“Chùa Đàn” - bản hòa âm định mệnh

GD&TĐ - “Chùa Đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân xoay quanh câu chuyện tri ngộ của ba nhân vật: Lãnh Út - ông chủ ấp Mê Thảo, Bá Nhỡ - quản gia của ấp và Cô Tơ - danh ca quê Nhộn nổi tiếng một thời.

Cảnh trong phim “Mê Thảo - Thời vang bóng”. Nguồn ảnh IT
Cảnh trong phim “Mê Thảo - Thời vang bóng”. Nguồn ảnh IT

Sợi dây kết nối mạch truyện chính là tiếng đàn đáy. Tiếng đàn trở thành thanh âm đặc biệt trong một cuộc hòa tấu ma mị và tuyệt mĩ, có thể gọi đó là bản hòa âm của định mệnh.

Tiếng đàn ở ấp Mê Thảo

Mê Thảo là một ấp chuyên về tằm tang, vốn rất phồn thịnh. Tằm ấp Thảo có “cái vàng óng nuột”. Bên dòng sông Tấm là “những chuyến nước uống thuồng luồng tưới dâu”. Nối sự sản xuất và đổi chác của ấp với đô thị thương mại, “ô tô, xe cộ nườm nượp”. Đứng đầu ấp là ông chủ Lãnh Út - người “có danh là rộng rãi, nhân từ”. Bên cạnh ông chủ Lãnh là Bá Nhỡ, người quản gia tận tâm.

Từ ngày mợ Lãnh “bị vào cái tai nạn đoàn hỏa xa lật úp xuống vực gần hầm sen, ga Liên Chiểu, ông chủ Lãnh thay đổi nhiều, ấp Mê Thảo cũng vì thế mà sa sút. Cái chết của mợ Lãnh đã khiến ông chủ Lãnh ngoảnh mặt với cơ khí, “dằn dỗi với những vật dụng cần thiết hàng ngày do đời cơ khí chế tạo ra”. Cậu chủ “bán rẻ và cho không ô tô, xe đạp, máy bơm nước sông tưới nương dâu”, bán cả “những ống chì dẫn hơi nước để sưởi buồng nuôi tằm vào cữ tháng giá”, vứt hết “máy và đĩa kèn hát, máy đánh chữ, bút máy, lò cồn đun nước, đèn măng xông, ống hàn thử biểu, lịch có ngày tháng in bằng máy”.

Cậu chủ quẳng xuống sông Tấm “khẩu súng một nòng bắn đạn chì hoa khế trừ mãnh thú và khẩu hai nòng bắn chim”. Cậu cho lập mấy chòi canh quanh chỗ giới hạn đất ấp Mê Thảo để khám xét người ra vào ấp, xem có giắt theo vật dụng gì có tính cách máy móc không. “Có nhiều bạn của Lãnh Út bị lẫn lộn đồng hồ mỗi lúc lên chơi ấp và lộn về”, “ô tô, xe cộ của quan khách bị gạt xuống dưới chân đồi xa”. Ấp Mê Thảo trở nên “vắng hẳn người các nơi lui tới thăm viếng, cả người thăm viếng và người mua bán”.

Ông chủ không mặc đồ len vải có chỉ máy khâu nữa mà “mặc thứ vải chàm do thổ dân gần vùng dệt tay, giặt giũ bằng nhựa trái bồ hòn”, đêm đọc sách bằng sức sáng của dầu ép. Thú vui đi săn cầy, bắn chim được thay bằng đàn chó dày lông, một cái nỏ và vài cái bẫy. Cậu chủ không còn dùng điện tín, không đi tỉnh nữa. Cậu còn định bán rẻ ấp đi rồi lùi vào rừng nếu người Pháp mở thêm đường thiết lộ xuyên qua châu Tràng Sa, bắc cầu qua sông Tấm men theo chân ấp Thảo như lời người ta đồn đại.

Mỗi năm, cứ đến kì giỗ bà chủ, ông chủ lại bắt người dân ấp đi đánh cây gạo về trồng. Năm nay, Lãnh Út muốn đánh một cây gạo cổ thụ ở suối Vầu, ở vị trí “bắt đầu vào dốc suối, đúng cái cây thứ ba. Về bên tay phải”. Ông chủ giao cho quản gia: “Nội trong ngày mai phải đưa được cây về trước lúc mặt trời lặn. Quá nửa đêm, sẽ hạ thổ cây gạo, cho kịp ngày kia giỗ mợ”.

