Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV khai mạc sáng 23/5 cho thấy, cử tri quan tâm và lo lắng về việc thực hiện một số nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thực hiện nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan Trung ương theo Nghị quyết của Chính phủ mới đang dừng lại ở việc rà soát hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến. Tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm.
Đặc biệt, đã qua 5 tháng kể từ ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình phục hồi (Nghị quyết 43), căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế. Quốc hội cho phép tăng bội chi ngân sách Nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1% - 1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), trong đó năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định; đối với phát triển kết cấu hạ tầng, cho phép bổ sung 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 hơn 18,3 nghìn tỷ đồng chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán. Điều này dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.
Bên cạnh đó, đến nay Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, mà chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như Chương trình đã đặt ra.
Đáng chú ý, các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Trong đó, việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nếu không khẩn trương thực hiện sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi học sinh các cấp đã được đến trường.
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc.
Sự chậm trễ trong việc triển khai Chương trình phục hồi cần được Quốc hội xem xét và thảo luận trong Kỳ họp này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói: “Theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2023 nếu không giải ngân được thì trình Quốc hội chấm dứt chứ không có chuyện đưa vào gói sau đó chuyển nguồn để làm lại. Nó không đúng tính chất gói kích thích kinh tế”.
Đây là giải pháp hợp lý, không chỉ từ góc độ tránh thúc ép giải ngân bằng mọi giá (bởi “cố” tiêu tiền rất dễ dẫn đến các dự án không chất lượng hoặc xảy ra trục lợi) mà còn từ góc độ giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, Quốc hội cần xác lập trách nhiệm chính trị đối với việc thực hiện Chương trình phục hồi. Nếu các chính sách hỗ trợ và nguồn vốn của Chương trình này không đi vào cuộc sống theo đúng kế hoạch thì không chỉ làm mất đi ý nghĩa cấp bách của nó mà quan trọng hơn, sẽ làm chậm tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.