Hình ảnh ấy, âm thanh ấy, đã quen thuộc với khách thập phương và bà con gần xa khi đến với chùa Vĩnh Quang (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang) hàng chục năm qua. Từ mái chùa này, nhiều cuộc đời bất hạnh, từng có nguy cơ bỏ học, mù chữ trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội.
Chiếc cầu nhỏ nối tỉnh lộ 953 qua dòng kênh Vĩnh An đưa tôi đến chùa Vĩnh Quang. Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong vừa đi, vừa kể: Đại đức Thích Thiện Đức lúc nào cũng bận bịu như nuôi con mọn khi phải lo từ cái ăn, cái mặc đến sức khỏe, chuyện học hành của hơn chục “đứa con” các cấp từ tiểu học đến THPT. Nhờ thầy mà công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương luôn là điểm sáng của thị xã, tỉnh.
Dưới mái hiên gian khách rộng rãi, thoáng đạt của chùa Vĩnh Quang, Đại đức Thích Thiện Đức cười hiền: Kẻ tu hành đâu phải chỉ đọc kinh, niệm Phật mà làm khuyến học cũng là một cách tu đẹp đạo, tốt đời. Mệt đến mấy nhưng hễ về đến chùa, thấy mấy đứa nhỏ học giỏi, ngoan hiền thì hết mệt ngay.
Chuyện này đã quen dần gần 15 năm rồi chứ có ít ỏi chi, thôi thì ráng cố gắng sao để hạn chế thêm một đứa trẻ thất học là giúp cuộc sống thêm đỡ một gánh nặng. Năm học này, chùa Vĩnh Quang đang hỗ trợ 20 em đang theo học từ bậc tiểu học đến THPT, 13 em là sinh viên các trường đại học tại An Giang, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, chi phí học hành cho các con mỗi năm cả trăm triệu đồng.
Câu chuyện khuyến học ở chùa Vĩnh Quang bắt nguồn từ khoảng giữa năm 1990, khi cái ăn, cái mặc ở vùng biên giới Tân Châu còn vô vàn khó khăn. Chuyện trẻ em bỏ học giữa chừng do nghèo khó, do mưu sinh và do nhận thức về việc học còn sơ sài. Họ quan niệm, nhà nghèo chỉ cần nuôi con học đến biết đọc, biết viết, biết tính toán.
Thế nên, tình cờ một số phụ huynh, học sinh trong những lần viếng chùa tâm sự rằng muốn cho con đi học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không biết xoay trở thế nào. “Mình thấy vậy tiếc lắm, muốn thoát nghèo mà không có kiến thức làm sao được. Xã hội có thêm người thất học thì chắc chắn sẽ thêm gánh nặng, sẽ thêm khó khăn trong chuyện an sinh, phát triển.
Vậy là sau nhiều đêm trằn trọc, mình quyết định nhận nuôi các em để “ngăn dòng bỏ học”- Đại đức Thích Thiện Đức nói về cái duyên cùng chuyện khuyến học của mình.
Chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ các em.
Chắp cánh tương lai
Đứa trẻ đầu tiên đến với vòng tay ấm áp của sư thầy Thiện Đức và ngôi chùa Vĩnh Quang là Vương Quốc Thảo. Gia đình Thảo ngày ấy thuộc diện có của ăn, của để ở Châu Đốc, thế nhưng, chuyện làm ăn cũng có lúc thịnh, suy.
Ngay những ngày đầu năm học, lúc Thảo chuẩn bị vào lớp sáu thì cha mẹ trốn biệt xứ bỏ lại đứa con thơ ham học cùng ông bà nội tuổi cao, sức yếu. Trong một lần viếng chùa cùng bà, thấy Thảo khóc rất nhiều sư thầy mới biết năm học gần kề mà ông bà không thể lo cho em đến trường. “Hình ảnh đứa trẻ chưa tròn chục tuổi đầu với những giọt nước mắt ngắn dài lăn trên má vì chuyện học hành cứ ám ảnh suốt những đêm dài.
Vậy rồi, mình đã tìm đến gia đình em và xin phép ông bà cho em đến chùa để tiện chuyện đến trường, đến lớp”, sư thầy tâm sự. Như đang bơi giữa đại dương bao la gặp chiếc phao, ông bà nội và cả Thảo mừng rơn! Và, Thảo đã trở thành đứa trẻ đầu tiên được nhà chùa nuôi ăn học, mở ra cánh cửa khuyến học cho hàng trăm trẻ em nghèo mơ ước được đến trường.
