Chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu dầu hỏa

Chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu dầu hỏa

(GD&TĐ) - Người Mỹ thích nghĩ về tương lai. Từ các hội chợ thế giới đầu thế kỷ 20 đến những bài viết chuyên sâu đăng trên các tạp chí từ những năm 1950 và các bộ phim Back to the Future của thập niên 1980, họ luôn mơ về những gì sẽ xảy ra trong tương lai, cả sau khi họ đã qua đời. Giấc mơ hôm nay có khác và thường là giấc mơ không có dầu hỏa dự phần.

Được chú ý nhất tại Hội chợ Thế giới (World’s Fair) năm 1893 tại Chicago là màn biểu diễn một nguồn năng lượng thay thế. Đó là chiếc máy phát điện khổng lồ có thể thay thế đèn dầu và làm sáng bóng đèn. Cỗ máy thời gian của Doc trong bộ phim Back to the Future vận hành bằng rác thải và anh hùng trong các bộ phim tiếp theo, sử dụng phương tiện vận chuyển “hoverboard” để trừng trị những kẻ xấu. Không có nhân vật nào trong loạt phim liên hành tinh Star Trek nói một câu quen thuộc của loài người chúng ta “hãy đi đổ xăng”. 

 

Thế giới sẽ thoát khỏi dầu hỏa?

Trước tình hình giá nhiên liệu và nguồn cung bấp bênh như hiện nay, nhiều người đã quá mệt mỏi trước cụm từ “giá dầu lập kỷ lục mới” nên đã có cuộc chạy đua sản xuất nhiên liệu sinh học. Việc một ngày nào đó “thế giới không còn dầu hỏa” không phải là chuyện tưởng tượng mà là thực tế, nhất là khi Trung Quốc trở thành cái tàu há mồm nuốt dầu. Nếu có tranh luận thì đó chỉ là cuộc tranh luận “khi nào thế giới sẽ hết dầu hỏa?”. Ước tính sớm nhất là khoảng năm 2030, nhưng nhờ xuất hiện các nhiên liệu thay thế và cải tiến các công cụ dùng dầu theo hướng tiết kiệm nên ngày kết thúc kỷ nguyên dầu hỏa sẽ còn xa. Dù vậy, các cơ chế tư vấn tiêu thụ như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC) dự báo nhu cầu dầu hỏa sẽ tăng nhanh trong khi nguồn cung sẽ giảm trong 15 năm tới. Viễn cảnh này cho thấy sự chuẩn bị sớm cho một “cuộc sống không dầu hỏa” là điều không thừa. “Không có ai nghi ngờ là thế giới sẽ rất khác, khác nhiều chứ không phải khác chút ít - Dennis Bushnell, phụ trách khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Langley (LRC) của NASA ở bang Virginia nói. Sau dầu hỏa, chúng ta sẽ bước vào thời đại ảo (virtual age). Những cỗ máy sẽ đảm nhận nhiều công việc hơn con người. Chúng ta sống bằng thông tin liên lạc từ xa và vẫn còn mua sắm từ xa (teleshop), nhưng sẽ mua ít hơn. Các đại học hữu hình sẽ trở thành vùng đất hoang vào năm 2040”. Ông tiên đoán là đa số bằng cấp được lấy bằng học tập trên mạng. “Thậm chí, chúng ta khám bác sĩ ảo và đi du lịch ảo tại Bahamas. Bạn sẽ ngửi thấy cả mùi biển và gió hiu hiu, thấy cảm giác nằm trên cát và ánh nắng mặt trời. Điều thú vị là bạn có thể đi du lịch bất cứ khi nào mình thích. Con người đang tăng tốc tạo ra một thế giới mới, không có thực mà ảo, trong 30 năm nữa”. Nếu cảnh quan này không đến sớm thì nguồn dầu hỏa sẽ cạn kiệt trước chúng. Tuy nhiên, đa số người bình thường không tin là thế giới sẽ thoát khỏi dầu hỏa. Chưa đầy ¼ người Mỹ tin là dầu hỏa sẽ hết trong thời đại của họ (khảo sát của Christian Science Monitor/TIPP). Nhưng các chuyên viên dầu hỏa cảnh báo là “tình trạng ổn định của mức cung không có nghĩa là chúng ta có thể trông cậy mãi vào dầu hỏa”.

Một thế giới hậu dầu hỏa là thế giới do chính loài người tạo ra bằng việc chấp nhận những nguồn năng lượng nào sẽ thay thế “vàng đen”. Có những lý do bức bách để phải sớm có sự chọn lựa. Amy Myers Jaffe, đồng tác giả cuốn “Oil, Dollars, Debt, and Crises: The Global Curse of Black Gold” (dầu hỏa, đô la, nợ nần và khủng hoảng: Lời nguyền toàn cầu của vàng đen) kiêm giám đốc Viện sáng kiến Chính sách năng lượng Baker (IEP) thuộc Đại học Rice ở Houston (Dallas, Mỹ), đưa ra một số chọn lựa, từ giảm thâm hụt mậu dịch để tạo sự ổn định cho hệ thống tài chính đến nóng lên toàn cầu và bảo vệ môi trường. “Chúng ta chia tay với kỷ nguyên dầu hỏa thế nào và xây dựng thế giới mới thế nào là hai yếu tố quyết định tương lai của loài người” - Lisa Margonelli, giám đốc Trung tâm Sáng kiến Chính sách năng lượng của Hội nước Mỹ mới (New America Foundation) nhận định.

