Chùa Keo nhận bằng di tích đặc biệt quốc gia

Chùa Keo nhận bằng di tích đặc biệt quốc gia

(GD&TĐ) - Ngày 24/10, tại Khu di tích Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, tổ chức lễ đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt và khai hội Chùa Keo, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương về dự lễ.

Chùa Keo nhận bằng di tích đặc biệt quốc gia ảnh 1
Chùa Keo - Thái Bình

Sau nghi thức cắt băng mở cửa thánh, làm lễ khai chỉ, các đại biểu cùng các tăng ni tín đồ phật tử, du khách gần xa đã dâng hương tưởng nhớ công đức của quốc sư Dương Không Lộ cũng như những người có công xây dựng, làm nên di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt mang đậm bản sắc kiến trúc độc đáo từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).

Tại buổi Lễ, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã khẳng định những giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc biệt của di tích Chùa Keo. Việc Chùa Keo được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là "Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt" là niềm vinh dự tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình.

Để lưu giữ nguyên vẹn và phát huy toàn diện các giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo của di tích Chùa Keo, tỉnh Thái Bình tiếp tục gìn giữ, thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể khu di tích đã được phê duyệt; quản lý chặt chẽ việc bảo tồn, tôn tạo, tổ chức lễ hội phát huy giá trị của di tích, xứng tầm là di sản văn hóa quốc gia đặc biệt.

Cùng với Lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt, từ ngày 24 - 29/10 (tức ngày 10-15/9 Âm lịch) còn diễn ra lễ hội chính Chùa Keo với các hoạt động tế lễ, rước kiệu theo đúng nghi thức truyền thống tưởng nhớ công đức của quốc sư Dương Không Lộ, cùng nhiều hoạt động văn hóa và những trò chơi dân gian đặc sắc như bơi chải cạn, bơi thuyền cò cốc ở ao chùa, múa ếch vồ, thi leo cầu ngô bắt vịt, những cuộc thi kèn, thi trống... đáp ứng nhu cầu hành lễ, thưởng ngoạn các giá trị văn hóa đặc sắc vùng Đồng bằng sông Hồng của tăng ni, tín đồ phật tử và du khách gần xa.

Trải qua gần 400 năm tồn tại, tu bổ và tôn tạo, Chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo độc nhất vô nhị. Đây là ngôi chùa cổ có số lượng gian nhiều nhất hiện còn tồn tại (102 gian); một khu di tích kiến trúc cổ có quy mô lớn vào bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền tại Việt Nam; một phức hợp kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Theo các nghiên cứu từ Ban Quản lý di tích tỉnh, Chùa Keo được xây dựng cách đây tròn 380 năm, vào thế kỷ XVII (năm 1632). Song nguồn gốc xa xưa là từ một ngôi chùa có tên là Nghiêm Quang tự, do Thiền sư Dương Không Lộ (1016-1094) xây dựng ở ven sông Hồng năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay là huyện Giao Thủy, Nam Định).

Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự; đến năm 1167 đời vua Lý Anh Tông mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa được gọi là chùa Keo. Năm 1611, lũ sông Hồng lên to, nước ngập làng, ngập chùa nên một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ (nay là xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) rồi dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo.

Chùa Keo là một ngôi chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn, diện tích toàn bộ chùa khoảng 108.000m2. Chùa gồm 12 tòa, 102 gian là những công trình kiến trúc chính và bốn tòa 24 gian của các công trình kiến trúc phụ trợ, tổng số là 16 tòa, 126 gian. Bao quanh khu nội tự là ba hồ nước lớn. Cùng với vườn cây phía trước và tam quan ngoại với khu vườn phía sau là khu tăng xá… trên tổng diện tích hơn 41.560m2. Đây là một trong những ngôi chùa có số lượng gian nhiều nhất hiện còn và là một khu di tích kiến trúc cổ có quy mô lớn vào bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền Việt Nam.

Chùa Keo thờ Phật và thờ Thánh, (Tiền phật hậu Thánh). Vị Thánh được thờ là Dương Không Lộ - người sáng lập chùa, một Thiền sư hiểu biết sâu sắc về Phật học một vị tổ sư, và cũng được thờ như một vị Thành Hoàng làng. Điều khác biệt trong kiến trúc Chùa Keo là trước tòa Đền Thánh có thêm một tòa Giá Roi. Giá roi là mới mà người xưa dùng làm nơi xử kiện, phạt vạ, bổ bán công điền, công thố của làng. Rõ ràng Chùa Keo xưa còn là một trung tâm hành chính của thôn xã cổ.