Người dân ấp Thảo bàn tán nhiều đến chuyện này. Người thì cho rằng: “May chuyến này không ai bị cây đè chết”. Người thì lại bóng gió xa xôi: “Cây gạo thì quý gì. Gỗ nó chỉ dùng làm áo quan cho bọn nghèo. Hoa thì chỉ quyến rũ được sáo đá với quạ thôi”, “Khéo không lại chạm vía yêu tinh và bóng các Cô, các Cậu trên rừng mà khốn thôi”. Có người lo xa: “Sang năm có đánh cây cổ thụ nữa không”?, “Cơ mà này rồi cũng đến bán ấp…”. Họ cho rằng ông chủ là người “tai ngược”, là “gàn dở”…

Đi sau chiếc xe bò chở cây, nghe những lời bàn của dân ấp Thảo chỉ Bá Nhỡ là “hiểu riêng cái tâm sự của chủ ấp thôi”. Mang nợ ân tình cứu mạng, hễ ông chủ muốn là Bá Nhỡ thực hiện ngay. Từ ngày mợ Lãnh chết, chủ ấp “đâm ra buồn phiền, xao nhãng việc sản xuất, bỏ mặc cả việc cai trị trong hang ấp, chỉ ngày ngày uống rượu, lắm lúc say phạm cả vào điều bạo nghịch, làm dân ta ai oán”. Ấp Thảo “lay lắt được trong cảnh tằm tang” đều là do cái công của người quản gia chịu khó và công bằng.

Mối ân tình với Lãnh Út là duyên, để định mệnh Bá Nhỡ gắn với số phận ông chủ. Mợ Lãnh mất, Lãnh Út buồn khổ đến đâu, cái buồn khổ thấm sang hồn người quản gia trung thành đến đấy. Bá Nhỡ luôn bên cạnh Lãnh Út, “lo tính cho sự trung hưng kinh tế của ấp Mê Thảo”, “lo săn sóc đến tinh thần cậu Lãnh”. Bữa rượu tối nào quản gia cũng ngồi bồi rượu, bình cổ văn, ngâm thơ Đường luật, “lắm lúc mang đàn ra gảy’, “lại còn  sắm lẻ từng vai tuồng, vai chèo  cho cậu xem - hết sắm vai nam lại sắm qua vai nữ”. Một mình không làm vui nổi cậu chủ, người quản gia cho dựng rạp, tìm phường ca công, gánh hát chèo, hát tuồng về diễn. Bá Nhỡ quyết tìm mọi cách để cho “cậu Lãnh tục huyền được với đời sống mới được”.

Nhưng rồi, đúng ngày giỗ mợ Lãnh, cậu chủ mở và thả bức tranh trung đường xuống, dâng một tuần rượu, bảo mọi người lui dần về rồi “khóc to mãi dần lên”, rồi “đem rượu ra uống”. Các hũ rượu lớn nhỏ được gọi đào lên… Sáng hẳn rồi, cậu Lãnh chưa tàn bữa rượu giỗ. “Cậu uống đến đâu mồ hôi cứ theo chân tóc mà tuôn chảy”.

Rồi cậu cầm một lưỡi kiếm cũ, chạy ra vườn chuối, gặp cây nào là chém ngay vào thân cây ấy. Cũng từ đó, cậu không khóc nữa, cũng không nói một tiếng nào. Có việc gì cần lắm chỉ cầm bút viết ra. Cậu bãi hết các cuộc vui đàn hát, cũng không thèm uống rượu nữa. Cậu bắt mua pháo để đốt. Cậu ngồi im, cả ngày cả đêm, ngồi sững nhìn tranh, dáng điệu như nhà sư nhập định, mắt không nhắm, miệng không mở lấy một tiếng, suốt một năm, “bóng in hẳn vào tường, đường viền quanh bóng in trông sắc nhọn như nét cắt”, thân hình khô sắt, khối óc hình như đã trót cầm cho rượu và cho tương tư, cầm lâu ngày quá đến không chuộc về được nữa rồi”.