 

Cuộc chạy đua ráo riết

Các nước vùng Vịnh sống nhờ dầu hỏa sẽ mất ảnh hưởng khi không còn dầu. Một số “sheikh” khôn ngoan sẽ chuyển sang đầu tư vào các lĩnh vực khác. Saudi Arabia, đồng minh của Mỹ là nước được lợi nhờ dầu hỏa nhiều nhất, đang quay sang đầu tư vào năng lượng mặt trời, cả cho tiêu thụ trong nước và bán ra nước ngoài. Brazil và Mỹ là hai nước sản xuất nhiều nhiên liệu sinh học nhất thế giới trong năm 2015, sẽ chứng kiến sự đuổi bám của nhiều nước khác. Nhiều công nghệ mới đã xuất hiện trong khu vực năng lượng thay thế. Tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), hai sinh viên đã tìm cách thu năng lượng cơ thể phát sinh khi đi bộ, nhảy hay chạy với hy vọng sẽ tái chế chúng để nạp năng lượng cho các công cụ nhỏ như điện thoại di động. Bang California đang xem xét nghiên cứu chuyển các dao động do giao thông thành năng lượng điện tích lũy. Một giáo sư tại Đại học Tucker mong đợi sẽ có sự đột phá về sáng kiến này trong 20 năm nữa. Những thay đổi khác cũng đã xuất hiện. Các công ty như NatureWorks ở Minnesota và Telles ở Massachusetts đã dùng bã cây mía đường để chế tạo mọi thứ, từ chai nước uống đến tã lót và đi tiên phong về xử lý plastic. Các công ty khác thì đang khám phá cách dùng tảo và không khí như nguồn tạo năng lượng sạch cho xe. Các máy bay phản lực Boeing dùng một hỗn hợp nhiên liệu truyền thống và nhiên liệu sinh học để đưa hàng hoá băng qua Đại Tây dương và chở hành khách trong lục địa châu Âu. Trong những trường hợp, việc quyết định “dùng cái gì để chạy xe” không nhất thiết phải hữu hình. Có một số chọn lựa liên quan đến dầu hỏa rất đáng chú ý. Lấy ví dụ loại xe hơi không người lái (driverless) của Google. Năm nay, Google đã vận động nghị viện Nevada thông qua luật cho phép xe tự lái trên những con đường công cộng. Để máy tính và các công cụ robot khác điều khiển tay lái, có thể tiết kiệm nhiều năng lượng. Một giải pháp thú vị khác là xây dựng hệ thống xa lộ thay thế trên bầu trời. “Công nghệ máy bay không người lái mà quân đội Mỹ đang dùng tại Afghanistan có thể dùng vào việc chuyên chở công cộng” - Tucker nói. Tuy nhiên, xa lộ thay thế lại làm nảy sinh bài toán hóc búa: cơ sở hạ tầng. Loại năng lượng chúng ta khám phá ra, chế tạo ra và chọn dùng không chỉ là do nó có sẵn, mà còn là các hệ thống phức tạp được xây dựng để sử dụng chúng. Thay đổi cơ sở hạ tầng thích nghi với một loại năng lượng mới là cả vấn đề. Nhưng đây là thách thức chúng ta không thể né tránh, khi phải dùng các loại năng lượng thay thế.

Nhưng ngay cả các thị trường thay thế cũng có nguy cơ tàn lụi khi dầu hỏa vẫn còn nhiều. Ba công ty sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ đã phải tuyên bố phá sản trong năm nay do bị cạnh tranh dữ dội của hàng TQ, sau khi châu Âu cắt giảm trợ cấp cho việc nghiên cứu và sản xuất năng lượng thay thế. Ngay cả các loại năng lượng thay thế được chấp nhận rộng rãi cũng có thể đối mặt với thoái bộ thình lình. Trong khi nhiều nước châu Âu đang chuyển qua dùng điện hạt nhân, thì thảm họa hạt nhân trong năm nay tại Nhật Bản đã buộc Đức và Thụy Sĩ phải hủy bỏ các chương trình mở rộng hệ thống điện hạt nhân. Ý và Ba Lan cũng xem xét lại kế hoạch đầu tư vào công nghệ này. Năng lượng thay thế còn gặp một yếu tố cản trở khác. “Nếu như cách nay 30 năm có ai đó nói đến e-mail hay Internet sẽ bị xem là điên; nay, năng lượng thay thế cũng rơi vào hoàn cảnh này” - Jaffe nói. Margonelli cảnh báo: “Dù thế giới tiến dần đến kỷ nguyên hậu dầu hỏa theo kiểu làm dáng nhiều hơn là tầm nhìn và sự sáng tạo thì việc nhấn mạnh đến năng lượng thay thế còn mang tính ái quốc và tình cảm xây dựng thế giới tốt hơn trong tương lai cho thế hệ mai sau” - ông nhận định.

Hồng Hải (Theo CS Monitor và The Economist)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