Bộ Y tế cho biết, các nhiệm vụ trong giai đoạn mới được xây dựng trên cơ sở yêu cầu của chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung chỉ đạo thực hiện "đa mục tiêu" nhất là phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch.
Triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 năm 2022-2023, trong đó tập trung chủ yếu các nội dung: bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 và chủ động cung ứng vắc xin; Kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19;
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến;
Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19; Bảo đảm thông tin, truyền thông chủ động trong định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch thống nhất toàn quốc;
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K+ vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
Triển khai lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, triển khai đánh giá cấp độ dịch và triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19...
Triển khai tiêm vắc xin thần tốc để hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm) trong quý I/2022; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi...
Thành phố Hồ Chí Minh gấp rút chuẩn bị mọi công tác để tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi
Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/3 đã có văn bản chỉ đạo về chuẩn bị công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em và học sinh từ 5 - 11 tuổi.
Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng, đồng thời phối hợp với y tế cơ sở và cha mẹ học sinh để đánh giá ban đầu về tình trạng sức khỏe của trẻ.
Đặc biệt quan tâm đến những trẻ mắc bệnh lý nền, béo phì… để phối hợp với ngành y tế thực hiện phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh. Sau khi lấy danh sách, các cơ sở phải nhập thông tin của trẻ vào hệ thống tiêm chủng Covid-19 trước ngày 25.3.
Nhà trường cần có kế hoạch tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm và trách nhiệm đảm bảo quyền lợi được tiêm của trẻ. Tạo sự đồng thuận cho các em được tiêm chủng, tăng cường vận động phụ huynh của những trẻ chưa đồng thuận.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết đã cung cấp số lượng trẻ 5 - 11 tuổi về Sở Y tế để ngành y tế có căn cứ, chuẩn bị vắc xin. Để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng vắc xin cho nhóm trẻ này, có hơn 5.626 cơ sở giáo dục đã tham gia tập huấn về công tác tiêm chủng.
Theo thống kê của Sở Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 963.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, là lứa tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong đợt này.