Chưa thể xác định...

GD&TĐ - Dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12, Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới họp để bàn phương án lương tối thiểu vùng năm 2024.

Dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12, Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới họp để bàn phương án lương tối thiểu vùng năm 2024 nên sẽ khó thực hiện tăng lương vào thời điểm 1/1/2024 như thường lệ...

Lý do, theo Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH Tống Văn Lai là cơ quan này chỉ là một trong 3 thành phần của Hội đồng Tiền lương Quốc gia nên phương án lương tối thiểu cần có sự tham gia thương lượng của các bên liên quan gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho người lao động; đại diện người sử dụng lao động và các chuyên gia độc lập...

Đầu tháng 8 vừa qua, Hội đồng đã họp phiên đầu tiên bàn phương án cho năm 2024. Thông thường, cuối tháng 7 đầu tháng 8 hàng năm, Hội đồng sẽ họp để “chốt” phương án khuyến nghị cho Chính phủ.

Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế, Hội đồng nhận thấy nửa đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội dù có những “điểm sáng” nhưng thị trường lao động vẫn chưa thực sự ổn định.

Một số ngành nghề, nhất là trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng thiếu đơn hàng, dẫn đến lao động mất việc, giãn việc…

Dựa trên những căn cứ này, Hội đồng xác định chưa đủ cơ sở để đề xuất phương án cho năm tới nên đã thống nhất báo cáo Chính phủ cuối quý IV mới họp bàn để có khuyến nghị chính thức với Chính phủ về phương án lương tối thiểu vùng cho năm 2024. Thời điểm, mức điều chỉnh ra sao tại thời điểm này chưa thể xác định được và đang chờ kết quả từ phiên họp cuối năm của Hội đồng - ông Lai nhấn mạnh.

Dù thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024 chưa được xác định nhưng việc tăng lương tối thiểu được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Như phân tích của Bộ LĐ-TB&XH thì dù 9 tháng qua, thị trường lao động tiếp tục phục hồi, số lao động có việc làm trong quý III tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước nhưng tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra.

Ở khía cạnh khác, là tình trạng có tới hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, trong đó số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 772.000 người, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Cần nhắc lại rằng, tại phiên họp đầu tiên, một thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã nêu quan điểm rằng, hiện nay, đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hơn một năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao.

Tuy nhiên trong các yếu tố để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu, khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Vậy nên điều này cần được xem xét, tính toán kỹ để vừa bảo đảm động viên người lao động làm việc có năng suất, chất lượng, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng hài hòa với khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Thực tế, tại hầu hết các lần tăng lương tối thiểu vùng, phải qua ít nhất vài phiên họp, các bên mới “chốt” được mức tăng, dù điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng luôn là yêu cầu cấp thiết.

Năm nay, cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, với quan điểm chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, các bên trên tinh thần thiện chí, thấu hiểu sẽ sớm tìm được “tiếng nói chung” để có mức tăng phù hợp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