Chuẩn ABET: Vì sao chưa mặn mà?

GD&TĐ - ABET được đánh giá là bộ tiêu chuẩn kiểm định danh giá ở khối ngành công nghệ, kỹ thuật của Mỹ.

Một buổi thực hành của SV ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông (IU).
Một buổi thực hành của SV ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông (IU).

Đạt được chuẩn kiểm định này là mục tiêu hướng đến của nhiều cơ sở GD. Tuy nhiên, với hàng vạn chương trình đào tạo (CTĐT) của các trường CĐ, ĐH trên cả nước, mới có 8 CTĐT ở 4 trường đạt chuẩn kiểm định ABET. 

Khát vọng chinh phục ABET

Tháng 9/2014, cơ sở GDĐH tại Việt Nam “khai trương” đạt chuẩn ABET đầu tiên là Trường ĐH Bách khoa (HCMUT) - ĐH Quốc gia TPHCM, với 2 CTĐT đạt chuẩn: Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính thuộc Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính của trường. Hai chương trình của HCMUT đạt mức 6 năm (mức cao nhất). Trong năm 2020, nhà trường hoàn tất việc đánh giá và công nhận lại 2 CTĐT này.

Sau HCMUT, tháng 11/2018, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) là cơ sở GD thứ 2, đồng thời là trường CĐ đầu tiên và duy nhất của cả nước có 2 CTĐT gồm: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và Công nghệ kỹ thuật cơ khí đạt chuẩn ABET. 

Gần đây nhất (năm 2019), Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và Trường ĐH Quốc tế (IU) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM cùng có 2 CTĐT đạt chuẩn kiểm định của ABET. Trong đó, 2 CTĐT của Trường ĐH Quốc tế là Kỹ thuật y sinh và Kỹ thuật điện tử – viễn thông; 2 CTĐT của Trường ĐH Duy Tân gồm Kỹ thuật mạng và Hệ thống thông tin quản lý.

Hiện, một số cơ sở GDĐH cũng trong quá trình chuyển động, hoàn tất các công đoạn kiểm định của ABET. TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cho hay: Dự kiến tháng 5, nhà trường tiến hành đánh giá giai đoạn cuối 4 CTĐT theo chuẩn ABET gồm: Công nghệ thông tin, Cơ khí, Công nghệ thực phẩm, Hệ thống thông tin. 

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) khẳng định, đạt chứng nhận kiểm định chất lượng CTĐT chuyên ngành kỹ thuật theo chuẩn của ABET là một trong những mục tiêu đánh giá chất lượng các CTĐT của LHU. 

“Từ năm 2018, trường xác định mục tiêu đưa 2 CTĐT: Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử (Khoa Cơ điện – Điện tử) và Công nghệ thông tin (Khoa CNTT) đạt chuẩn kiểm định ABET. Từ đó đến nay, trường đề ra nhiều kế hoạch để hai khoa tiếp cận bộ tiêu chuẩn, từng bước rà soát, điều chỉnh chương trình giảng dạy; xây dựng hệ thống hỗ trợ SV, đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân viên hỗ trợ, công tác quản lý… hướng đến đáp ứng tốt các yêu cầu mà bộ tiêu chuẩn đề ra. Quyết tâm của nhà trường, năm 2022 có 2 CTĐT đạt kiểm định ABET” - Phó Hiệu trưởng LHU chia sẻ.

SV ngành Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (CTĐT đạt chuẩn ABET) trong giờ học thực hành. Ảnh: TG
SV ngành Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (CTĐT đạt chuẩn ABET) trong giờ học thực hành. Ảnh: TG

Lợi ích và thách thức

Có CTĐT đạt chuẩn ABET là khát vọng và mục tiêu nhiều trường hướng tới. Nhưng trong hơn 500 trường ĐH, CĐ cả nước với hàng nghìn CTĐT mới có 8 CTĐT ở 4 trường đạt chuẩn kiểm định ABET cho thấy con số đang ở mức khiêm tốn. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục, để đạt được chuẩn ABET không đơn giản. Đơn vị phải chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về CTĐT, quan hệ doanh nghiệp, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng (một cách liên tục).

Theo PGS.TS Thoại Nam - nguyên Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính (HCMUT), bộ tiêu chuẩn ABET bao gồm 9 tiêu chuẩn: SV; Mục tiêu đào tạo; Khả năng SV; Liên tục cải thiện; Chương trình đào tạo; Ban giảng huấn; Cơ sở vật chất; Hỗ trợ của trường đại học và Tiêu chuẩn riêng của từng chương trình. Trong đó, tiêu chuẩn “Sinh viên” được xem xét đầu tiên, điều này thể hiện quan điểm của ABET xem người học là trung tâm. Tiêu chuẩn này đòi hỏi đơn vị giảng dạy phải theo dõi sự phát triển của SV nhằm giúp họ đạt được các kết quả mong muốn; xem xét các yêu cầu về việc nhận SV vào học, hỗ trợ người học qua hệ thống cố vấn, cách vận hành chương trình…

Đồng thời, điểm nổi bật của ABET là tiêu chuẩn “Khả năng sinh viên” (trước đây là “Chuẩn đầu ra”) với các yêu cầu cụ thể (gồm ít nhất 11 yêu cầu) thể hiện kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học đạt được khi tốt nghiệp. Tiêu chuẩn này thể hiện quan điểm đánh giá của tổ chức ABET là đánh giá sự thành công của một chương trình dựa trên kết quả đạt được của người học chứ không tập trung vào những gì giảng viên thực hiện trên lớp.

Tương tự, tại IU để có 2 CTĐT đạt chuẩn ABET, từ năm 2008, nhà trường lên chiến lược và kế hoạch kiểm định chất lượng quốc tế cho các ngành kỹ thuật, công nghệ và chuẩn AACSB cho ngành kinh doanh. Trong đó, nhà trường phải chuẩn bị nhiều khâu từ nhân sự, CTĐT và tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia - giáo sư ĐH Mỹ... 

Bên cạnh những khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của ABET, kinh phí cũng là một trở ngại khiến các trường ĐH, CĐ chưa mặn mà với bộ tiêu chuẩn kiểm định này. Theo TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng IU, tổng kinh phí trung bình cho 1 CTĐT kiểm định theo tiêu chuẩn của ABET khoảng 2 tỷ đồng, trong khi đó so với bộ tiêu chuẩn AUN-QA chỉ tốn 500 triệu đồng/CTĐT. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm, trang thiết bị và hoạt động đào tạo trong những năm trước đó nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đạt chuẩn kiểm định.

Khó khăn là vậy, nhưng về phía người học, nhà trường, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích với CTĐT đạt chuẩn ABET.

“SV theo học một chương trình đạt chuẩn kiểm định của ABET sẽ được thụ hưởng CTĐT có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của tổ chức kiểm định nghề nghiệp; có cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp và có thể nhận được nhiều ưu đãi khi làm việc cho các công ty, doanh nghiệp của Mỹ. Với cơ sở GDĐH, việc CTĐT đạt chuẩn kiểm định ABET là cơ hội để khẳng định chất lượng đào tạo của chương trình đó và nhà trường… Đồng thời, góp phần tạo động lực để trường tiếp tục triển khai hoạt động tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn kiểm định quốc tế cho các chương còn lại” - PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.