Gần 15 năm qua, hàng trăm mảnh đời bất hạnh đã được vòng tay ấm áp của “người cha, người thầy” Thích Thiện Đức trụ trì chùa Vĩnh Quang, nâng đỡ, yêu thương và chắp cánh vào đời. “Mỗi đứa, mỗi hoàn cảnh không thể nào kể hết được, nhưng tất cả đều có điểm chung là nghèo khó, ham học và bất hạnh.
Sinh ra đã bị cuộc sống đẩy đưa vào những cảnh đời éo le, tương lai vẫn còn đang ở phía trước thì mình phải làm sao để chúng được chăm sóc, yêu thương và bù đắp phần nào nỗi đau đó. Tất cả các em đến đây đều được bình đẳng, yêu thương, chia sẻ và sống trong một gia đình.
Chúng sẽ được chăm sóc, dạy dỗ kiến thức, đạo đức và học đến đại học, khi nào tự nuôi được bản thân, vào đời bền vững thì các em sẽ tự thân và tìm về mái ấm gia đình”, Đại đức Thích Thiện Đức nói.
Chỉ tay về hai đứa trẻ chừng 10, 12 tuổi trong chiếc áo lam, đầu hớt ba giá, thầy Thiện Đức nói: “Hai đứa đó có hoàn cảnh hết sức đáng thương. Đó là thằng bé Võ Văn Vàng, mẹ bị tâm thần nhẹ, bán nó từ nhỏ. Nhờ bà ngoại mang chuộc về, bà mất nên gia đình gửi chùa nuôi nấng. Còn đứa kia là Mai Nguyễn Hoàng Lộc chỉ mới hơn 10 tuổi đầu mà bao nhiêu bất hạnh trên đời gần như nó đều nếm trải.
Cha mẹ Lộc chia tay ngay ngày nó chào đời, về sống với dì thì bị dượng hành hạ. Người dì dẫu thương nhưng lực bất tòng tâm khi cuộc sống chật vật sống nhờ chồng nuôi. Cơm không được ngồi chung mâm, đêm ngủ ngoài hiên, năm tuổi đầu đã phải nấu cơm, làm việc nhà... sai là đòn, quên là roi vọt. Nghe tin về chùa, người dì lén chồng mang cháu đến chùa gửi mong đứa cháu bất hạnh có cuộc sống tốt hơn. Đó là hai hoàn cảnh đau lòng mới nhất được gửi vào chùa. Các cháu đã quá khổ ở đời nên khi vào đây mình muốn bù đắp phần nào cho các cháu”.
Giờ đây, đã có hàng trăm em trưởng thành từ ngôi chùa Vĩnh Quang bước những bước vững chắc vào đời. Đó là trung úy trẻ công an Tân Châu Nguyễn Hùng Sơn, kỹ sư Tống Thanh Sang, Trần Phi Hùng hay Vương Quốc Thảo đã có cả hiệu ảnh riêng... “Chúng em xem thầy vừa là cha, là mẹ của tụi em.
Cuộc sống của em ngày hôm nay sẽ chẳng thể nào có được nếu ngày trước không đến với chùa. Từ miếng ăn giấc ngủ, chiếc áo, cái quần, học hành đến vui chơi, thầy đã lo cho các em chu đáo. Giờ đây, dẫu đã có công việc ổn định và về lại gia đình nhưng chúng em vẫn nhớ sâu trong tâm lời dạy của thầy: Chùa chấp bước, chăm lo cho các em trưởng thành, làm người có ích. Nhưng khi thành công phải tìm về gia đình, chăm sóc cha mẹ ông bà của mình. Như vậy mới tròn đạo hiếu!” Lê Nhựt Trường, một trong những bạn trẻ trưởng thành từ mái ấm của chùa Vĩnh Quang tâm sự.
Câu chuyện về vị sư trụ trì chùa Vĩnh Quang chăm sóc, nuôi dạy, chăm sóc hàng trăm trẻ em nghèo, trẻ nguy cơ thất học trở thành những người có tri thức giúp ích cho đời, cho gia đình, xã hội gần 15 năm qua đã trở thành hình ảnh đẹp, câu chuyện cảm động mỗi khi có khách hành hương, Phật tử, du khách đến với thị xã biên giới Tân Châu.