Bỗng một đêm mưa to gió lớn, chủ ấp choàng dậy, lấy mõ đánh một hồi bảy tiếng gọi rượu. Rượu vào, cậu Lãnh nhớ đến đàn hát, nhớ Cô Tơ và bảo quản gia: “Hôm nào em bảo cô hát lại cho cậu nghe. Một cây đàn đi theo với cô ta thôi. Giờ cậu sợ những cái gì là đông đúc, ầm ĩ”. Bá Nhỡ đã đồng ý, đi tìm Cô Tơ. Cũng từ đây, định mệnh của Bá Nhỡ đã bị ràng buộc bởi lời hứa đi tìm người đàn, và bởi mối ân tình với cậu chủ, cho đến chết.

Ở phần đầu của câu chuyện, nhà văn Nguyễn Tuân đã tạo dựng nên bối cảnh đặc biệt, với nhiều tình tiết li kì, hấp dẫn dựa trên mối quan hệ giữa Lãnh Út và Bá Nhỡ. Đây chính là tình huống truyện để dẫn đến sự gặp gỡ của các nhân vật trong “Chùa Đàn”, để cùng tấu lên bản hòa âm định mệnh mà thực chất là bản hòa tấu của những kẻ tri âm, tri kỉ.  

Bản hòa âm định mệnh

Sau khi biết ông chủ muốn nghe Cô Tơ hát, Bá Nhỡ cho người đi tìm ca nữ. Cho người đi tìm không ăn thua gì, Bá Nhỡ thân hành đi tìm lấy, “lòng hửng lên như buổi mai mùa hè”. Nghe nói Cô Tơ dọn nhà hát ở bất cứ chỗ tỉnh thành nào là Bá Nhỡ “lộng hiểm mà tìm đến, chấp cả cái việc người ta có thể dò biết cái án cũ tử hình còn treo trên đầu”. Đi khắp các tỉnh đều không gặp, Bá Nhỡ tìm về làng nguyên quán Cô Tơ. Cuối cùng, Bá Nhỡ đã gặp được danh ca trong một nếp nhà gianh vùng quê Nhổn.

Bá Nhỡ ngỏ ý muốn thỉnh Cô Tơ về trên ấp hát một buổi nhưng Cô Tơ đã từ chối. Lí do là vì “từ khi ông Chánh nhà chúng tôi mất đi, chúng tôi không cầm đến lá phách nữa”. Bởi vì, hát lên thì lại động đến vong hồn người đàn ông ngày xưa.

Bá Nhỡ ra về, “bụng nghĩ, có lẽ Cô Tơ không nhận lời ngay vì chưa có người kép nào xứng đáng để cùng lên ấp, đi với người khác đàn kém sợ phí tiếng đi”. Bá Nhỡ ý định sẽ đánh đàn đáy vào hôm đó, để “cuộc vui thân mật hơn”. Suốt một tháng ròng, Bá Nhỡ cho đón người kép nghiện về ấp để luyện lại ngón đàn đáy, “cung đốn thầy đàn quá là phụng dưỡng cha già”. Bá Nhỡ tập đàn đến độ chuyên nghiệp, có thể “cướp cả nghề của kép nghiện”. Bá Nhỡ “bấm đến tiếng nào thì tiếng đàn ấy cứ chín nục đi. Không một chữ nào sượng. Tưởng có đi đàn thờ ở một cửa đình nào, thì ông thần làng lấy giải cũng không bắt được Bá Nhỡ đàn lỗi ở bất cứ khổ nào”. Những ngón đàn của Bá Nhỡ “như vê, lẩy, chụp, vuốt, nhấn”, những tiếng thoảng, những chỗ xòe, Bá Nhỡ đều nhập tâm.

Bá Nhỡ bào lại một cây đàn đáy cũ, ôm đàn về quê Nhộn, thử đàn để làm kép cho Cô Tơ nghe. Cô Tơ bị tiếng đàn mời gọi “miệng cô mấp máy, cổ họng muốn dặng hắng, cô muốn hít hơi cho đầy hai lá phổi. Cánh mũi cô phập phồng nhẹ”. Cô muốn hát vo theo những khổ đàn của Bá Nhỡ. Cô muốn quỳ xuống lạy tổ muôn lạy và hối vì đã có ý muốn giải nghệ. Cô muốn nói với Bá Nhỡ: “Đàn ông chín lắm. Nghe đàn của ông đến người đá cũng phải bật ra tiếng hát”. Nhưng Cô Tơ vẫn không thể “cất công đi cho một lần” đến ấp Thảo theo lời thỉnh cầu của Bá Nhỡ.