Chùa Keo là công trình kiến trúc có quy mô lớn nhưng bố cục rất chặt chẽ. Hơn một trăm gian lớn nhỏ khác nhau được bố trí thành một khối kiến trúc đăng đối liên hoàn: Tam quan ngoại, hồ nước lớn, Tam quan nội, Chùa phật, Đền thánh và cuối cùng là Gác chuông. Các kiến trúc được đối xứng qua trục dọc là hai dãy hành lang Đông và Tây, phía sau của hai dãy hành lang là hai hồ nước lớn.

Chùa Keo tuy gồm hàng trăm tòa nhà, gian nhà nhưng kiến trúc không bị tẻ nhạt, đơn điệu bởi lẽ những người thợ là những bậc thầy trong sử dụng tỷ lệ, kích thước, độ cao các công trình. Tất cả các nhà thoạt nhìn có vẻ như giống nhau về kích cỡ nhưng thực ra không nhà nào giống nhà nào mà theo một nhịp điệu “mở ra, thu lại, mở ra.” Hai dãy hành lang Đông và Tây làm đối xứng và thiết kế giống nhau, mỗi bên có 33 gian nhà, tổng số chiều dài các gian cộng lại là 91m, nhưng kích thước của mỗi gian không giống nhau: gian bé nhất 1,65m, gian rộng nhất 3,25m, còn lại có đủ các kích thước từ 2,4-3,15m.

Những người thợ xây dựng Chùa Keo không chỉ giỏi về việc xử lý khối hình mà còn khéo tạo ra độ giãn cách hợp lý giữa các khối nhà. Khoảng cách giữa các khối nhà từ tam quan ngoại đến gác chuông không giống nhau, tạo một nhịp điệu kiến trúc “chống mỏi” bằng cách thu ngắn dần. Mỗi cụm kiến trúc của Chùa Keo có chiều cao và chiều rộng mái khác nhau. Độ cao mái của cụm kiến trúc chùa cao hơn tòa Giá roi và Đền thánh. Bộ mái cao nhất là Gác chuông, bộ mái thấp nhất là hai dãy hành lang Đông, Tây. Có dịp nhìn từ trên, độ cao mái, độ xòe rộng cao thấp khác nhau của các của các công trình Chùa Keo như một “lớp sóng cồn.”

Chùa Keo là một phức hợp kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo Việt Nam và là một không gian kiến trúc hòa nhập với môi trường. Nghệ thuật sử dụng cây xanh, vườn hoa, hồ nước. Những gỗ, gạch lát, tường xây dựng bằng ván bưng, mái ngói mũi hài; cùng với việc sử dụng hệ thống hồ ba mặt Chùa (phía trước hồ Nam, và hồ phía Đông, phía Tây) tạo cảm giác chiều cao thêm của công vẻ lung linh, thoáng mát dễ chịu về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Không gian kiến trúc Chùa Keo được kiến trúc hiện đại coi như là một mẫu mực có tính truyền thống và tính thực dụng cho kiến trúc hiện đại tiêu biểu cho kiến trúc thời hậu Lê.

Trong các công trình kiến trúc ở Chùa Keo Thái Bình, có một kiến trúc độc đáo là Gác chuông Chùa Keo - một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo theo kiểu “chồng diêm cổ các” với ba tầng 12 mái (một số Gác chuông của các chùa cổ khác ở Đồng bằng Bắc Bộ chỉ 2 tầng 8 mái), bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam và bộ cánh cửa chạm rồng độc đáo cả nước. Chùa Keo còn bảo lưu hàng trăm tượng pháp và đồ tế thời Lê như một bảo tàng nghệ thuật.

Ngoài giá trị về mỹ thuật, Gác chuông chùa Keo là nơi luôn thu hút đông đảo khách tham quan và những người làm công tác nghiên cứu bởi còn lưu giữ được một số hiện vật quý như chuông đồng và khánh đá.

Một nét nghệ thuật khác đó là các bức chạm ở Chùa Keo chạm khắc các đề tài những hình mây lửa, đao mác bao quanh thân rồng ở đôi cánh cửa của tam quan nội; các bức chạm khắc rồng tại các bức cốn của tòa Giá roi, ban thờ ở tòa Phụ Quốc... cùng các bức chạm khắc đề tài long, ly, quy, phượng mang phong cách dân gian, với kỹ thuật chạm lỗng, bong kênh rất tinh xảo và đẹp mắt.

Tại Chùa Keo còn lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị cao về nghệ thuật, mỹ thuật; đồng thời còn giữ được ba bia đá thời Lê và một số hiện vật quý giá khác.

Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ XVII, với nhiều kiệt tác đặc sắc. Năm 1962, Chùa Keo đã được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia. Đến tháng Chín vừa qua, Chùa Keo được Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, cùng với 10 di tích khác của cả nước.

Lộc Hà (theo TTXVN)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