Thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội
Nguyễn Hữu Tài – sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) - chia sẻ, năm ngoái em cũng trúng tuyển đại học bằng đợt xét tuyển bổ sung. Xét tuyển đợt 1, em bị trượt cả 3 nguyện vọng.
Thời điểm đó, nhiều người nghĩ em đã trượt đại học. Tuy nhiên, sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, em còn đủ điều kiện để trúng tuyển vào một số trường đại học khác bằng phương thức xét tuyển bổ sung. Lúc đó, nhiều người mới hiểu em chỉ bị trượt các nguyện vọng xét tuyển đại học của đợt 1. Điều này, không đồng nghĩa với trượt đại học.
Theo ông Dương Văn Bá – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Hoà Bình (Hà Nội), thời điểm này không có khái niệm trượt đại học. Nếu có chỉ là, thí sinh trượt các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đợt 1. Hoặc có thí sinh trượt vào ngành học, trường học yêu thích.
Thực tế, thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học khác thông qua các đợt xét tuyển bổ sung. Thực hiện cơ chế tự chủ, các trường sẽ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau và được tuyển sinh thành nhiều đợt trong năm.
“Đơn cử như Trường ĐH Hoà Bình, dự kiến sẽ xét tuyển bổ sung bằng hai phương thức: học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. Riêng phương thức xét tuyển bằng điểm thi, nhà trường sẽ có thông báo chính thức sau ngày 26/9. Những thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên sẽ có cơ hội xét tuyển vào trường. Tất nhiên, điểm trúng tuyển xét tuyển bổ sung không thấp hơn đợt xét tuyển đợt 1” - ông Dương Văn Bá chia sẻ.
TS Lê Xuân Thành – Trưởng Phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) khẳng định: thời điểm này mới là giai đoạn đầu của xét tuyển đại học nên thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội vào các trường đại học khác.
Nhiều trường vẫn xét tuyển bổ sung
Nhiều người cho rằng, một số thí sinh được trên 27 điểm thi tốt nghiệp THPT mà vẫn trượt đại học là không chính xác. Chính xác phải là, các em trượt xét tuyển lần 1 hoặc các em trượt vào những ngành hoặc những trường mà mình yêu thích.
Năm nay, điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn năm trước, nên nhiều thí sinh chủ quan đặt các nguyện vọng vào những ngành tốp đầu của các trường tốp đầu. Các em không tính đến phương án an toàn nên dẫn đến việc trượt các nguyện vọng xét tuyển của đợt 1. “Nhiều khả năng, những thí sinh đạt trên 27 điểm mà vẫn trượt cũng xuất phát từ nguyên nhân trên” - TS Lê Xuân Thành nhận định.
Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Thành, với những thí sinh này hoàn toàn yên tâm vì các em còn nhiều cơ hội để xét tuyển vào các trường đại học học khác, nếu các vẫn có nguyện vọng học đại học. Hiện, nhiều cơ sở đại học vẫn còn tuyển sinh bổ sung với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
“Tất nhiên, khi xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn những ngành, những trường mà mình yêu thích như xét tuyển đợt 1” - TS Lê Xuân Thành nói, đồng thời khuyến nghị: Thí sinh nên tập trung vào một số trường tốp giữa. Sau đó, xem điểm chuẩn đợt 1 của trường là bao nhiêu, rồi cộng thêm khoảng 2-3 điểm. Nếu điểm thi đạt đến mức đó, thì cơ hội các em trúng tuyển vào đợt bổ sung sẽ cao.
Ngoài ra, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT… “Tóm lại, thí sinh cần cập nhật, theo dõi thông tin mới nhất về xét tuyển bổ sung của các trường mà mình dự định xét tuyển. Lưu ý: Điểm trúng tuyển bổ sung chắc chắn sẽ cao hơn điểm trúng tuyển đợt 1” - TS Lê Xuân Thành nhấn mạnh.