Cô Tơ phải đưa “chuyện kín trong nhà” kể cho Bá Nhỡ nghe. Chỉ vì lời thề của hai vợ chồng, nên “khi vắng chồng rồi thì thề không uốn một tiếng hát nào cho thiên hạ nghe nữa, trừ phi… trừ phi lại có người nào dám cầm đến cây đàn đáy cũ của chồng tôi mà đàn lên lúc tôi gõ”. Cô Tơ cũng kể thêm chuyện cây đàn đổ mồ hôi, thở dài và cả chuyện ông khách sành đàn ôm cây đàn đáy “đàn được mấy khổ” thì “rùng mình mạnh, tay đàn lìa hẳn đầy gãy, cả người rung lên và mắt dại hẳn ra”, sau đó trở thành một phế nhân. Bá Nhỡ về Mê Thảo, “không ăn không uống, chỉ nằm dài” suy nghĩ về việc cầm đàn của Chánh Thú, việc “có nên quyến luyến với cái thể xác” nữa không, “có còn để dành ta vào việc gì khác không?”, nghĩ đến ơn tri ngộ của cậu Lãnh”, nghĩ đến “những giây khắc sắp tới của đời mình”, tóc Bá Nhỡ “trắng mãi ra như sợi cước”…

Lần thứ ba, Bá Nhỡ đến nhà Cô Tơ để “cầu một tiếng hát”. Ngay khi nhìn thấy Bá Nhỡ, Cô Tơ “lo sợ” nghĩ đến giấc mộng Bá Thú hiện về báo -  muốn bắt người thế mạng mình dưới Thủy cung để được trở lên làm người dương gian. Cô Tơ mời Bá Nhỡ uống nước, rồi “bỏ mặc khách đấy”, lùi vào buồng thờ, châm đèn hương, thỉnh chuông, xin đài âm dương, khấn cầu vong linh Chánh Thú tha cho Bá Nhỡ. Ba lần gieo quẻ, không được keo nào, “Cô Tơ hoa cả mắt, nghẹn nơi họng và trong người như có ai đặt hỏa lò”. Không thể từ chối, vì Bá Nhỡ đã sắp xếp mọi thứ: “Cậu Lãnh sẽ cầm chầu. Cô sẽ hát, tôi sẽ đàn – đàn ngay vào cái đàn ông Chánh”.

Bản hòa âm định mệnh được tấu lên. Người đàn “thử dây, vặn trục đàn”, “buông đầu gảy xuống dây, đàn vẳng ngân một tiếng cuồng loạn” rồi “chững chạc buông ba tiếng song”. Cậu Lãnh “cật và chân cứng đờ”, “mắt nhắm nghiền”. Cô Tơ “như mất hẳn hồn, cái tâm chỉ còn lên xuống theo bực đàn”. Cô “thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy”, nghe trong tiếng đàn cái “hậm hực”, cái “nghẹn ngào, liễm kết cái u uất”. “Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc, bưng bít. Tiếng đôi lá con cỗ phách của Cô Tơ hòa cùng tiếng đàn của Bá Nhỡ “như tiếng chim kêu thương trên dậm cát nổi bão lốc”, có lúc “nghe tàn rợn như tiếng con cắt lao mạnh xuống thềm đá sau một phát tên”. Mỗi tiếng phách sắc như một nét dao thuận chiều. “Đàn và hát dắt nhau mà lướt bổng”. Dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Tuân, ngôn ngữ đang rung ngân những thanh âm tuyệt mĩ đến ma mị. Hiển hiện lúc này là tiếng đàn, là sắc điệu người đàn và cả hồn người nhập vào những thanh âm linh diệu.

Cùng với cung đàn, Bá Nhỡ lả dần về cõi chết, máu chảy nhiều, toàn thân đỏ ngòm, áo quần màu trắng vụt trở nên vóc đại hồng, máu trong cơ thể đều một dòng tuôn mà thấm lâu ra ngoài. “Mỗi tiếng đàn là một miếng thịt lẩy ra”.

