổng hợp nhu cầu về GV cần tăng thêm của tỉnh sau khi đã thực hiện tự điều chỉnh, cân đối trong tổng số người làm việc được giao của địa phương nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu, để Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ GD&ĐT phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập của các địa phương, bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có GV giảng dạy.
Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Chương trình và SGK mới |
Bắt đầu từ năm học 2019 - 2010, chúng ta sẽ triển khai thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới đối với lớp 1. Xin Thứ trưởng cho biết, ngành Giáo dục đã có bước chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng cho đội ngũ GV thực hiện tốt nhất Chương trình mới?
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng GV, Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện quy hoạch, sắp xếp hệ thống các trường sư phạm; đổi mới và xây dựng mới 50 chương trình đào tạo; thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu sử dụng theo đề xuất của UBND các tỉnh/TP.
Công tác bồi dưỡng GV thực hiện chương trình, SGK mới đã được chuẩn bị chu đáo, cụ thể:
Bồi dưỡng GV về Chương trình GDPT tổng thể và Chương trình môn học theo từng cấp học được thực hiện cùng với lộ trình thực hiện đổi mới Chương trình GDPT. Việc bồi dưỡng sẽ được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến;
Bồi dưỡng CBQL, GV về SGK mới (nhà xuất bản có SGK được lựa chọn sử dụng có trách nhiệm phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tập huấn cho GV theo SGK đã được phê duyệt cho phép sử dụng và được nhà xuất bản phát hành);
Bồi dưỡng nâng cao năng lực GV, CBQL theo chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ 360 giảng viên sư phạm chủ chốt, 28.000 GV và 4.000 CBQL phổ thông cốt cán, cùng tất cả CBQL, GV tiểu học, THCS, THPT trên cả nước;
Bồi dưỡng GV, CBQL giáo dục về một số năng lực cốt lõi để thực hiện Chương trình GDPT mới: Năng lực dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát triển chương trình nhà trường... Các nội dung này, Bộ GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng cho GV cốt cán phổ thông từ năm 2014. Các cơ sở đào tạo GV chủ động cập nhật, bổ sung nội dung bồi dưỡng và phối hợp với các Sở GD&ĐT để bồi dưỡng cho GV đối với những địa phương có nhu cầu.
Thời gian thực hiện các hoạt động đào tạo bắt đầu từ năm 2018 - 2023 theo niên chế năm học; các hoạt động bồi dưỡng từ năm 2018 - 2023 vào thời điểm tháng 7, tháng 8 hàng năm. Cụ thể, năm 2019, bồi dưỡng lớp 1; năm 2020, bồi dưỡng lớp 2, 6; năm 2021 bồi dưỡng lớp 3,7,10; năm 2022 bồi dưỡng lớp 4, 8 11; năm 2023 bồi dưỡng lớp 5, 9, 12.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!