Gân tay Cô Tơ xuống phách đã có chiều lảo đảo vì chuột rút. Hạt châu lẩy bẩy đọng trên môi người hát sang đục như mắt chuồn chuồn. Tiếng hát có nhiều chữ buông bắt đã “hết vuông, hết tròn”, rồi “khê”, rồi “méo dần”. Sau một thoảng mê thiếp đi, Cô Tơ lại vững tay phách, chỉnh lại hơi cổ, hơi mũi, tiếng hát lại “mọc cánh, thăm thẳm và trắng tinh khiết quá pha lê gọt”.

Tiếng trống điểm của người chủ ấp trẻ cũng trở nên “sát phạt”. Trong tiếng trống “có tiếng đổ nhào của ngói gạch vụn rời”. Hình như tất cả những lâu đài cung điện của cuộc đời đều tan rã theo một cái roi quật xuống mặt da loài thú. Hình như phải có được vô vàn vàng lụa lũy thế mà phí đi thì mới đổi được ra thành cái tiếng âm đục đục ấy.

Tiếng đàn Bá Nhỡ như “hơi tơ thiểu não, như lời gởi gấm giối giăng”, “buồn rộng xa nhòe qua một tiếng lên đường”, “là những tiếng cuối cùng của đời”. Bá Nhỡ máu tuôn ra nhiều, thân hình ngót dần đi và teo tóp mãi lại chẳng khác gì cái xác khô người tăng già khổ hạnh. Khi “máu tuôn đã hết chất nồng”, Bá Nhỡ “gục vào đàn nách cắp lấy thành đàn mà nhoài ra giường”, “phía sau gáy Bá Nhỡ vụt bay lên một con bướm đen loang lổ những chấm tròn hồng hoàng. Thế là hết hẳn ngân rung và chỉ đàn. Bản hòa âm của định mệnh chỉ còn là dấu lặng trong thinh không.

Bản hòa âm giữa tiếng đàn, tiếng trống và tiếng phách khép lại, “Chùa Đàn” để lại nhiều dư ba. Hợp âm vang lên cùng với sự chết dần của Bá Nhỡ, giữa tiếng nhạc, tiếng trúc, tiếng tơ và tiếng hát của đầu Tơ. “Những đoạn văn như thế, phi Nguyễn Tuân, chắc không ai viết được. Bởi vì trong giới cầm bút, không ai sành sỏi được như Nguyễn Tuân về các ngón nghề của hát ả đào, của cây đàn đáy, của chiếc trống chầu” (Nguyễn Đăng Mạnh). Nguyễn Tuân đã đưa toàn bộ kiến thức uyên bác về nghệ thuật hát theo lối ả đào của mình vào tác phẩm, khiến nó đậm chất thơ trong từng câu chữ. “Trong các sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Tuân biểu lộ một tài năng sáng tạo đặc biệt. Mỗi công trình nghệ thuật đều in dấu ấn đỏ chói của ông, không thể lẫn với một ai khác, không một người nào khác mô phỏng được. Với Chùa Đàn, tài năng sáng tạo của nhà văn đã vươn tới thượng đỉnh” (Hoàng Như Mai).

Bản hợp âm định mệnh đã khép lại, tất cả chỉ còn hiển linh trong một ngôi chùa mang tên “Chùa Đàn”. Vào trước kì giỗ đầu Bá Nhỡ mười hôm, chùa Đàn được dựng lên và nhận tượng mới, chiêng mới. Cô Tơ giữ việc kinh kệ cho chùa và chăm lo hai mẫu ruộng hậu - khoảnh tự điền sa đấy đã được Lãnh Út điều đình cố giữ lại khi bán ấp cho người khác. Mọi chuyện xảy ra trên ấp Mê Thảo đã trôi qua, chùa Đàn còn lại. Đó là một ngôi chùa khác thường: Ở chỗ bệ thờ tổ khi chưa có pho tượng Phật nào, đã được đặt một tảng gỗ đẽo có ngọn vút lên phía sau bát hương, trông xa như một gốc trầm, lại gần thì thấy cả “một cây đàn đáy với những nét chính của nhạc khí tạc chìm vào gỗ mộc”. Biểu tượng ấy được dựng thờ nơi tôn nghiêm, thoát tục. Với Nguyễn Tuân, “Chùa Đàn” chính là thánh đường thiêng liêng tôn thờ cái Đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